Ngày 30/11, Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công Thương tổ chức buổi họp báo công bố chương trình “Gian hàng quốc gia Việt Nam trên sàn TMĐT JD.com”.
Tạo kênh phân phối cho doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc
Thời gian qua, những tín hiệu tích cực từ Gian hàng Việt trực tuyến trong nước triển khai là nền tảng để xây dựng chương trình đưa hàng Việt tới các thị trường nước ngoài thông qua thương mại xuyên biên giới. Sự kiện xuất khẩu thí điểm thành công vải thiều Bắc Giang thông qua kênh TMĐT xuyên biên giới do Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) hợp tác với Viettel Post trong vụ vải thiều năm nay là dấu mốc quan trọng với ngành TMĐT Việt Nam về việc đưa nông sản tươi chất lượng cao sang thị trường có nhiều tiêu chuẩn khắt khe như châu Âu.
Phát biểu tại họp báo, ông Đặng Hoàng Hải- Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số- cho biết, với mục tiêu hỗ trợ phát triển và thúc đẩy xuất khẩu hàng Việt ra thị trường nước ngoài thông qua TMĐT xuyên biên giới, Cục TMĐT và kinh tế số phối hợp Tập đoàn JD đưa vào vận hành mô hình TMĐT xuyên biên giới B2B2C (mô hình kinh doanh có sự hợp tác giữa hai doanh nghiệp - B2B để tạo ra và cung cấp sản phẩm, dịch vụ đến tay người tiêu dùng cuối - B2C) thông qua "Gian hàng quốc gia Việt Nam" trên sàn TMĐT JD.COM. “Đây sẽ là gian hàng quốc gia biểu trưng sản phẩm Việt Nam, là không gian hàng hóa Việt đầu tiên trên sàn TMĐT quốc tế nói chung và nền tảng trực tuyến tại Trung Quốc nói riêng do Việt Nam chủ trì triển khai qua phương thức TMĐT xuyên biên giới”, ông Đặng Hoàng Hải nhấn mạnh.
Ông Đặng Hoàng Hải- Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số - phát biểu tại họp báo |
Giới thiệu kỹ hơn về "Gian hàng quốc gia Việt Nam” trên sàn TMĐT JD.COM, ông Bùi Huy Hoàng - Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số (Cục TMĐT và Kinh tế số) - cho biết, đây sẽ là gian hàng quốc gia biểu trưng sản phẩm Việt Nam đầu tiên trên sàn TMĐT quốc tế nói chung và trên nền tảng trực tuyến tại thị trường Trung Quốc nói riêng do cơ quan phía Việt Nam chủ trì cùng với các đơn vị và đối tác trong nước triển khai qua phương thức TMĐT xuyên biên giới.
Việc xây dựng chương trình đã tạo thêm một kênh phân phối mới cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hoá sang thị trường Trung Quốc, thúc đẩy giao thương hàng hoá, đưa những sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam tới thị trường quốc tế thuận lợi và hiệu quả.
Để vận hành gian hàng, Cục TMĐT và Kinh tế số sẽ phối hợp với các đơn vị như VinaNutrifood, Viettel Post, VP Bank… tạo thành kênh phân phối mới cho doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc, thúc đẩy giao thương, đưa những sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam tới thị trường quốc tế.
Ông Bùi Huy Hoàng - Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số - giới thiệu về "Gian hàng quốc gia Việt Nam” |
Chia sẻ về nội dung này, bà Nguyễn Thị Diễm Hằng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Thực phẩm dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam (Vinanutrifood) - cho hay, là doanh nghiệp đa kênh, thời gian qua Vinanutrifood đã tăng cường đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh trên nền tảng 20 sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế tại nhiều quốc gia như Trung Quốc, Hoa Kỳ… Chính vì vậy, đứng trước ngưỡng cửa hội nhập mới, Vinanutrifood mong muốn thông qua kênh bán hàng xuyên biên giới JD.com sẽ thúc đẩy sự phát triển và tạo tiền đề cho doanh nghiệp Việt tiếp cận nhanh hơn với thị trường quốc tế. “Gian hàng quốc gia Việt Nam trên sàn thương mại JD.com đi vào hoạt động sẽ thúc đẩy giao thương hàng hoá, đưa những sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam tới thị trường quốc tế thuận lợi và hiệu quả”, bà Nguyễn Thị Diễm Hằng kỳ vọng.
Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng- Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Vinanutrifood |
Tiếp tục thúc đẩy phát triển TMĐT xuyên biên giới
Với vai trò là đơn vị tổ chức, hỗ trợ kết nối, Cục TMĐT và Kinh tế số sẽ tập hợp, tổ chức, hướng dẫn các doanh nghiệp, thương hiệu Việt tham gia phân phối trên hệ thống của JD theo đúng quy định của sàn TMĐT và của luật pháp tại nước nhập khẩu. Đồng thời tìm kiếm các nguồn lực từ các đối tác để quảng bá, hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt phân phối thuận lợi trên nền tảng TMĐT của JD, thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc theo mô hình B2B2C.
Ông Bùi Huy Hoàng cho hay, trong quá trình triển khai chương trình “Gian hàng quốc gia Việt Nam trên sàn TMĐT JD.com”, các ban ngành của Bộ Công Thương đã làm việc với rất nhiều hiệp hội và cả các doanh nghiệp Việt Nam. Nhưng vẫn còn nhiều giới hạn để có thể nắm vững thông tin, cũng như các quy trình liên quan đến đẩy mạnh xuất khẩu xuyên biên giới. “Điều đó đặt ra vấn đề cho các doanh nghiệp là cần phải có kiến thức một cách bài bản, có tổ chức, cùng với sự phối hợp, hỗ trợ của các ban ngành Trung ương, địa phương, hoặc từ các đối tác đồng hành chương trình…”, ông Bùi Huy Hoàng nêu vấn đề.
Lễ ký kết hợp tác giữa Cục TMĐT và Kinh tế số với các đối tác tham gia “Gian hàng quốc gia Việt Nam trên sàn thương mại điện tử JD.com” |
Ngoài ra, ông Đặng Hoàng Hải cũng chỉ ra, TMĐT xuyên biên giới là một thách thức lớn, doanh nghiệp làm TMĐT xuyên biên giới cần thời gian và quyết tâm. Tuy nhiên với sự chung tay hỗ trợ tích cực của các Bộ ngành Trung ương, địa phương, hy vọng “Gian hàng quốc gia Việt Nam” trên sàn TMĐT JD.com sẽ tạo thêm một kênh phân phối cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, thúc đẩy giao thương hàng hoá, đưa những sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam tới thị trường quốc tế thuận lợi và hiệu quả.
Với mô hình hình này, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam khi tham gia gian hàng sẽ nhận được sự hỗ trợ từ vận hành, logistics, hỗ trợ tài chính, quảng bá hình ảnh ngay tại thị trường quốc gia nhập khẩu. Cụ thể, hướng dẫn doanh nghiệp phân phối theo đúng quy định sàn TMĐT và của pháp luật tại nước nhập khẩu, tìm kiếm các nguồn lực từ đối tác để quảng bá, hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động thuận lợi trên nền tảng TMĐT của JD.
Bộ Công Thương khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ với các đối tác như: Amazon, Alibaba… để hỗ trợ đào tạo, tập huấn cho các doanh nghiệp, đào tạo các kỹ năng cần thiết để tham gia TMĐT xuyên biên giới như mở gian hàng, thực hiện các đơn hàng, khâu logistics, quản lý chất lượng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm…
Gian hàng của Vinanutrifood trưng bày tại họp báo |
Cục TMĐT và Kinh tế số cũng khuyến cáo doanh nghiệp cần phải hiểu biết về thị trường nước nhập khẩu, tập trung vào những sản phẩm có lợi thế. Có kỹ năng quảng bá, tìm hiểu các quy định về chất lượng, tiêu chuẩn hàng hóa đảm bảo đạt tiêu chuẩn, nắm rõ quy trình vận hành logistics xuyên biên giới, bảo quản hàng hóa...
Theo Bộ Công Thương, vận dụng kênh TMĐT xuyên biên giới để tăng xuất khẩu hàng hóa là phương thức kinh doanh phổ biến ở nhiều quốc gia. Tại Trung Quốc, xuất nhập khẩu qua kênh TMĐT xuyên biên giới trong năm 2020 đạt tổng cộng 1,69 nghìn tỷ NDT, tăng 31,1%. Tại EU, năm 2020, doanh số TMĐT xuyên biên giới của 16 nước lớn nhất đã đạt tới 146 tỷ Euro, chiếm khoảng 25,5% doanh số TMĐT của cả châu Âu. Dự kiến năm 2023, doanh thu TMĐT B2C toàn cầu ước đạt 2,883 nghìn tỷ USD. Bên cạnh kênh xuất khẩu truyền thống, TMĐT xuyên biên giới đang là kênh phân phối hiệu quả cho doanh nghiệp mở rộng thị trường, trong bối cảnh phương thức xuất khẩu truyền thống gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19. |