Thứ sáu 27/12/2024 09:13

Chè La Bằng và kinh nghiệm trong xây dựng và phát triển thương hiệu

‘Sạch - ngon - chất lượng’, đây là chìa khóa để Hợp tác xã chè La Bằng (Thái Nguyên) mở cửa thị trường và đưa thương hiệu xứ chè vươn tầm quốc gia.

Từ câu chuyện xây dựng thương hiệu

Văn hoá thưởng trà mang nét “thanh lịch” và “toả hương” đã tồn tại từ lâu đời ở Việt Nam. Trong đó không thể không nhắc đến mảnh đất Thái Nguyên là cái nôi của chè Việt, nơi đây có khí hậu thuận hòa và thổ nhưỡng được thiên nhiên ban tặng, chất đất sỏi cơm của vùng núi Trung du cùng tỷ lệ dinh dưỡng phù hợp với sự sinh trưởng của cây chè, giúp đem lại cho chè Thái Nguyên có 1 đặc trưng không lẫn với các vùng chè khác.

Bà Nguyễn Thị Hải, Giám đốc HTX chè La Bằng kiểm tra lứa chè mới. Ảnh: Thu Hà - Hoàng Minh thainguyen.gov.vn

Có chè ngon, nhưng xây dựng thương hiệu bằng hướng đi nào, đó là trăn trở của không ít các hợp tác xã trong đó có Hợp tác xã chè La Bằng (xã La Bằng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên).

Bà Nguyễn Thị Hải – Giám đốc Hợp tác xã chè La Bằng – chia sẻ, thời điểm năm 2000, 2001, chúng tôi bắt đầu tham gia Liên minh Hợp tác xã tỉnh Thái Nguyên và là thành viên của Hợp tác xã chè Tiến Thành. Ở thời điểm đó, sản phẩm chè của La Bằng chưa xây dựng được thương hiệu, được tiêu thụ khá dễ dàng nhờ thông qua nhãn mác của Liên minh Hợp tác xã Thái Nguyên.

Nhận thấy sản phẩm của mình làm ra có chất lượng tốt nên tôi quyết định đổi tên sản phẩm thành chè La Bằng. Tuy nhiên, việc tiêu thụ gặp khó khăn do còn rất ít người biết đến thương hiệu này.

Sau nhiều đêm trăn trở để tìm hướng đi mới cho chè La Bằng, tôi quyết định kết hợp với 13 thành viên để thành lập Hợp tác xã chè La Bằng vào tháng 12/2006 với vốn điều lệ chỉ 60 triệu đồng.

Ban đầu, Hợp tác xã chè La Bằng có tên là Hợp tác xã chè La Bang vì thời điểm đó không thể đăng ký thương hiệu sản phẩm trùng với địa danh vùng miền. Phải đến năm 2009, thông qua chương trình Làng Việt do địa phương tổ chức, kết hợp với công tác truyền thông, tên tuổi chè La Bằng mới dần được nhiều người biết đến.

Đến năm 2010, khi sản phẩm đã gây dựng được thương hiệu trên thị trường, các thành viên hợp tác xã đã bàn bạc, quyết định đổi tên thành Hợp tác xã chè La Bằng và đăng ký nhãn hiệu sản phẩm chè La Bằng.

Năm 2012, hợp tác xã bắt đầu áp dụng sản xuất chè theo quy trình VietGAP và chuyển dần sang hướng hữu cơ. Thông qua các chương trình, các cuộc thi do địa phương tổ chức, Hợp tác xã chè La Bằng đã giành nhiều thành tích nổi bật. Bên cạnh đó, Hợp tác xã chè La Bằng còn vinh dự nhận được nhiều bằng khen, giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh và kinh tế tập thể.

Năm 2017, Hợp tác xã chè La Bằng vô cùng vinh dự khi sản phẩm Đinh Tâm Trà là một trong hai sản phẩm chè của Thái Nguyên được Chính phủ lựa chọn làm quà tặng cho các nguyên thủ quốc gia trong Hội nghị cấp cao APEC diễn ra tại Đà Nẵng.

Hiện nay, Hợp tác xã chè La Bằng có tổng diện tích chè là 30ha, trong đó có 20ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, 10ha sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, 6ha đã được chứng nhận mã vùng trồng. Ngoài 15 hộ thành viên, hiện hợp tác xã còn liên kết với gần 200 hộ dân sản xuất chè để cung cấp nguồn nguyên liệu cho hợp tác xã.

Với tâm huyết xây dựng thương hiệu trà đem lại lợi ích cho cộng đồng, trải qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển, Hợp tác xã chè La Bằng đã mang tới khách hàng những sản phẩm đạt tiêu chuẩn “- sạch - ngon - chất lượng”, đưa thương hiệu xứ trà vươn tầm quốc gia.

Và hướng đến gắn kết với du lịch nông thôn

Với quy mô diện tích nói trên, trung bình mỗi năm Hợp tác xã chè La Bằng sản xuất và bán ra thị trường khoảng 60 tấn chè búp khô, mang về nguồn doanh thu 4,9 tỷ đồng trong năm 2022, tạo công ăn việc làm cho 10 lao động với mức thu nhập bình quân từ 7 – 9 triệu đồng/người/tháng.

Những đồi chè đang vào vụ thu hoạch. Ảnh: Thu Hà - Hoàng Minh thainguyen.gov.vn

Đến thời điểm hiện tại, Hợp tác xã chè La Bằng có rất nhiều sản phẩm từ bình dân cho đến cao cấp. Trong đó, có 3 dòng sản phẩm chính là trà móc câu, trà tôm nõn và trà đinh.

Hợp tác xã có Thanh Hải Trà đã được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao năm 2022, và trong năm nay hợp tác xã có dự định sẽ thi nâng hạng lên 5 sao. Ngoài ra một số sản phẩm khác như Trà La Bằng, Trà Đại Từ cũng đạt danh hiệu sản phẩm nông thôn tiêu biểu cấp khu vực năm 2021, 2022. Bên cạnh đó, hợp tác xã còn sản xuất thêm một số sản phẩm như bột matcha trà xanh, kẹo lạc trà xanh được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng và tin dùng.

Bà Nguyễn Thị Hải cho hay, trong các sản phẩm của hợp tác xã, sản phẩm đang có giá trị cao nhất đó là Đinh Tâm Trà được bán với giá 5 - 10 triệu đồng/kg. Còn sản phẩm thông dụng nhất hiện nay vẫn là dòng sản phẩm trà móc câu được bán với giá 300.000 – 500.000 đồng/kg. Tất cả các sản phẩm đều có nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc.

Nhờ không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng, Hợp tác xã chè La Bằng đã đưa thương hiệu chè La Bằng vươn xa trên thị trường trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, Hợp tác xã chè La Bằng còn tạo việc làm cho hàng trăm lao động ở địa phương.

Để đảm bảo sản lượng cũng như chất lượng đầu ra của sản phẩm, bên cạnh khâu chăm sóc nguyên liệu, Hợp tác xã chè La Bằng còn đầu tư xây dựng nhà xưởng với quy mô 1.000m2, trang bị hệ thống máy móc vào quy trình sản xuất, chế biến theo tiêu chuẩn ISO.

Hiện, các sản phẩm của Hợp tác xã chè La Bằng được tiêu thụ ở hầu khắp các tỉnh thành trong cả nước. Bên cạnh việc bán hàng theo cách truyền thống, hợp tác xã còn đưa sản phẩm lên các sàn giao dịch thương mại điện tử để tăng mức độ và khả năng tiếp cận khách hàng lớn hơn.

Đồng thời, Hợp tác xã đã chuẩn bị cơ sở vật chất để đón các đoàn khách đến tham quan, trải nghiệm hái chè, chế biến chè theo phương pháp thủ công truyền thống kết hợp du lịch tại địa phương.

Chè đang là cây xóa đói, giảm nghèo, làm giàu bền vững ở vùng chè La Bằng, Đại Từ, Thái Nguyên

Xã La Bằng, huyện Đại Từ hiện nay đang là một điểm sáng trên bản đồ du lịch tỉnh Thái Nguyên với các điểm đến về du lịch sinh thái và trải nghiệm văn hóa trà như: Suối Kẹm, La Bằng homestay, Hợp tác xã chè La Bằng...

Trong đó, nhờ sản xuất xanh, Hợp tác xã chè La Bằng không chỉ thành công trong việc tạo ra các sản phẩm OCOP giá trị kinh tế cao mà còn trở thành điểm du lịch đặc sắc, kết nối các điểm du lịch của địa phương, đáp ứng nhu cầu khám phá và trải nghiệm của du khách.

Hiện tại, trên đường đi thăm quan La Bằng với hàng loạt thắng cảnh đặc sắc, du khách có thể dừng xe lên đồi chè chụp ảnh và cùng bà con nơi đây hái chè, hoặc vào thăm các cơ sở sản xuất chè, được thưởng trà và nghe giới thiệu về quy trình sản xuất cũng như những sản phẩm trà ngon nổi tiếng.

Với mục tiêu “lan tỏa giá trị, kết nối tình thân, giữ vững uy tín, đảm bảo chất lượng” cùng mong muốn mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm trà La Bằng chính gốc tuyệt hảo nhất, trong những năm qua, Hợp tác xã chè La Bằng luôn chú trọng từ khâu chọn lọc nguyên liệu, đảm bảo xanh - sạch - an toàn - chất lượng; đến quy trình sản xuất, chế biến phải tuân thủ theo tiêu chuẩn VietGAP và theo hướng hữu cơ để cho ra những sản phẩm giàu dinh dưỡng.

Các sản phẩm được đóng gói bằng các loại túi thân thiện với môi trường, đảm bảo cho việc bảo quản sản phẩm tốt nhất, tránh ánh sáng, tránh ẩm mốc và mất mùi hương của trà. Ngoài ra, đặc trưng làm nên thương hiệu nổi tiếng của chè La Bằng đó chính là hương vị và màu sắc.

Sắc xanh ánh vàng của nước trà cộng thêm với chút vị chan chát lan tỏa khắp đầu lưỡi rồi đọng lại một vị ngọt hậu rất lâu nơi cổ họng đã chinh phục được những người thưởng trà khó tính nhất.

Xã La Bằng hội tụ nhiều thế mạnh cho phát triển du lịch, tạo điểm tựa để người dân phát triển kinh tế. Tuy nhiên, tiềm năng du lịch đến nay vẫn còn bỏ ngỏ. Vì vậy, trong thời gian tới, việc kết hợp giữa sản xuất nông nghiệp với tổ chức các mô hình du lịch trải nghiệm, trong đó nòng cốt là các hợp tác xã điểm như Hợp tác xã chè La Bằng cần được địa phương quan tâm, thúc đẩy nhiều hơn.

Bà Nguyễn Thị Hải, Giám đốc Hợp tác xã Chè La Bằng giới thiệu sản phẩm trà của hợp tác xã với du khách. Ảnh: Thu Hà - Hoàng Minh thainguyen.gov.vn

Vài năm trở lại đây, được sự quan tâm và giúp sức của các sở ban ngành, đã có rất nhiều hợp tác xã, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được thành lập để góp phần phát triển ngành chè quê hương, góp phần tăng trưởng kinh tế địa phương, cũng như giúp cho các hộ gia đình lâu năm sống bằng nghề chè thêm yêu nghề và tăng thêm thu nhập, đồng thời lan tỏa được giá trị của cây chè Thái Nguyên đến bạn bè trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, với tốc độ phát triển công nghệ như hiện nay, trên thị trường có rất nhiều sản phẩm chè đến từ nhiều địa phương, cạnh tranh mạnh mẽ trên nhiều phương diện. Để đảm bảo chất lượng cũng như đáp ứng được mọi yêu cầu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, theo bà Nguyễn Thị Hải việc này đòi hỏi các doanh nghiệp phải nỗ lực đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo sản xuất, đồng thời áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất mới có thể tạo ra được những sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu của thị trường.

Nguyễn Hạnh
Bài viết cùng chủ đề: Xây dựng thương hiệu

Tin cùng chuyên mục

Tuyên Quang: Đẩy mạnh phát triển dịch vụ, thương mại và du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi

Tuyên Quang: Đẩy mạnh kết nối cung- cầu hàng hóa nông sản với các địa phương

Lào Cai: Hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số

Sơn La bảo tồn và phát triển các bản du lịch gắn với giá trị văn hóa truyền thống

Huyện Bắc Yên - Sơn La dành nguồn vốn lớn đầu tư hạ tầng thiết yếu cho bà con dân tộc

Sơn La xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ măng cho đồng bào dân tộc thiểu số

Lạng Sơn: Đưa di tích lịch sử, văn hóa thành sản phẩm du lịch bền vững

Huyện Mộc Châu bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội Púng Hiéng của người Dao Tiền

Huyện Mường La - Sơn La đưa điện lưới quốc gia đến với bà con thôn bản

Huyện Mộc Châu - Sơn La đổi thay từ nguồn vốn dành cho đồng bào dân tộc thiểu số

Huyện Mai Sơn - Xây dựng chuỗi sản xuất, tiêu thụ cà phê bền vững

Huyện Phù Yên - Sơn La: Hiệu quả cao từ nguồn vốn giảm nghèo cho bà con vùng đồng bào dân tộc

Sơn La nâng cao đời sống của người dân nhờ nguồn vốn Chương trình 1719

Sơn La phát triển mạnh du lịch, cải thiện đời sống bà con vùng dân tộc thiểu số

Gia Lai: Kỳ vọng về nơi ở mới của người dân từng sống trong ngôi làng biệt lập

Nông sản Sơn La nâng cao giá trị, ổn định đời sống cho đồng bào dân tộc

Huyện Bắc Yên – Sơn La: bộ mặt nông thôn thay đổi nhờ nguồn vốn chính sách giảm nghèo

Huyện Thuận Châu – Sơn La Chương trình 1719 giúp thay đổi đời sống người dân vùng dân tộc thiểu số

Thừa Thiên Huế: Đẩy mạnh phát triển du lịch huyện miền núi A Lưới

Lâm Đồng: Những gương điển hình trong phát triển kinh tế giỏi vùng đồng bào dân tộc thiểu số