“Đánh bật” thanh long, xuất khẩu sầu riêng đạt con số kỷ lục
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu sầu riêng 7 tháng đầu năm nay đã thu về 1,1 tỷ USD, “đánh bật” thanh long – loại quả đã 10 năm liền đứng đầu trong top các loại trái cây xuất khẩu của nước ta để vươn lên chiếm vị trí top đầu. Với con số này, sầu riêng chính thức lọt vào “câu lạc bộ xuất khẩu tỷ USD” của ngành nông nghiệp. Đây cũng là mức kim ngạch cao nhất của loại trái cây này từ trước đến nay.
“Đánh bật” thanh long, xuất khẩu sầu riêng vượt 1 tỷ USD |
Xuất khẩu sôi động cũng đẩy giá sầu riêng tại các vùng trồng tăng vọt. Báo cáo tình hình sản xuất và diễn biến giá cả một số mặt hàng nông sản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, trong tháng 7, giá sầu riêng Ri6 tăng 7.400 đồng/kg, lên mức 80.000 đồng/kg.
Vào nửa đầu năm, các cơ quan chức năng dự báo xuất khẩu sầu riêng cả năm nay của Việt Nam sẽ đạt mốc 1 tỷ USD. Song với tình hình như hiện nay, xuất khẩu sầu riêng năm nay sẽ tăng mạnh, đạt 1,2-1,5 tỷ USD, gấp 3,5 lần so với năm ngoái.
Hiện thị trường Trung Quốc chiếm tới 95% giá trị xuất khẩu của sầu riêng Việt Nam. Đây là kết quả rất tích cực từ việc Việt Nam chính thức ký Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc vào tháng 7/2022. Tính đến cuối tháng 5, phía Trung Quốc đã phê duyệt thêm 47 mã số vùng và 18 cơ sở đóng gói sầu riêng đạt yêu cầu nâng tổng số vùng trồng và cơ sở đóng gói lên con số 293 và 115 cơ sở được phía Trung Quốc cấp mã số xuất khẩu chính ngạch.
Sầu riêng sẽ trở thành mặt hàng xuất khẩu tỉ USD ngay trong năm đầu tiên xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, nhất là khi mùa sầu riêng Tây Nguyên sẽ bắt đầu cho thu hoạch vào quý 3.
Bên cạnh đó, sầu riêng Việt Nam không chỉ tập trung xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc mà đã được mở rộng sang các thị trường như Mỹ, EU, Nhật Bản, Úc, Anh...
Đơn cử, đầu tháng 5, theo Thương vụ Việt Nam tại Anh, lô hàng sầu riêng Ri6 khoảng 5 tấn của Việt Nam do Công ty TT Meridian Ltd (Anh) nhập khẩu chính ngạch đã thông quan, phân phối đến các siêu thị tại Anh.
Kết quả này có được do sầu riêng được hưởng ưu đãi miễn thuế nhập khẩu vào Anh theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA). Cùng với chất lượng vượt trội đã giúp sầu riêng Ri6 Việt Nam có lợi thế cạnh tranh tại thị trường Anh so với sầu riêng từ các nước khác. Hiện sầu riêng Việt Nam được hưởng mức thuế ưu đãi 0% theo UKVFTA, trong khi sầu riêng nhập khẩu từ các nước không có ưu đãi chịu mức thuế 8%.
Hoặc, mặt hàng sầu riêng đông lạnh cũng được ưa chuộng tại Úc. Đây là cơ hội gia tăng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng sầu riêng vào thị trường này.
Hiện tại, nguồn cung sầu riêng của các nước đang giảm dần vì vào cuối vụ thu hoạch. Sầu riêng Tây nguyên của Việt Nam đang dần trở lại thế "một mình một chợ" trên thị trường.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia trong ngành, nhu cầu và tiềm năng của thị trường Trung Quốc đối với mặt hàng sầu riêng còn rất lớn, trị giá hơn 4 tỉ USD năm 2022. Đây cũng là thị trường lớn nhất và là thị trường tiềm năng của sầu riêng Việt Nam.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng nóng của xuất khẩu sầu riêng cũng gây ra nhiều lo ngại, đặc biệt về vấn đề gian lận mã số vùng trồng. Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết đã nhận được một số thông báo của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) liên quan đến vi phạm yêu cầu về kiểm dịch thực vật của các lô hàng chuối, mít, xoài, nhãn, thanh long và sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.
Với các trường hợp vi phạm quy định kiểm dịch thực vật theo thông báo từ phía Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ thực hiện tạm dừng đối với các mã số liên quan để điều tra nguyên nhân để áp dụng biện pháp khắc phục phù hợp.
Về phía Bộ Công Thương, thời gian qua, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh việc xúc tiến thương mại mặt hàng sầu riêng sang các thị trường. Đồng thời hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ các quy định để được hưởng các ưu đãi từ các FTA đã ký kết.