Công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may: Chú trọng phát triển nguồn nguyên liệu
Phải nhập lượng lớn nguyên liệu vải để sản xuất
Phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, đầu ra cho sản phẩm công nghiệp hỗ trợngành dệt may – da giày chưa bền vững… là một trong những nguyên nhân khiến công nghiệp hỗ trợ lĩnh vực dệt may và da giày này chưa như kỳ vọng.
Việc phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may cần được ưu tiên, sớm thu hút được các tập đoàn đa quốc gia đầu tư công nghệ |
Theo đánh giá của đại diện doanh nghiệp dệt may Việt Nam, công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực này hiện còn gặp nhiều khó khăn, vấn đề đặc biệt về nguyên liệu, giá cả đầu vào tăng cao trong bối cảnh lạm phát khiến đơn hàng có xu hướng giảm hơn trước. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng hiện nay doanh nghiệp may mặc chủ yếu làm hàng gia công, nguyên phụ liệu đều được khách hàng đặt hàng và cung cấp. Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ dệt may trong nước làm ra nhưng không bán được nên ít người đầu tư, cải tiến máy móc chất lượng sản phẩm.
Ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch thường trực Hội Dệt may, Thêu đan TP.Hồ Chí Minh cho hay, hiện đa số các nguyên phụ liệu cho ngành dệt may chủ yếu được nhập từ nước ngoài. Ngay cả các máy móc công nghệ hỗ trợ, các loại nút áo cũng phải nhập khẩu vì sản phẩm trong nước chưa đáp ứng được các yêu cầu. Cùng với đó, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may trong nước sau nhiều năm hiện chưa có đầu ra ổn định nên doanh nghiệp vẫn chưa mạnh tay đầu tư.
Ngành dệt may cả nước nói chung nói riêng đều vướng phải tình trạng xuất sợi và nhập lại vải. Nguyên nhân của vấn đề này là bởi khâu dệt, nhuộm của chúng ta còn yếu, buộc phải nhập lượng lớn nguyên liệu vải để sản xuất. Ngành dệt may vẫn đang phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, giá trị gia tăng thấp, chưa chủ động trong sản xuất. Việc phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may cần được ưu tiên, sớm thu hút được các tập đoàn đa quốc gia đầu tư công nghệ, vốn thúc đẩy hình thành hệ thống doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho ngành này.
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, các doanh nghiệp trong nước đang phải nhập khẩu khoảng 70% nguyên phụ liệu, phần lớn nhập khẩu từ Trung Quốc, ngành dệt may cả nước đều vướng phải tỉnh trạng xuất sợi và nhập lại do khâu dệt, nhuộm còn yếu, buộc phải nhập lượng lớn nguyên liệu vải để sản xuất.
Bước sang năm 2024, dự báo kinh tế thế giới vẫn còn có nhiều bất ổn, ngành dệt may cần có hướng đi mới, giảm phụ thuộc vào thị trường quốc tế, tự chủ nguồn cung nguyên phụ liệu, chuyển dần trọng tâm sang khai thác thị trường nội địa.
Đẩy mạnh hỗ trợ chính sách, nguồn vốn cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ dệt may
Với thực trạng trên, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may cần được ưu tiên, sớm thu hút được các tập đoàn đa quốc gia đầu tư công nghệ, vốn thúc đẩy hình thành hệ thống doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho ngành dệt may.
Đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng, để vào được chuỗi cung ứng toàn cầu, giành được đơn hàng thì phải rẻ hơn hàng Trung Quốc, nhưng cạnh tranh về giá luôn là thách thức với các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng vì các bất cập của chính sách thuế, phí, lãi vay...
Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ TP. Hà Nội Nguyễn Vân kiến nghị, các tổ chức ngân hàng quan tâm cho các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ được tiếp cận nguồn vốn tốt, thời hạn cho vay dài, bởi nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phải đầu tư 2-3 năm, thậm chí 5-10 năm mới có lãi.
Trong Chiến lược phát triển ngành dệt may, da giày đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035, Bộ Công Thương đề ra một số giải pháp về đổi mới công nghệ, nhất là với dệt, nhuộm hoàn tất nhằm thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may, lấp dần nguồn cung thiếu hụt.
Theo đó, để đáp ứng phần nào về nguồn nguyên phụ liệu, ngành dệt may đang phối hợp với Bộ Công Thương cho biết, sẽ xây dựng một số khu công nghiệp dệt may lớn có hệ thống xử lý nước thải, bảo vệ môi trường đảm bảo tiêu chuẩn “xanh hóa” ngành dệt may.
Cụ thể, sẽ phát triển một số tổ hợp chuyên ngành tại 3 miền Bắc, Trung, Nam (kết hợp với ngành dệt May) và cụm công nghiệp chuyên ngành có vị trí thuận lợi và hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hợp thành mạng lưới chuỗi cung ứng từ nghiên cứu phát triển đến sản xuất nguyên, phụ liệu, sản xuất và phân phối sản phẩm, trong đó ưu tiên thu hút đầu tư tại các vùng kinh tế trọng điểm.
Mới đây, Bộ Công Thương đã có tờ trình gửi Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về việc tiếp thu các ý kiến với dự thảo sửa đổi Nghị định số 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ với nhiều chính sách ưu đãi mới được đề xuất.
Ngoài chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, dự thảo sửa đổi nghị định 111 đã xây dựng nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh, thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Theo dự thảo, mức cấp bù chênh lệch lãi suất là 3%/năm. Với chính sách này, mỗi dự án được hưởng chính sách hỗ trợ tín dụng một lần trong cùng một giai đoạn nếu dự án đó chưa được hưởng chính sách hỗ trợ tín dụng khác từ ngân sách nhà nước.
Thời gian được Nhà nước hỗ trợ tín dụng bằng thời hạn cho vay nhưng tối đa không quá 10 năm kể từ ngày ký hợp đồng vay vốn. Chính sách này áp dụng với các khoản vay ký thỏa thuận vay vốn, giải ngân thực hiện đến hết năm 2030.Theo dự thảo, các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ được ưu tiên phát triển gồm có ngành dệt may, da giày, điện tử, sản xuất và lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo.