Chuyển đổi số: 'Cánh tay nối dài' văn hoá nông thôn
Với đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai, văn hoá truyền thống không chỉ là nền tảng tinh thần mà còn là một phần máu thịt trong đời sống thường nhật. Những năm gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số đã trở thành một “cánh tay nối dài” hữu hiệu, giúp cộng đồng không chỉ giữ gìn mà còn lan toả những giá trị văn hoá đặc trưng đến gần hơn với công chúng trong và ngoài nước.
Ghi dấu bản sắc từ… chiếc điện thoại
Ở xã Ia Yeng (huyện Phú Thiện), phụ nữ dân tộc Gia Rai đã biết cách tận dụng tài nguyên bản địa để khởi nghiệp. Một trong những mô hình tiêu biểu là nhóm làm men rượu cần truyền thống, vừa góp phần bảo tồn văn hoá vừa tạo sinh kế bền vững.
Không cần đến máy quay chuyên dụng, không cần sân khấu lung linh, các chị em chỉ với chiếc điện thoại thông minh đã dựng nên những thước phim gần gũi, chân thực về quá trình làm men rượu cần: Từ cảnh lên rừng tìm vỏ cây jam, hái các nguyên liệu như riềng, ớt, mướp đắng, đến công đoạn nấu men và ủ trong những chiếc ghè rượu nồng nàn hương vị núi rừng. Tất cả đều được chia sẻ qua các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok và nhanh chóng nhận được hàng trăm ngàn lượt xem.
Phụ nữ Gia Rai ở huyện Phú Thiện hào hứng xem lại công đoạn làm men rượu cần truyền thống được ghi hình trên điện thoại |
Chị Ksor H’Đen (làng Kte Nhỏ, xã Ia Yeng) hào hứng kể: “Khi xem các video thực hiện men rượu cần, mọi người bình luận rất tích cực. Nhiều người tỏ ra thích thú và đặt mua để được thưởng thức. Tôi thấy hiệu quả ban đầu rất tốt, điều này tiếp thêm động lực để chúng tôi nâng chất lượng sản phẩm, hy vọng doanh thu sẽ tăng trong thời gian tới. Hiện nay, mỗi ghè rượu cần của nhóm có giá dao động từ 150.000 - 350.000 đồng, tuỳ kích cỡ".
Không chỉ dừng lại ở việc bán hàng, những đoạn video giản dị ấy đã góp phần tái hiện một phần đời sống văn hoá phong phú của người Gia Rai – điều mà nếu chỉ thông qua sách vở hay trưng bày bảo tàng, khó lòng chạm đến trái tim người xem.
Tại làng Kgiang (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang), đội cồng chiêng nữ của người Ba Na đang có cách làm mới trong hành trình giữ gìn di sản. Sau mỗi buổi trình diễn, một thành viên trong đội đều ghi hình bằng điện thoại. Những đoạn video ấy không chỉ để lưu giữ mà còn là tư liệu để các thành viên cùng xem lại, rút kinh nghiệm, điều chỉnh động tác, đội hình, nhịp điệu… từ đó nâng cao chất lượng trình diễn.
“Nhờ cách này mà chúng tôi tập luyện nhanh hơn, tiết kiệm thời gian. Đồng thời, khi lưu lại video, thế hệ trẻ trong làng cũng có thể học theo, nhất là các bài chiêng cổ mà không phải lúc nào người già cũng có thể trực tiếp truyền dạy” – chị Đinh Thị Hăn, thành viên đội chiêng nữ cho biết.
Văn hoá nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được lan toả nhờ công nghệ số |
Không chỉ cồng chiêng, người Ba Na ở nhiều vùng trong tỉnh đã bắt nhịp chuyển đổi số khi chủ động ghi hình các lễ hội, nghi thức tín ngưỡng, nghề thủ công truyền thống bằng smartphone. Những video ấy được lan toả mạnh mẽ trên mạng xã hội Zalo, Facebook, YouTube… khiến văn hoá dân tộc không còn là điều “xa lạ” với thế hệ trẻ.
Khi văn hoá bước vào không gian số, việc tiếp cận, học hỏi, sáng tạo và quảng bá trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Giá trị văn hoá không chỉ dừng ở việc lưu truyền mà còn trở thành nguồn lực phục vụ phát triển du lịch, kinh tế địa phương.
Ngành văn hoá “bắt sóng” chuyển đổi số
Thời gian qua, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai đã chủ động ứng dụng công nghệ số vào công tác bảo tồn di sản văn hoá. Đơn cử như đợt kiểm kê cồng chiêng toàn tỉnh cuối năm 2020 được triển khai theo hình thức khảo sát dân tộc học kết hợp số hoá: phỏng vấn qua thiết bị số, quay phim, chụp ảnh, định vị GPS để ghi nhận chính xác hiện trạng cồng chiêng trong cộng đồng. Dữ liệu sau đó được xử lý, lưu trữ và sử dụng làm căn cứ quan trọng cho việc xây dựng chính sách bảo tồn và phát huy giá trị di sản phi vật thể này trong giai đoạn mới.
Không chỉ dừng lại ở cấp quản lý, việc số hoá còn được đưa đến chính người dân – chủ thể văn hoá. Tháng 11/2024, Cục Di sản văn hóa phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Gia Lai tổ chức lớp bồi dưỡng kỹ năng phát huy giá trị di sản cho hơn 30 nghệ nhân Gia Rai tại huyện Ia Grai. Tại đây, nghệ nhân được giới thiệu kỹ thuật photovoice – phương pháp kể chuyện bằng hình ảnh do chính cộng đồng thực hiện.
Các công đoạn làm nên men rượu cần truyền thống được các thành viên trong mô hình chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi ghi hình đăng trên mạng xã hội |
Kết quả khảo sát cho thấy, hơn 60% người dân tộc thiểu số tại đây đã có và sử dụng smartphone có chức năng quay phim, chụp ảnh. Nhiều người sau tập huấn đã biết cách xây dựng nội dung video ngắn, quay những cảnh sinh hoạt, nghi lễ, diễn xướng… rồi chia sẻ lên các nền tảng như TikTok, Facebook, YouTube, tạo hiệu ứng lan tỏa đáng kể.
“Photovoice là phương pháp mới phù hợp với thời đại, giúp cộng đồng vừa giữ gìn, vừa quảng bá di sản văn hóa một cách sống động, chân thực từ chính góc nhìn của họ” – ông Nông Quốc Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hoá đánh giá. Ông cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hoá và cách mạng công nghiệp 4.0, việc để cộng đồng tự kể câu chuyện của mình là hướng đi bền vững và nhân văn, vừa bảo tồn, vừa tạo sinh kế gắn với du lịch, kinh tế số.
Chuyển đổi số trong văn hoá ở Gia Lai không còn là câu chuyện của ngành chức năng hay những dự án lớn, mà đã đi vào từng làng quê, từng ghè rượu, từng nhịp chiêng. Sự chủ động, linh hoạt của cộng đồng trong tiếp cận công nghệ đã góp phần “sống hoá” những di sản tưởng như chỉ còn nằm trên giấy.
Đằng sau mỗi đoạn video hàng trăm ngàn view là một câu chuyện văn hoá được sống lại. Đằng sau mỗi chiếc smartphone là một bàn tay đang giữ gìn quá khứ và mở ra tương lai. Chuyển đổi số, với những nền tảng tưởng như vô hình, đang từng bước trở thành cánh tay hữu hiệu nối dài văn hoá truyền thống Gia Lai – để văn hoá không chỉ được gìn giữ, mà còn lan toả, phát triển và đồng hành cùng cuộc sống hiện đại.
Với quyết tâm đẩy mạnh chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột (chính quyền số, kinh tế số, xã hội số), cuối năm 2024, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án Chuyển đổi số đến năm 2025. Đồng thời, tập trung ưu tiên chuyển đổi số trong các lĩnh vực: Y tế, giáo dục và đào tạo, du lịch, giao thông - vận tải và hạ tầng logistics, tài nguyên và môi trường, nông nghiệp và phát triển nông thôn, hệ thống thông tin cơ sở. |