Sản xuất vải theo tiêu chuẩn GlobalGAP đang hứa hẹn nhiều cơ hội mới cho người trồng vải |
Còn nhiều hạn chế
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến 31/12/2014, số làng nghề và làng có nghề nước ta là 5.096. Số làng nghề truyền thống được công nhận theo tiêu chí làng nghề hiện nay của Chính phủ là 1.748, thu hút khoảng 10 triệu lao động. Tuy nhiên, theo nhà giáo ưu tú Trịnh Quốc Đạt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, công tác dạy nghề truyền thống chưa phát huy hiệu quả tại các làng nghề; các mô hình đào tạo nghề vẫn chưa thu hút được đông đảo lao động nông thôn tham gia, chất lượng đào tạo còn hạn chế và thiếu tính bền vững. Chính điều này đã phần nào làm hạn chế sự phát triển của làng nghề Việt Nam. Nguyên nhân chính là do đặc thù của nghề truyền thống là nghề thủ công mỹ nghệ đòi hỏi kỹ thuật tinh xảo, người thợ phải được học làm sản phẩm từ đơn giản đến phức tạp với thời gian từ vài năm trở lên mới có thể độc lập gia công sản phẩm có giá trị hàng hóa. Trong khi đó, các lớp dạy nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống với thời gian 3 - 4 tháng mới chỉ dạy cho học viên làm được những sản phẩm đơn giản hoặc chỉ gia công một công đoạn nào đó của sản phẩm. Học viên mới tốt nghiệp các lớp thủ công mỹ nghệ ngắn ngày nếu không được các doanh nghiệp làng nghề hoặc các thợ lành nghề hướng dẫn sản xuất thì không thể tự mình hành nghề được. Thêm vào đó, trong công tác dạy nghề, nhất là nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống rất cần áp dụng phương pháp truyền nghề, chính vì vậy, rất cần những nghệ nhân, thợ giỏi nghề thủ công, mỹ nghệ tham gia dạy nghề. Ngoài ra, hiện nay, nhiều địa phương mới chú trọng dạy nghề nông nghiệp, công nghiệp mà chưa chú trọng đúng mức việc dạy nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống hoặc lúng túng trong công tác chỉ đạo, định hướng sản xuất…
Tăng cường công tác đào tạo
Trước thực tế này, ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho biết: Trong thời gian tới, hiệp hội sẽ có kiến nghị với Chính phủ và các ban, ngành chức năng để tăng cường công tác đào tạo nghề, cải tiến phương thức đào tạo, chuyển giao thêm cho các tổ chức xã hội thực hiện để đạt hiệu quả thiết thực hơn, người lao động đào tạo ra là có thể làm việc được ngay, không phải đào tạo lại. Để làm được điều này, rất cần các doanh nghiệp nghề truyền thống tham gia dạy nghề, nhất là những doanh nghiệp bảo trợ, bao tiêu sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống cũng sẽ được ưu tiên và khuyến khích.
Đồng thời, việc tôn vinh, bồi dưỡng phát huy nghệ nhân, tiếp tục đào tạo thợ giỏi cũng sẽ được chú trọng hơn nữa. Cùng với việc Hiệp hội Làng nghề Việt Nam tiếp tục thực hiện các biện pháp tôn vinh nghệ nhân như lâu nay, đề nghị Hội đồng xét thưởng quốc gia quan tâm hơn nữa nghệ nhân làng nghề trong việc tôn vinh, khen thưởng các Nghệ nhân Ưu tú, Nghệ nhân Nhân dân ở phạm vi quốc gia; Có chính sách thiết thực hơn trong việc tạo điều kiện cho nghệ nhân phát huy sáng tạo, thiết kế mẫu mã mới; tham gia việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn và được chăm sóc sức khỏe khi đau ốm.