Đề nghị giải quyết mâu thuẫn giữa Luật Quy hoạch với Luật Điện lực (sửa đổi)
Tiếp tục Chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 8, chiều 6/11 Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu (dự thảo Luật) .
Tại phiên thảo luận đại biểu Nguyễn Mạnh Cường - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình thống nhất cao cần thiết sớm thông qua 4 Luật. Tuy nhiên, qua quá trình nghiên cứu, đại biểu nhận thấy còn nhiều mâu thuẫn và giữa Luật Quy hoạch và các Luật chuyên ngành, nhất là Luật Điện lực (sửa đổi), cũng đang được trình Quốc hội tại kỳ họp này.
Thiếu đồng bộ, thống nhất với Luật Điện lực (sửa đổi) và các luật chuyên ngành
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường đã chỉ ra mối quan hệ giữa Luật Quy hoạch chung với các quy định về quy hoạch tại các Luật chuyên ngành, hiện nay không thống nhất, đơn cử là Luật Điện lực (sửa đổi) cũng được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường nói về sự thiếu đồng bộ giữa Luật Quy hoạch (sửa đổi) với Luật Điện lực (sửa đổi) - Ảnh: QH |
Đại biểu nêu, trong Luật Quy hoạch chung quy định, khi điều chỉnh quy hoạch theo trình tự, thủ tục rút gọn phải đảm bảo không được làm thay đổi mục tiêu, quan điểm của quy hoạch. Trong Luật Điện lực (sửa đổi) quy định thay đổi mục tiêu, quan điểm vẫn được điều chỉnh theo trình tự, thủ tục rút gọn, nhưng trong Luật Quy hoạch chung lại không có những trường hợp như vậy, không có những căn cứ như vậy.
Hay, trong Luật Điện lực (sửa đổi), trong trường hợp cần phải bảo đảm an ninh, quốc phòng, có thể được điều chỉnh theo cái trình tự, thủ tục rút gọn. Nhưng căn cứ này trong Luật Quy hoạch lại không có. Trong trường hợp này, dù có trường hợp bảo đảm an ninh quốc phòng, vẫn phải tiến hành điều chỉnh quy hoạch theo thủ tục chung chứ không được điều chỉnh quy hoạch theo thủ tục rút gọn. Hay trong trường hợp hình thành dự án làm ảnh hưởng lớn đến sử dụng đất, môi trường..... thì trong Luật Điện lực (sửa đổi) quy định rằng trường hợp đó điều chỉnh theo trình tự, thủ tục rút gọn, nhưng trong Luật Quy hoạch lại không có trường hợp này, không có căn cứ.
Hoặc, trong Luật Điện lực (sửa đổi) có căn cứ là khi thay đổi phương án phát triển nguồn, lưới, nhu cầu phụ tải điện, vv... thì được điều chỉnh quy hoạch theo trình tự thủ tục rút gọn họ, nhưng trong Luật Quy hoạch không có căn cứ này.
“Như vậy giữa 2 Luật này có không thống nhất, về sau này sẽ không biết trường hợp nào áp dụng quy định của Luật chuyên ngành và trường hợp nào áp dụng quy định của Luật chung”- đại biểu băn khoăn.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường khẳng định, việc không đồng bộ, thống nhất giữa các Luật gây rất nhiều khó khăn, ách tắc. Vừa qua Chính phủ đã rất cố gắng để khắc phục tình trạng này, vì đây là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng sợ sai không dám làm, và nó gây ra rất nhiều vụ việc xử lý trách nhiệm liên quan đến việc pháp luật quy định không rõ ràng, không đồng bộ, thống nhất, không biết làm theo hướng nào và dễ bị dẫn đến làm sai.
Chiều 6/11 Quốc hội thảo luận tại hội trường về 4 dự thảo luật (Ảnh:QH) |
“Khi áp dụng pháp Luật thì tôi đề nghị rằng chúng ta phải giải quyết được mối quan hệ giữa Luật Quy hoạch (luật chung) với các luật chuyên ngành hiện nay”- đại biểu đề xuất.
Đại biểu cũng chia sẻ, lĩnh vực điện lực có rất nhiều đặc thù cần phải có quy định liên quan tới vấn đề quy hoạch. Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng chí Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư có nói rằng: "Luật Quy hoạch chỉ quy hoạch những vấn đề chung thôi, còn những vấn đề chi tiết liên quan đến quy hoạch ở các ngành, các lĩnh vực thì phải do các Luật chuyên ngành quy định và áp dụng theo các quy định của Luật chuyên ngành". Và nếu chúng ta định có nguyên tắc áp dụng pháp luật như vậy thì tôi đề nghị phải quy định nguyên tắc áp dụng pháp luật - bổ sung 1 quy định về nguyên tắc áp dụng pháp luật ở trong Luật Quy hoạch. Hiện nay trong Luật Quy hoạch không có Điều về nguyên tắc áp dụng pháp luật.
Ngoài các căn cứ Luật Quy hoạch quy định, có thể có những căn cứ khác mà Luật chuyên ngành nhận thấy những trường hợp đó cũng phải áp dụng theo trình tự, thủ tục rút gọn để đảm bảo không chồng chéo giữa Luật Quy hoạch với Luật Điện lực. Ở đây, không chỉ có Luật Điện lực, có rất nhiều các luật khác có liên quan đến quy hoạch, ví dụ như, Luật Địa chất, Khoáng sản sắp tới thông qua cũng có những quy định liên quan đến quy hoạch và nó cũng đang mâu thuẫn về vấn đề quy hoạch và một số Luật khác, hiện nay, chúng ta đều có những nội dung liên quan đến quy hoạch.
Vì vậy, đại biểu cho rằng, đây là vấn đề rất quan trọng, nếu không được giải quyết ở ngay trong Luật Quy hoạch lần này thì việc chồng chéo, vướng mắc trong việc mà áp dụng pháp luật về quy hoạch sẽ cứ tồn tại mãi, gây ra những ách tắc, vướng mắc trong thực hiện.
Thiếu thống nhất trong quy định về thủ tục trình tự rút gọn
Cụ thể, trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch, ở đây cơ quan trình dự án Luật có đề nghị bổ sung Điều 54, quy định về điều chỉnh quy hoạch theo trình tự, thủ tục rút gọn theo quy định của Luật Quy hoạch.
“Hiện nay, chúng ta không có trình tự, thủ tục rút gọn, vì vậy, lần này có đề nghị bổ sung thêm một trình tự, thủ tục rút gọn đối với việc điều chỉnh Quy hoạch theo trình tự thủ tục rút gọn sẽ bỏ bớt đi một một số bước. Ví dụ, liên quan tới việc lấy ý kiến bớt đi, liên quan đến việc thẩm định có thể bớt đi. Cho nên, trình tự, thủ tục sẽ ngắn gọn hơn rất nhiều và tôi tán thành điều chỉnh quy hoạch theo trình tự, thủ tục rút gọn như quy định tại Điều 54a”- đại biểu nhấn mạnh.
Đồng thời, đại biểu cho biết, trong Luật Quy hoạch hiện hành có Điều 53 quy định về căn cứ những trường hợp được điều chỉnh quy hoạch, và bây giờ dự thảo bổ sung thêm Điều 54a, nhưng điều 53 lại không sửa đổi, cho nên giữa Điều 54a và Điều 53 không có sự thống nhất.
Điều 54a có đặt ra một số trường hợp, một số căn cứ mà điều chỉnh theo thủ tục rút gọn, thì lại không nằm ở trong Điều về điều chỉnh quy hoạch theo trình tự chung.
Ví dụ, khi thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Chính phủ về các dự án quan trọng quốc gia mà làm thay đổi một số nội dung của quy hoạch, thì trong Điều 54a đã có căn cứ này, nhưng trong Điều 53 lại không có. Hoặc, trong trường hợp thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Chính phủ, của Hội đồng nhân dân mà làm thay đổi phân kỳ thực hiện, thông số hoặc thông tin công trình, dự án được xác định tại quy hoạch thì cũng là một căn cứ để thực hiện điều chỉnh theo trình tự, thủ tục rút gọn, nhưng Điều 53 thì không quy định về căn cứ này.
Do vậy, đại biểu đề nghị phải hết sức cân nhắc về cách quy định như tại Điều 54a và Điều 53 và đề nghị nên bổ sung, sửa đổi Điều 53 và bổ sung những căn cứ điều chỉnh quy hoạch theo thủ tục rút gọn tại Điều 5 vào trong Điều 53 về điều chỉnh quy hoạch chung, như vậy sẽ bảo đảm tính đồng bộ ở trong Luật Quy hoạch.