Theo đó, Phiên chợ hàng Việt về miền núi huyện Đắk Mil năm 2019 năm nay có gần 50 gian hàng tiêu dùng thiết yếu; các mặt hàng may mặc, giày dép; đồ gia dụng, đồ điện tử, điện lạnh; các sản phẩm công nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp… Đây là dịp để người dân tham quan, mua sắm các loại hàng hóa mang thương hiệu Việt và là cơ hội để doanh nghiệp tiếp cận với người tiêu dùng ở vùng nông thôn, miền núi. Từ đó, tìm cơ hội để thiết lập và phát triển hệ thống kênh phân phối hàng Việt Nam đến khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đa dạng hàng hóa của doanh nghiệp tại phiên chợ |
Đánh giá của các doanh nghiệp cho thấy, khách hàng là người dân nông thôn, miền núi, đặc biệt là đồng bào các dân tộc của huyện Đắk Mil nói riêng và tỉnh Đắk Nông gây ấn tượng khá mạnh với các doanh nghiệp. Người dân nơi đây rất thích những sản phẩm hàng hóa được sản xuất trong nước, đặc biệt là quần áo, giày dép… và mua rất nhiều. Đặc biệt, các sản phẩm giá bình dân, bền, chất lượng tốt được người dân rất ưa chuộng. Điều này tạo động lực rất lớn cho doanh nghiệp và không ít doanh nghiệp đã muốn xây dựng các điểm phân phối tại địa phương này.
Nhìn chung, các phiên chợ hàng Việt về miền núi được Sở Công Thương Đắk Nông tổ chức thời gian qua đều được đánh giá là thành công, thu hút đông đảo khách tham quan, mua sắm. Sở Công Thương Đắk Nông đánh giá, với mẫu mã đa dạng, giá cả hợp lý, hàng Việt đã được người dân các địa phương trong tỉnh ưa chuộng.
Năm 2019 là năm thứ 10 hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Trong những năm qua, Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông đã triển khai được 21 chương trình hàng Việt về miền núi, vùng sâu, vùng xa, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận các sản phẩm hàng hóa chất lượng do doanh nghiệp trong nước sản xuất cũng như tạo điều kiện cho doanh nghiệp kết nối với người tiêu dùng vùng sâu, vùng xa của tỉnh.
Theo Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông, qua các chương trình đã được tổ chức thời gian qua, có thể thấy, hàng Việt đã được bà con ủng hộ rất cao. Điều này cũng đã cho thấy, nhu cầu hàng Việt trong nhân dân trên địa bàn tỉnh là rất lớn. Thực tế, trước đây, lúc mới bắt đầu phát động Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, người dân rất bỡ ngỡ. Bởi trên thị trường lúc đó, hàng nhái, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ rất nhiều; trong khi, người dân chưa được rõ các thông tin để nhận biết chính xác. Tuy nhiên, qua chương trình này, nhận thức của người dân về hàng Việt đã có sự chuyển biến rõ rệt.
Nhìn cảnh người người hồ hởi tham quan, mua sắm tại các phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi, có thể khẳng định rằng, khách hàng trên địa bàn tỉnh vẫn luôn “khát” những chuyến hàng Việt. Đây không chỉ thể hiện sự thay đổi trong thói quen mua sắm, mà còn là niềm tự hào của người dân khi được cầm trên tay những sản phẩm chất lượng tốt, giá cả hợp lý do chính doanh nghiệp trong nước sản xuất.