Lao động chất lượng cao Việt Nam có nhiều cơ hội khi Cộng đồng Asean thành lập |
Theo thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRA) giữa các nước ASEAN, lao động trong 8 lĩnh vực: Kỹ sư, y tá, bác sĩ, nha sĩ, kiến trúc sư, điều tra viên, kế toán viên và du lịch - là những ngành nghề đầu tiên được di chuyển tự do nhờ thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương. Danh sách này chắc chắn sẽ dài thêm trong tương lai gần.
“Thỏa thuận này sẽ tạo điều kiện cho các lao động có tay nghề cao, chuyên gia ASEAN tham gia vào những hoạt động liên quan tới thương mại và đầu tư qua biên giới”, bà Hà Thị Minh Đức - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) - chia sẻ.
Nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho thấy: Dù được xem là nước có “dân số vàng” song không ít người lo ngại, lao động Việt Nam sẽ vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) ra đời. Khả năng sử dụng tiếng Anh kém, thiếu kỹ năng mềm, hiệu suất làm việc chưa cao… là những điểm trừ của lao động Việt so với các nước trong khu vực.
Bà Hà Thị Minh Đức quan ngại: Bên cạnh sự chênh lệch trình độ giữa các nước trong khối về quy mô vốn của nền kinh tế, sức cạnh tranh của doanh nghiệp thì năng suất lao động của Việt Nam còn thấp, sự chuẩn bị kiến thức, kỹ năng, thái độ và tâm lý sẵn sàng di chuyển sang làm việc tại các nước của lao động Việt Nam cũng chưa cao.
Giới nhân sự nhận định, sắp tới tiếng Anh sẽ không còn là yếu tố “cộng điểm” trong tuyển dụng mà sẽ dần trở thành yếu tố bắt buộc nếu muốn có một việc làm tại môi trường hội nhập. Tuy nhiên, theo hệ thống đánh giá trình độ tiếng Anh JELA tại khu vực Đông Nam Á, trình độ sử dụng tiếng Anh bình quân chung của lao động Việt Nam chỉ ở vị trí thứ 4/5 quốc gia trong bảng xếp hạng. Do vậy, viễn cảnh ngay tại thị trường Việt Nam, lực lượng lao động đến từ các nước nói tiếng Anh như Singapore, Malaysia, Philippines, Brunei sẽ chiếm ưu thế nhờ khả năng sử dụng ngôn ngữ tốt và tác phong làm việc theo tiêu chuẩn quốc tế.
Tuy muộn, nhưng lực lượng lao động trẻ tại Việt Nam hiện nay đã có ý thức hơn về áp lực cạnh tranh bằng cách trang bị thêm ngoại ngữ, kỹ năng mềm trong công việc. Đáp ứng nhu cầu này, nhiều cơ sở đào tạo tiếng Anh đã mở ra các lớp với giáo trình dành riêng cho người đi làm như EQuest, Aroma, Hội đồng Anh... và thu hút đông đảo từ sinh viên đến những người đang đi làm.
Thực tế, khi Cộng đồng ASEAN chính thức thành lập, cơ hội và thách thức sẽ chia đều cho 10 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam. Việc tự do luân chuyển sẽ diễn ra trên cả 5 lĩnh vực: Nguồn vốn, hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và lao động lành nghề. Bên cạnh ngoại ngữ, lao động Việt Nam cũng cần chú trọng đến kỹ năng công việc, kỹ năng làm việc độc lập, làm việc nhóm, quản lý thời gian để có được tư duy ứng dụng đúng đắn và đầy đủ lý thuyết vào thực tiễn để làm tăng thêm giá trị cho bản thân, nâng cao hiệu suất lao động.
Lâu nay, lao động nước ta luôn được “dán nhãn” cần cù, chịu khó, giá rẻ… và được coi là lợi thế. Tuy nhiên, quan niệm này cần được thay đổi Cộng đồng ASEAN thành lập. Lao động ngoài việc giỏi chuyên môn, tay nghề cần thông thạo ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, kỹ năng làm việc để có thể đủ sức cạnh tranh với lao động các nước khác trong khu vực. |