Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nền công nghiệp Halal cung cấp các sản phẩm, dịch vụ hợp chuẩn cho người Hồi giáo, dự báo có doanh thu khoảng 3.600 tỷ USD vào năm 2021. Trong số các nước Hồi giáo, một số thị trường trọng điểm cho hàng xuất khẩu của Việt Nam là Dubai, Kuwait, Malaysia, Indonesia…
Ông Nguyễn Tuấn - Phó giám đốc trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) - cho biết, thị trường dành cho người Hồi giáo không đòi hỏi sản phẩm phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn cao như ở thị trường Mỹ hoặc châu Âu nhưng lại yêu cầu tiêu chuẩn Halal rất khắt khe. Trong đó, sản phẩm phải đảm bảo không có thành phần thịt heo, thịt chó và các loại động vật bị cấm khác; không chứa các loại chất cấm theo tiêu chuẩn người Hồi giáo; đảm bảo không có sự nhiễm chéo trong quá trình sản xuất sản phẩm Halal và các sản phẩm khác. Ngoài ra, thiết kế, nhãn bao bì sản phẩm không đi ngược lại các nguyên tắc luật Hồi giáo như không quảng cáo các hình ảnh nhạy cảm liên quan đến phụ nữ, tôn giáo khác trên bao bì sản phẩm...
Còn theo bà Nguyễn Thị Ngọc Hằng - Đại diện Văn phòng chứng nhận Halal - HCA Việt Nam, điều kiện tiên quyết để DN xuất khẩu được hàng hóa, thực phẩm vào các nước Hồi giáo là sản phẩm phải đạt yêu cầu chứng nhận Halal của cơ quan Halal đã được phê duyệt về năng lực đánh giá Halal quốc tế. Ngoài ra, tiêu chuẩn Halal của mỗi quốc gia Hồi giáo còn khác nhau, vì thế DN phải nắm rõ để khỏi lúng túng trong việc áp dụng.
Số lượng người Hồi giáo trên toàn thế giới khoảng 1,6 tỷ người, tập trung nhiều ở khu vực Trung Đông và một số nước ASEAN.