Sản xuất Photpho tại Tổ hợp hóa chất Đức Giang - Lào Cai |
Theo Cục Thống kê Lào Cai, năm 2015 chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp của tỉnh ước tính tăng 12,07% so với năm 2014. Xét trong tổng thể tăng trưởng kinh tế (GDP) toàn tỉnh Lào Cai năm 2015 là 10,81% so với 2014, thì khu vực xây dựng và công nghiệp tăng 14,91%. Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp có chỉ số tăng trưởng cao 17,75% so với năm 2014.
Năm 2015, dù gặp nhiều khó khăn về tiêu thụ nhưng lĩnh vực khai khoáng sản xuất vẫn đạt 2.650 tỷ đồng, chiếm 15% giá trị sản xuất toàn ngành, cung cấp đủ nguyên liệu cho các ngành sản xuất phân bón, hóa chất, luyện kim.
Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo phát triển mạnh mẽ với 2 phân ngành chủ đạo là luyện kim và sản xuất phân bón, hóa chất. Các sản phẩm Super lân, MAP, Axítsunfuríc, DCP của Tổ hợp hóa chất Đức Giang đã đi vào hoạt động, Nhà máy Gang thép Lào Cai sản xuất ổn định, sản phẩm phụ gia thức ăn gia súc DCP đã tiêu thụ tốt, các sản phẩm khác phần lớn có sản lượng tăng. Đặc biệt, việc đưa nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 Lào Cai vào hoạt động đã góp phần tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp chế biến đạt 11.556 tỷ đồng, tăng gần 50% so với kế hoạch, chiếm 64,8% giá trị sản xuất toàn ngành, đưa chỉ số ngành sản xuất lĩnh vực chế biến, chế tạo tăng 16,38% so với năm 2014.
Trong lĩnh vực công nghiệp cơ khí, luyện kim, đã phát huy được hiệu quả Nhà máy Luyện đồng Lào Cai, bước đầu phát huy hiệu quả Nhà máy Gang thép Lào Cai giai đoạn 1 (công suất 500.000 tấn tấn/năm)... Nhờ vậy, sản lượng đồng katot đạt 11.400 tấn, vượt 13,7% công suất; sản lượng phôi thép đạt 326.000 tấn, tăng so với năm 2014 lần lượt là 2,5 lần.
Lĩnh vực phân bón, hóa chất phát triển nhanh với việc duy trì ổn định 3 nhà máy sản xuất phân bón; 5 nhà máy sản xuất phốt pho vàng; 2 đơn vị sản xuất axit sunfuric; 1 Nhà máy sản xuất phụ gia thức ăn gia súc (DCP) và Tổ hợp Hóa chất Đức Giang - Lào Cai không chỉ đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng tại địa phương mà còn góp phần cung cấp phân bón, hóa chất cho nhu cầu tiêu dùng cả nước và xuất khẩu. Nhà máy phân bón DAP số 2 Lào Cai đi vào hoạt động đã góp phần cùng với nhà máy DAP số 1 ở Đình Vũ - Hải Phòng đáp ứng được khoảng 2/3 nhu cầu phân bón trong nước, góp phần hạn chế nhập khẩu DAP.
Sản xuất điện tăng, giá trị sản xuất đạt 3.528 tỷ đồng, chiểm 19,7% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp....
Tuy nhiên, phát triển công nghiệp ở Lào Cai năm 2015 cũng còn những tồn tại, khó khăn như việc triển khai một số dự án công nghiệp chậm. Lào Cai cũng chưa thu hút được các dự án sản xuất sản phẩm tiêu dùng và chế biến sâu thép và đồng.
Sản xuất điện tăng, nhưng tỷ lệ số thôn, bản và tỷ lệ số hộ chưa được sử dụng điện lưới quốc gia trên địa bàn tỉnh còn nhiều do mật độ dân cư phân tán lại tập trung ở khu vực vùng sâu, vùng xa, điều kiện địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn.
Hạ tầng giao thông, nhất là ở khu vực Khu Công nghiệp Tằng Loỏng không đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa, nguyên liệu, thiếu kho, bãi chứa hàng hóa đã dẫn đến quá tải, ách tắc hàng hóa, khó khăn trong lưu thông.
Năm 2016, ngành Công Thương Lào Cai đặt mục tiêu phấn đấu đạt giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) đạt 19.178,7 tỷ đồng, tăng 5,7% so với năm 2015.
Triển khai nhiệm vụ năm, Sở Công Thương Lào Cai cho biết, đang tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động sớm 7 dự án nhà máy thủy điện triển khai còn chậm gồm Tu Trên, Nậm Toóng, Nậm Lúc, Cốc San, Bắc Nà, Nậm Khắt, Nậm Tha 3, và các các dự án sắt Vi Kẽm, đồng Tả Phời, đồng Bản Qua, Graphit Nậm Thi và Bảo Hà, nâng cấp tuyển Apatit Bắc Nhạc Sơn; thu hút đầu tư các dự án chế biến sâu từ kim loại thép, đồng, sản xuất bao bì, dự án DAP số 3; duy trì và phát huy hiệu quả của các công trình, nhà máy hiện có trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Đồng thời, phối hợp với ngành điện đầu tư xây dựng cải tạo nâng cấp lưới điện 220KV, 110 KV trên địa bàn; đẩy nhanh tiến độ đầu tư lưới điện truyền tải đảm bảo phục vụ đấu nối và mua hết điện năng của các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh. Tăng cường quản lý hóa chất và phối hợp quản lý hiệu quả môi trường trong sản xuất công nghiệp; tạo điều kiện cho phát triển công nghiệp phụ trợ; đầu tư hoàn thiện hạ tầng khu, cụm công nghiệp để đưa các dự án công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp vào khu vực sản xuất tập trung. Tăng cường quản lý hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản nhằm giảm thiểu tác động môi trường, đảm bảo an toàn lao động và bảo vệ tài nguyên quốc gia….