Đoàn viên, người lao động gửi gắm nhiều kỳ vọng vào Đại hội Công đoàn Công Thương Việt Nam lần thứ IV
This browser does not support the video element.
Đại diện cho 2.200 công đoàn viên là công chức, viên chức, người lao động tại các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, bà Nguyễn Minh Huệ - Chủ tịch Công đoàn Bộ Công Thương - cho biết: Các đoàn viên công đoàn Bộ Công Thương luôn tin tưởng vào thành công của Đại hội, kỳ vọng vào sự đổi mới, đột phá của hoạt động công đoàn ngành Công Thương trong nhiệm kỳ tới. Đặc biệt, Chương trình hành động số 02/CTr-BCH ngày 20/7/2021 của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới’’.
“Chúng tôi tin tưởng, sự chỉ đạo sát sao của Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương và các cấp ủy Đảng sẽ tạo sự chuyển biến sâu sắc, mạnh mẽ trong hoạt động Công đoàn ngành Công Thương”, bà Huệ khẳng định.
Các đại biểu trao đổi bên lề Đại hội |
Thay mặt cho đoàn viên công đoàn, người lao động Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, bà Đỗ Huyền Cư - Phó Chủ tịch Công đoàn Trường - bày tỏ: “Không chỉ riêng bản thân tôi, toàn bộ đoàn viên công đoàn Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cũng như đoàn viên công đoàn ngành Công Thương có nhiều tâm tư, nguyện vọng gửi tới đại hội lần này. Trước hết, chúng tôi mong muốn Công đoàn ngành Công Thương phát huy những kết quả đã làm được thời gian qua để làm tốt hơn nữa trong nhiệm kỳ mới. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng gửi những tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên công đoàn tới các cấp có thẩm quyền để bảo vệ tốt hơn những quyền lợi chính đáng của đoàn viên công đoàn, đặc biệt trong việc thực hiện chính sách cải cách tiền lương...”
Quan tâm đến nhóm chính sách về điều kiện lao động, ông Đỗ Đình Trường - Phó Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Thép Việt Nam nêu thực tế, bữa ăn ca của người lao động rất quan trọng, nếu người lao động được ăn ca bảo đảm dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm thì sẽ có sức khỏe, làm việc tốt hơn.
“Chăm lo đến đời sống vật chất, điều kiện làm việc, bữa ăn ca của người lao động đảm bảo dinh dưỡng, an toàn thực phẩm là chủ trương lớn; đặc biệt mô hình ăn ca tự chọn được Công đoàn Tổng công ty Thép Việt Nam phát động và chỉ đạo thực hiện từ rất sớm. Hiện, Tổng công ty Thép Việt Nam có 23 nhà ăn ca tự chọn trong hệ thống và phục vụ trên 5.000 người lao động. Thời gian tới, Công đoàn Tổng công ty tiếp tục chỉ đạo các công đoàn cơ sở phối hợp triển khai và nhân rộng mô hình này. Nhân Đại hội IV Công đoàn Công Thương Việt Nam, Công đoàn Tổng công ty Thép Việt Nam mong muốn có sự đồng hành, chia sẻ của Công đoàn Công Thương trong việc chăm lo đến các chính sách, điều kiện làm việc, bữa ăn của người lao động”, ông Trường nói.
Với việc thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, các công đoàn cơ sở mong muốn tổ chức công đoàn tiếp tục kết nối để các công đoàn sử dụng sản phẩm lẫn nhau, từ đó sẽ tạo thêm cơ hội việc làm, tăng thu nhập cho đoàn viên, người lao động và phát triển sản xuất của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, phong trào thi đua yêu nước trong đoàn viên và người lao động do Công đoàn ngành phát động và tổ chức đã đổi mới, chuyển biến mạnh mẽ, phù hợp với tình hình kinh tế, đặc thù của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp… thu hút đông đảo công nhân viên chức lao động hưởng ứng tham gia. Tuy nhiên, nhiều công đoàn viên mong muốn, thời gian tới, cần tiếp tục đổi mới về nội dung thi đua, tập trung vào những phong trào mang tính đặc thù ngành nghề.
Đặc biệt, việc triển khai Chương trình phúc lợi cho đoàn viên, người lao động được hưởng lợi từ hoạt động chăm lo tăng lên nhiều so với trước đây. Công tác kiểm tra, giám sát thực hiện pháp luật lao động và các chế độ chính sách liên quan đến người lao động thông qua việc chủ động phối hợp chỉ đạo thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, nâng cao chất lượng hội nghị cán bộ công chức, viên chức, đối thoại và xây dựng Thỏa ước lao động tập thể; hỗ trợ tư vấn, giúp đoàn viên, người lao động bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng.
Nhiệm kỳ cũ đang dần khép lại với nhiều dấu ấn của các cấp công đoàn ngành Công Thương. Nhiệm kỳ mới bắt đầu với những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mới. Với phương châm “Đổi mới - Dân chủ - Đoàn kết - Phát triển”, trong nhiệm kỳ 2023 - 2028, đoàn viên công đoàn kỳ vọng Công đoàn Công Thương Việt Nam sẽ đổi mới nội dung, phương thực hoạt động theo hướng hiệu quả, thiết thực, thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, người lao động. Tổ chức các hoạt động hướng mạnh về cơ sở được thể hiện cụ thể trong các nội dung nghị quyết, những mục tiêu đề ra trong đại hội.