Thứ hai 25/11/2024 09:42

Canada coi Việt Nam là 'cửa ngõ đi vào Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương'

Theo Liên đoàn phòng thương mại Quebec luôn coi Việt Nam là cửa ngõ để vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương-một khu vực phát triển nhanh và đầy năng động.

Theo phóng viên TTXVN tại Canada, sau chuyến đi gặt hái thành công của phái đoàn thương mại Canada, do Bộ trưởng Thương mại quốc tế Mary Ng dẫn đầu, tới Việt Nam và Malaysia, Ottawa đang tích cực hướng tới khu vực này bằng những hoạt động để chuẩn bị cho các doanh nghiệp nước này có thể đầu tư, kinh doanh thành công ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Ảnh minh họa. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)

Sự kiện “Cửa ngõ đi vào Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” mới đây được Phòng Thương mại Canada và Cơ quan phát triển xuất khẩu Canada phối hợp tổ chức, có vai trò như một diễn đàn nhằm giúp các doanh nghiệp Canada hiểu biết sâu hơn về triển vọng kinh doanh cũng như các giải pháp cần thiết để có thể đạt thành công tại khu vực đang được đánh giá là năng động và phát triển cực kỳ nhanh chóng.

Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được coi là một thị trường hấp dẫn bởi có tới 40 quốc gia, với hạ tầng phát triển, hoạt động kinh tế trị giá gần 50 tỷ USD và tầng lớp trung lưu đang có nhu cầu ngày càng tăng.

Trong khi đó, Canada có thể mạnh về nông sản thực phẩm, công nghệ sạch và sản xuất hiện đại có thể đáp ứng các yêu cầu của khu vực này.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN, Phó Chủ tịch phụ trách chiến lược và hợp tác toàn cầu Catherine Fortin LeFaivre của Phòng Thương mại Canada cho biết khi đề cập tới Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là Ottawa muốn nói đến 40 quốc gia đã được chính phủ nước này xác định thông qua chiến lược đối với khu vực này.

Bà này đánh giá sự kiện “Cửa ngõ đi vào Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” tổ chức tại Montreal là dịp để các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về những cơ hội tại khu vực này, thông qua chuyên gia từ các doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu và những người từng có kinh nghiệm thực tiễn. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp có thêm định hướng nhằm cân nhắc việc mở rộng kinh doanh tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Canada hiện đẩy mạnh việc triển khai Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, theo đó, nước này đã đầu tư khoảng 2 tỷ USD tập trung vào lĩnh vực thương mại nhằm xây dựng thêm mối liên kết và củng cố sự hiện diện của Canada tại khu vực.

Trong chiến lược này, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được Canada coi là có vai trò trung tâm và hai bên đã có sự phát triển đáng kể trong mọi mặt của mối quan hệ.

Tháng 9/2023 các nhà lãnh đạo Canada và ASEAN, đại diện cho hơn 600 triệu người tiêu dùng, đã tuyên bố nâng cấp quan hệ lên tầm đối tác chiến lược. Điều này được coi là sẽ mang lại những cam kết và những khoản đầu tư mới mà Canada triển khai đối với khu vực.

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Quỹ châu Á-Thái Bình Dương Canada Jeff Nankivell nhận xét một trong những yếu tố của Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là tổ chức các chuyến đi thực tế cho phái đoàn thương mại Canada, nơi tập hợp cả đại diện chính phủ và doanh nghiệp. Gần đây phái đoàn thương mại Canada đã tới Malaysia, Việt Nam và dự kiến sẽ tới Indonesia cùng Philippines vào cuối năm nay.

Theo ông Jeff Nankivell, Canada cũng đang mở các văn phòng để triển khai nhiệm vụ như của Bộ Nông nghiệp tại Philippines, nơi đóng vai trò là trung tâm về các sản phẩm nông nghiệp và nông sản thực phẩm tại khu vực. Việt Nam cũng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong các hoạt động này vì đây là nơi có tiềm năng lớn nhất trong việc mở rộng các mối quan hệ.

Dựa trên văn phòng khu vực, hai bên sẽ triển khai được nhiều hơn các lĩnh vực hợp tác về thương mại đầu tư, đổi mới sáng tạo, công nghệ hiện đại, y tế và môi trường. Ngoài Philippines, Canada còn có Văn phòng thương mại Đông Nam Á tại Singapore, Văn phòng Đổi mới sáng tạo sắp mở tại Việt Nam, đồng thời đang triển khai đàm phán hiệp định thương mại tự do với Indonesia nói riêng và toàn thể ASEAN nói chung.

Theo Olivia Lee, Trưởng đại diện Đông Nam Á của Cơ quan phát triển xuất khẩu Canada, khu vực này đang mang lại tiềm năng to lớn cho các công ty Canada, đặc biệt trong 3 lĩnh vực tăng trưởng là cơ sở hạ tầng, nông sản thực phẩm và các lĩnh vực sản xuất tiến bộ.

Một trong những điều chính mà cơ quan này nhận thấy ở Việt Nam hiện nay là quá trình chuyển đổi năng lượng, gồm việc tăng cường phát triển năng lượng gió và năng lượng mặt trời.

Ông Nankivell cho biết hiện dư luận Canada có mức độ quan tâm rất cao đối với việc phát triển và mở rộng các mối quan hệ với Việt Nam. Các trường đại học và cao đẳng Canada đang tìm cách thu hút nhiều sinh viên đến từ Việt Nam, trong khi các doanh nghiệp Canada đang tìm cách đầu tư vào Việt Nam và cũng muốn thu hút đầu tư của Việt Nam trong một lĩnh vực mới nào đó.

Trong lĩnh vực nông nghiệp và nông sản thực phẩm, tiềm năng cũng đã được xác định cho các doanh nghiệp Canada và ngược lại. Với kinh nghiệm làm việc hơn 30 năm trong lĩnh vực quan hệ Canada-châu Á, ông cho rằng hai bên đang có những điều kiện tốt nhất trong mối quan hệ về mọi mặt.

Chủ tịch EDC cho hay Việt Nam sẽ mang lại cho các nhà xuất khẩu Canada lợi thế về địa lý để thâm nhập thị trường Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cũng như lợi thế cạnh tranh về chi phí kinh doanh.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN, Giám đốc Liên đoàn phòng thương mại Quebec Florent Favrel chia sẻ “Cửa ngõ đi vào Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” là một sự kiện vô cùng hữu ích, quảng bá được rất nhiều thông tin về tiềm năng của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đặc biệt là Việt Nam.

Theo ông Florent Favrel, Quebec luôn coi Việt Nam là cửa ngõ để vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương - một khu vực phát triển nhanh và đầy năng động.

Với vai trò của mình, ông cho rằng Việt Nam là một trong những cánh cửa đầu tiên mà doanh nghiệp Quebec nên mở ra vì những tiềm năng to lớn mà nơi đây có thể mang lại cho họ./.

www.vietnamplus.vn
Bài viết cùng chủ đề: thị trường Canada

Tin cùng chuyên mục

Khai mạc Hội chợ trái cây, nông sản an toàn các tỉnh, thành phố năm 2024

Chuyển đổi số để hàng Việt Nam vươn xa trên thị trường quốc tế

Chính sách xanh đang tác động đến dòng chảy thương mại và đầu tư

Việt Nam và Nhật Bản tìm hướng thúc đẩy giao thương nông sản

Tổng trị giá xuất nhập khẩu đạt hơn 681 tỷ USD

Ký kết biên bản ghi nhớ về xúc tiến thương mại giữa Việt Nam và Malaysia

Sáng nay diễn ra tọa đàm ‘Thương mại điện tử - Đưa hàng Việt vươn mình trong kỷ nguyên số’

Hơn 200 đơn vị từ 63 tỉnh, thành tham gia Hội chợ Đặc sản Vùng miền Việt Nam 2024

Thành tích xuất nhập khẩu kỷ lục của năm 2024 có đóng góp lớn của Bộ Công Thương

Bộ Công Thương đóng vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế số quốc gia

Triển lãm CLEANFACT và RHVAC Vietnam 2024: Điểm đến công nghệ cao cho doanh nghiệp

Hỗ trợ chuyển đổi số lĩnh vực bán buôn, bán lẻ: Nâng sức cạnh tranh cho nền kinh tế

10 doanh nghiệp dệt may Việt Nam tham gia Global Sourcing Expo Australia 2024

Thứ trưởng Trương Thanh Hoài: Thương mại điện tử là điểm sáng của phát triển kinh tế - xã hội

Tổng cục Hải quan cảnh báo các chiêu trò trốn thuế trong nhập khẩu thép

Sự kiện thương mại điện tử thúc đẩy phát triển kinh tế số ngành Công Thương 2024

Nông sản Việt Nam sắp xuất hiện trên sàn thương mại điện tử và mạng xã hội Trung Quốc

Hoa Kỳ khởi xướng điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp vỏ viên nhộng cứng từ Việt Nam

Diễn đàn Xúc tiến nông sản Việt Nam – Mông Cổ: Thương mại song phương tăng gấp 2-3 lần

256 gian hàng tham gia Hội chợ triển lãm Nông nghiệp Quốc tế AgroViet 2024