Cửa ngõ để hàng Việt "vươn mình" sang Trung Á, Đông Âu
Chiều ngày 6/5, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có bài trả lời phỏng vấn báo chí về chuyến thăm của Tổng Bí thư Tô Lâm đến Kazakhstan trong 2 ngày 5 - 6/5.
Đánh giá về những kết quả hợp tác nổi bật giữa Việt Nam và Kazakhstan trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư thời gian qua, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, Việt Nam và Kazakhstan có quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp.
Kazakhstan là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam trong Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU). Năm 2024, trao đổi hàng hóa hai chiều đạt trên 800 triệu USD, tăng gấp đôi so với năm 2023. Ba tháng đầu năm 2025, kim ngạch song phương đạt 146,3 triệu USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm 2024.
Hai nước có cơ chế Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật để điều phối, thúc đẩy hoạt động thương mại, đầu tư, hợp tác và đã họp luân phiên được 11 khóa.
![]() |
Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev chụp ảnh chung trước hội đàm cấp Nhà nước diễn ra hôm nay, ngày 6/5 (Ảnh: Thống Nhất - TTXVN). |
Hiện nay, hai nước triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động chung nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại của hai Chính phủ giai đoạn 2023 - 2025, xây dựng định hướng đến năm 2030; thúc đẩy việc thành lập cơ quan đại diện thương mại Việt Nam tại Kazakhstan, Hội đồng doanh nghiệp chung Việt Nam - Kazakhstan.
Các dự án đầu tư trên lãnh thổ của nhau tuy chưa nhiều nhưng ngày càng tăng trong thời gian gần đây. Điều này cho thấy, thị trường Kazakhstan đang ngày càng thu hút các doanh nghiệp của Việt Nam đến đầu tư.
Hợp tác du lịch và giao lưu nhân dân được tăng cường với tần suất 21 chuyến bay thẳng/tuần. Lượng du khách Kazakhstan sang Việt Nam năm sau cao hơn năm trước, đạt khoảng 150.000 lượt trong năm 2024.
Dù đạt được những kết quả tích cực, song theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, hai nước vẫn còn nhiều dư địa và tiềm năng để tăng cường hợp tác và cùng nhau phát triển.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng, để thúc đẩy kinh tế, thương mại, đầu tư, hai nước cần tăng cường kết nối giao thông, đặc biệt trong lĩnh vực đường sắt.
Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam với Kazakhstan cơ bản không cạnh tranh trực tiếp với nhau. Vì vậy, Việt Nam có thể xuất khẩu nhiều mặt hàng thế mạnh như nông sản, thủy sản, dệt may, da giày, điện tử... sang Kazakhstan, qua Kazakhstan để tới các nước khác qua các hành lang vận tải Đông - Tây và Bắc - Nam.
Hai bên cũng có thế mạnh để tăng cường hợp tác về tài chính, năng lượng - dầu khí, khai khoáng, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và các lĩnh vực triển vọng khác như công nghệ số, năng lượng sạch, vật liệu mới, trí tuệ nhân tạo ΑΙ...
Phó Thủ tướng tin tưởng, chuyến thăm cấp Nhà nước đến Cộng hòa Kazakhstan của Tổng Bí thư Tô Lâm sẽ mở ra không gian chiến lược hợp tác, thúc đẩy hợp tác toàn diện trên tất cả các lĩnh vực trong tình hình mới. Qua đó, củng cố và tăng cường hơn nữa mối quan hệ hữu nghị và truyền thống giữa hai nước.
Hợp tác phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu
Đáng chú ý, theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, trong chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Kazakhstan, hai nước đã ra Tuyên bố chung về việc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Kazakhstan.
Trong đó, đề cập đến hợp tác phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây là lĩnh vực mới trong quan hệ giữa Việt Nam và Kazakhstan, nhưng lại là lĩnh vực mà cả hai nước đều rất quan tâm và lần đầu tiên được đưa vào.
![]() |
Thông qua Kazakhstan, hàng Việt Nam có thể đi tới các nước khác qua các hành lang vận tải Đông - Tây và Bắc - Nam. Ảnh: Trung Thắng |
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nhấn mạnh, trong bối cảnh thế giới đang đứng trước nhiều thách thức an ninh phi truyền thống, trong đó có biến đổi khí hậu, Việt Nam và Kazakhstan có cơ hội để định hình một khuôn khổ hợp tác mới, sâu rộng hơn, thực chất hơn, hướng tới phát triển bền vững, lâu dài.
"Chúng ta có nền tảng chính trị vững chắc, có cùng cam kết với các mục tiêu toàn cầu như Thỏa thuận Paris về khí hậu.
Quan trọng hơn, chúng ta có những kinh nghiệm phát triển vừa riêng biệt, vừa bổ trợ cho nhau: Việt Nam có thế mạnh trong ứng phó thiên tai, phát triển nông nghiệp bền vững, trong khi Kazakhstan có kinh nghiệm quý báu về quản lý tài nguyên nước, phát triển năng lượng tái tạo..." - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhận định.
Tuy nhiên, sự khác biệt về điều kiện tự nhiên, mức độ sẵn sàng về tài chính, công nghệ, thể chế và quản lý môi trường là những thách thức hai nước cần cùng nhau vượt qua. Ngoài ra, do đây là lĩnh vực mới nên cần được cụ thể hóa bằng các chương trình và dự án thiết thực hơn.
Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam với Kazakhstan cơ bản không cạnh tranh trực tiếp với nhau. Vì vậy, Việt Nam có thể xuất khẩu nhiều mặt hàng thế mạnh như nông sản, thủy sản, dệt may, da giày, điện tử... sang Kazakhstan, qua Kazakhstan để tới các nước khác qua các hành lang vận tải Đông - Tây và Bắc - Nam. |