Chưa đầy 24h nữa, concert “Anh trai vượt ngàn chông gai 2024 Day 2” sẽ chính thức được diễn ra tại Hưng Yên. Song để chứng kiến các anh trai vượt chông gai thì hàng chục ngàn người hâm mộ đang phải “vượt chông gai” của chính mình để tìm những tấm vé vào sân.
Lợi dụng nhu cầu cao, nhiều phe vé đã đẩy giá, đội giá lên cao gấp 3 đến 4 thậm chí hàng chục lần nhằm trục lợi. Không ít trường hợp người hâm mộ bị lừa đảo, vì mất tiền mà không có vé.
Cận kề thời gian diễn ra concert, trong nhiều hội nhóm, cơn sốt vé ngày càng sôi sục. Dạo một vòng trong các nhóm thảo luận về concert “Anh trai vượt ngàn chông gai”, không khó để bắt gặp các bài đăng pass vé (bán lại vé).
Cụ thể, trong nhóm “Pass vé concert Anh trai vượt ngàn chông gai” trên Facebook với hơn 85 nghìn thành viên, những bài đăng pass vé liên tục nổi lên cùng với những lời kêu gọi mua vé tha thiết: “Còn thở là còn gỡ. Ai pass vé không ạ?”, “Em tha thiết tìm 1 cặp vé bất kỳ ở hạng nào, chỉ cần có vé” hoặc “Xe đã đặt, phòng đã thuê, chỉ thiếu vé. Tha thiết cần một hạng vé bất kỳ”...
Bên dưới mỗi bài đăng cần mua vé, không ít các bình luận cùng bày tỏ nguyện vọng và chung mong muốn mua được vé. Tuy nhiên, giá vé được sang nhượng trong các hội nhóm đến thời điểm này đang tăng từng giờ.
Giá vé mua đi bán lại concert Anh trai vượt ngàn chông gai tăng theo từng giờ |
Theo khảo sát vào chiều muộn ngày 13/12, dù giá vé có hạ nhiệt so với những ngày đầu tháng 12, song giá trị thực tế của mỗi tấm vé bán lại vẫn cao hơn giá trị thực khoảng 3-4 lần. Điển hình như một cặp vé Đỉnh Nóc, Kịch Trần được rao bán dao động từ 19-19,5 triệu đồng/cặp, trong khi giá gốc là 7 triệu đồng/cặp.
Tương tự, cặp vé Tinh Hoa, Thiếu Nhi cũng được đẩy giá gấp 3 lên 12 triệu đồng/cặp, vé Bay Phấp Phới là 15,5 triệu/cặp trong khi giá gốc chỉ từ 2-2,5 triệu đồng/vé. Hạng vé X VIP - hạng cao nhất của concert Anh trai vượt ngàn chông gai có giá gốc 16 triệu đồng/cặp, nay đã được các phe vé “hét giá” lên đến 40 triệu đồng.
Chị Khánh An (Hà Nội) cho biết, những ngày qua chị miệt mài đi tìm vé. Bên dưới mỗi bài đăng bán lại vé của các thành viên trong nhóm, chị đều nhắn tin hỏi mua. Khi thì giá bị đội lên quá cao, khi thì lại sợ bị scam vé (lừa đảo) bởi không ít các thành viên trong nhóm đã bị sập bẫy.
“Tìm vé trong vô vọng quá. Mình nhắn tin thì không thấy các bạn bán vé phản hồi, ai phản hồi thì toàn đưa ra giá đắt gấp 3 lần so với giá gốc, thật sự không mua nổi” - chị Khánh An chia sẻ về hành trình đi tìm vé đầy chông gai của mình.
Bạn Thùy Dương (Hà Nội) cũng gặp phải tình trạng tương tự, khi gian nan tìm vé để thỏa mãn đam mê âm nhạc. “Bây giờ em chỉ cần có vé. Vé nào cũng được, em tuyệt vọng lắm rồi” - Thùy Dương tha thiết song vẫn phải cân nhắc lựa chọn mua những giá phù hợp, không bị đội lên quá cao, không tiếp tay cho những hành vi trục lợi.
Trong nhóm “Pass vé concert Anh trai vượt ngàn chông gai”, cùng với những bài đăng bán lại vé, thì những bài đăng “bóc phốt” lừa đảo cũng xuất hiện không ít. Nhiều người đã phải lên tiếng trong nhóm để “check uy tín” về độ tin tưởng của người bán vé.
Cũng không ít các bài đăng bóc phốt, cảnh báo về những đối tượng lừa đảo chuyên nghiệp dưới hình thức mua bán vé concert “Anh trai vượt ngàn chông gai Day 2”.
Một tài khoản chia sẻ, thủ đoạn của kẻ lừa đảo là sử dụng hình thức mua bán vé có mã QR code của chương trình âm nhạc Anh trai vượt ngàn chông gai. Tuy nhiên, cùng 1 vé, cùng 1 mã QR code các đối tượng bán cho nhiều người, hoặc bán với giá rẻ hơn 30-40% giá thực tế. Sau khi chuyển khoản mua vé, các đối tượng này đã chặn, đóng tài khoản, và tiếp tục các hành vi lừa đảo trong nhóm.
Không chỉ vậy, nhiều đối tượng còn đăng loạt bài "mồi", tạo cảm giác thị trường khan hiếm vé, đánh vào tâm lý nôn nóng muốn mua vé của người hâm mộ.
Luật sư Lưu Tý - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cảnh báo tình trạng lừa đảo khi mua vé bán lại chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai. Ảnh: Thanh Minh |
Chia sẻ về thực trạng này, Luật sư Lưu Tý - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho biết, sự nhộn nhịp đi kèm với rủi ro. Nhiều tài khoản mới lập ra chỉ để rao bán vé, không ai đảm bảo độ uy tín.
Luật sư Lưu Tý cho biết, mỗi giờ trôi qua, giá vé chợ đen lại từ từ tăng lên một chút. Dù trong các hội nhóm, mọi người đã liên tục cảnh báo về các loại giao dịch mập mờ, cập nhật danh sách hàng trăm tài khoản từng lừa đảo… để người mua lưu ý, song chính bản thân người hâm mộ phải nâng cao cảnh giác, chọn mua vé từ các kênh phân phối của Ban tổ chức Chương trình. Trường hợp sang nhượng vé cần kiểm tra cẩn thận, tránh tiền mất tật mang, tuyệt đối không tiếp tay cho các đối tượng “phe vé” để góp phần xây dựng môi trường văn hóa âm nhạc lành mạnh.
Hồi đầu tháng 12/2024, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cảnh báo lừa đảo bán vé xem các chương trình ca nhạc đang thu hút sự quan tâm của công chúng.
Thủ đoạn thường thấy của đối tượng lừa đảo là tạo những tài khoản mạng xã hội giả mạo, tham gia hoặc tạo những hội nhóm trao đổi, bán lại vé nhằm thu hút người dùng. Đối tượng còn tung nhiều "chiêu thức" như tạo ra vé giả với hình thức tương tự như vé thật và rao bán với giá thấp hơn so với giá thị trường, người mua thường không phát hiện ra cho đến khi đến cửa vào sự kiện.
Thậm chí, một số đối tượng lừa đảo sẽ yêu cầu người mua đặt cọc trước với lý do "đảm bảo vé” rồi sau đó lặn mất tăm. Bên cạnh đó, một số đối tượng quảng cáo vé VIP hoặc các gói dịch vụ đặc biệt mà thực chất là không tồn tại, dụ dỗ người mua với các lợi ích, giá trị không có thật.
Trong cơn bão “thật giả lẫn lộn” này, giao dịch trực tiếp đang là hướng đi mà nhiều người hâm mộ lựa chọn. Thay vì chuyển tiền ngay cho người bán, nhiều khán giả sẽ chọn phương thức giao dịch trực tiếp.
Concert "Anh trai vượt ngàn chông gai Day2" sẽ diễn ra vào tối ngày 14/12 tại OceanPark 3 (Hưng Yên) với 33 anh tài thuộc các lĩnh vực khác nhau được đánh giá cao về chuyên môn, kinh nghiệm, các gương mặt quen thuộc như NSND Tự Long, Soobin Hoàng Sơn, Tuấn Hưng,... Trong những tháng qua, Chương trình được người hâm mộ cũng như giới chuyên môn đánh giá rất cao khi lan tỏa giá trị văn hóa, truyền thống của nước nhà trong thời đại mới. |