Xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, nền tảng, động lực tạo đột phá cho sự phát triển, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, đầu năm 2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết 09-NQ/TU về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu bao quát trên 3 trụ cột: Chính quyền số - kinh tế số - xã hội số. Nghị quyết số 09 xác định 20 mục tiêu cụ thể đến năm 2025 và 40 nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện chuyển đổi số toàn diện trên địa bàn tỉnh. Tới nay, việc thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 09 cũng đạt được một số kết quả cụ thể.
Đáng chú ý, việc xây dựng một nền hành chính nhà nước chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả để phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp. Sau hai năm thực hiện Nghị quyết số 09, đến nay, ở cấp tỉnh các sở, ban, ngành cung cấp 1.000 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 628 thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình (đạt 62,8%) và 372 thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công trực tuyến một phần (đạt 37,2%). Cấp huyện cung cấp 200 dịch vụ công trực tuyến, trong đó 97 thủ tục hành chính (TTHC) cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình (đạt 48,5%) và 103 dịch vụ công trực tuyến một phần (đạt 51,5%). Cấp xã cung cấp 78 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 31 TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình (đạt 39,7%), 47 dịch vụ công trực tuyến một phần (đạt 60,3%).
Người dân tại Quảng Ninh được hướng dẫn thực hiện các thủ tục tại Trung tâm hành chính công. Ảnh: Minh Hà |
Thực tế triển khai Nghị quyết số 09 tại địa phương, huyện Đầm Hà đã khẩn trương quán triệt, ban hành chương trình hành động, các kế hoạch cụ thể để lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện đồng bộ, rõ trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả. Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin ngày càng được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Kinh tế số, xã hội số từng bước hình thành và phát triển; đã có nhiều hình thức kinh doanh, dịch vụ mới, dựa trên nền tảng công nghệ số và sử dụng Internet. 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình hoặc một phần và được tích hợp lên cổng dịch vụ công quốc gia. 100% các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn đã triển khai áp dụng ký số trong việc phát hành văn bản theo đúng quy định.
Huyện Đầm Hà đã chỉ đạo đưa vào triển khai biên lai điện tử, hóa đơn điện tử, dịch vụ thanh toán phí, lệ phí trong giải quyết TTHC đối với trung tâm hành chính công, Chi cục Thuế khu vực Đầm Hà - Hải Hà, Viễn thông Đầm Hà và UBND các xã, thị trấn. Một số doanh nghiệp đã có website riêng phục vụ cho hoạt động kinh doanh và tham gia thương mại điện tử, giao dịch mua bán hàng qua mạng. 100% các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình kinh doanh đã sử dụng hóa đơn điện tử; các trường học, bệnh viện, trung tâm hành chính công, UBND các xã, thị trấn và các siêu thị, cửa hàng tiện lợi sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Toàn huyện có 20/20 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên đưa lên sàn thương mại điện tử. 100% người dân có sổ sức khỏe điện tử. 100% công dân được cấp căn cước công dân gắn chíp; đã kích hoạt định danh điện tử mức 1 và 2 cho trên 17.000 tài khoản định danh điện tử cho công dân trên địa bàn.
Có thể khẳng định, sau hai năm thực hiện Nghị quyết 09, chuyển đổi số tiếp tục trở thành một trong những động lực quan trọng cho sự phát triển của Quảng Ninh trong giai đoạn mới, từng bước hiện thực hóa mục tiêu “Tất cả vì hạnh phúc của nhân dân”…