Đến giữa tháng 3, cán cân thương mại thặng dư gần 3 tỷ USD
Trong đó, kỳ 1 tháng 3 (1-15/3) tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 27,15 tỷ USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2022.
Về cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa, kim ngạch xuất khẩu đạt 13,33 tỷ USD, giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Nửa đầu tháng 3 có 4 mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD. Đứng đầu là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất với 2,22 tỷ USD. Tiếp đến là điện thoại và linh kiện đạt 1,75 tỷ USD; máy móc, thiết bị dụng cụ phụ tùng khác đạt 1,57 tỷ USD; hàng dệt may đạt 1,23 tỷ USD.
Kim ngạch nhập khẩu trong nửa đầu tháng 3 đạt 13,82 tỷ USD, giảm 9% so với cùng kỳ năm 2022. Nửa đầu tháng 3, có 2 mặt hàng nhập khẩu trên 1 tỷ USD, gồm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với 3,23 tỷ USD; máy móc, thiết bị dụng cụ phụ tùng đạt 1,71 tỷ USD.
Kim ngạch xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt trên 1 tỷ USD |
Tính chung từ đầu năm đến 15/3, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt gần 123 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt gần 63 tỷ USD, nhập khẩu đạt 60 tỷ USD, cán cân thương mại thặng dư gần 3 tỷ USD. Thặng dư đạt mức cao là một trong những điểm sáng quan trọng của hoạt động xuất nhập khẩu.
Từ đầu năm đến nay, xuất nhập khẩu hàng hóa gặp nhiều khó khăn cả về thị trường và đơn hàng. Trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu.
Mới đây nhất, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Quyết định số 165/QĐ-TTg ngày 28/02/2023 phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương đến năm 2030. Theo đó, Quyết định đặt ra mục tiêu duy trì thặng dư cán cân thương mại với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu luôn cao hơn nhập khẩu và tăng bình quân khoảng 6 - 8%/năm.
Đề án cũng đặt mục tiêu phát triển nhanh, bền vững thị trường trong nước kết nối liền mạch với thị trường xuất nhập khẩu. Phát huy thế mạnh của thị trường trong nước để củng cố nội lực là yếu tố quyết định gắn với mở rộng thị trường bên ngoài, trong đó, xác định thương mại số, thương mại điện tử là động lực tăng trưởng quan trọng của kinh tế số.
Bên cạnh đó, đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, chú trọng phát triển xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới, hệ thống phân phối nước ngoài và đẩy mạnh phát triển thương hiệu hàng Việt Nam, gia tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa có hàm lượng chế biến sâu, công nghệ cao và tỷ lệ nội địa hóa lớn; phát triển các mặt hàng xuất khẩu mới, tạo sự đột phá như các sản phẩm Halal sang các thị trường Hồi giáo, sản phẩm Kosher sang thị trường Do Thái, hàng hóa môi trường và các bon thấp...
Thực hiện chuyển dịch mạnh mẽ hệ thống phân phối sang các loại hình phân phối hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa hệ thống phân phối ở vùng nông thôn, miền núi; Phát triển thương mại điện tử thành một kênh phân phối quan trọng, hỗ trợ tích cực trong tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa nông sản, hàng công nghiệp tiêu dùng; phát triển các trung tâm tiêu dùng mới. Số hóa các hoạt động xúc tiến thương mại.