Nhân sự cho ngành công nghiệp ôtô đi sau đòi hỏi của thị trường |
Theo ông Đinh Thái Sơn - Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương), ngành công nghiệp ôtô có tác động lan tỏa, kích thích sự phát triển của nhiều ngành công nghiệp khác, góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Các chuyên gia kinh tế cũng nhìn nhận rằng, cho dù ngành công nghiệp ôtô Việt Nam hiện nằm trong tay các nhà chế tạo nước ngoài, song nhu cầu tăng trưởng vẫn rất mạnh. Bên cạnh doanh số bán hàng và số lượng xe tăng trưởng rất mạnh thì ở chiều ngược lại, Việt Nam lại thiếu đi nguồn nhân lực để phục vụ cho sự phát triển đó. Bà Phạm Thị Phương Thảo - Giám đốc Công ty Phát triển nhân lực Việt Nam HP - phân tích, trong suốt một thời gian dài, các chương trình đào tạo nhân sự cho ngành công nghiệp này không theo kịp đà phát triển, đôi lúc còn có xu hướng đi lùi gây nhiều hiệu ứng khó chấp nhận. Tuy phong trào đào tạo kỹ sư ôtô hiện đang nở rộ với số lượng 2.000 người ra trường hàng năm, chưa kể đến hệ đào tạo ở các cấp dưới và các trung tâm dạy nghề, nhưng kiến thức và tay nghề kỹ thuật của đội ngũ này rõ ràng là bất cập với sự phát triển của ngành.
Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ được xem là hướng đi quan trọng trên đường phát triển công nghiệp ôtô trong nước. Nhưng cần đào tạo chọn lọc và tập trung vào những ngành có liên hệ với công nghiệp ôtô. |
Ở một góc độ khác, chuyên gia Dương Ngọc Khánh đến từ bộ môn Xe ôtô và xe chuyên dụng (Viện Cơ khí động lực - Đại học Bách khoa Hà Nội) thẳng thắn cho rằng, việc thiếu ổn định trong chương trình đào tạo chuyên ngành ôtô đã làm khó cả giới quản lý lẫn người dạy và người học. Hệ quả, như ông Khánh ví von, sinh viên học 4 - 5 năm, khi ra trường vẫn “rụt rè, e lệ” với không gian, môi trường sản xuất, kinh doanh; kỹ năng nghề nghiệp còn rất kém.
Việc thiếu kết nối giữa nhà trường với doanh nghiệp cũng là một nguyên nhân được chỉ ra trong việc nhân sự cho ngành công nghiệp ôtô đi sau đòi hỏi của thị trường. Đó là ý kiến của ông Đặng Hồng Phượng - Giám đốc Công ty Mitsubishi Thái Nguyên. Theo ông Phượng, nguyên nhân thì không mới, vấn đề là phải hành động để lấp đi mối quan hệ đầy “nứt, gãy” này. Nói như bà Phạm Thị Phương Thảo, mặc dù được bảo hộ với mức độ rất cao nhưng trên thực tế, nguồn nhân lực ngành ôtô hầu như chưa có khả năng hấp thụ được khoa học kỹ thuật của các đối tác nước ngoài.
Để thay đổi bức tranh trên, các chuyên gia cho rằng, việc gia tăng mối liên hệ giữa nhà đào tạo và công xưởng của các nhà sản xuất ôtô cần được gắn bó chặt chẽ hơn. Trong trường hợp cơ sở đào tạo chưa kết nối và thiết kế được mối quan hệ với doanh nghiệp lắp ráp, phân phối thì việc tận dụng hết công suất của các thiết bị đào tạo cũng mang lại hiệu quả không nhỏ. Đại diện Mitsubishi Thái Nguyên khẳng định, việc cập nhật giáo trình ngay tại cơ sở sản xuất đem đến hiệu quả rất mạnh, thế nên cả doanh nghiệp và nhà trường cần có những đầu tư thỏa đáng cho công tác này. Còn ông Dương Ngọc Khánh nêu quan điểm, Chương trình đào tạo nhân lực cho ngành ôtô nói riêng và công nghiệp cơ khí động lực nói chung cần có sự kiểm định nghiêm túc của các nhà kiểm định có uy tín, tránh để cơ sở đào tạo “tự sướng” như lâu nay.