Cần nhân lên tinh thần "tương ái" trong sản xuất kinh doanh
Lan tỏa tinh thần tương ái rộng rãi
Khi dưa hấu, thanh long dồn ứ đầy đồng vì không xuất khẩu được, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, người dân đã vào cuộc hỗ trợ bằng mọi cách theo khả năng của mình. Các siêu thụ đến nay đã thu mua hàng nghìn tấn dưa hấu, thanh long của nông dân bán với giá không lãi. Các doanh nghiệp thu mua đúng giá của người trồng về phân phát cho công nhân và một phần bán cho người tiêu dùng với giá rẻ hơn phân nửa. Người tiêu dùng tăng mức tiêu thụ 2-3 lần bình thường để vừa ăn vừa biếu. Sự đồng cam cộng khổ với người nông dân đang gặp hoàn cảnh ngặt nghèo như đang diễn ra chỉ có người Việt mình mới tạo ra được hình ảnh đẹp đến lấp lánh như vậy.
Công ty cổ phần Xây dựng Conteccons phát tặng trực tiếp dua hấu cho công nhân ngay tại công trường |
Cùng với Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang tổ chức hỗ trợ tiêu thụ 20 tấn dưa hấu cho nông dân tỉnh Gia Lai. Số dưa hấu này đã chuyển về TP. Hồ Chí Minh và gửi tặng cho cán bộ công nhân viên của công ty, công đoàn quận Tân Bình, Bình Tân, cư dân chung cư Diamond Lotus Riverside, Cơ sở mái ấm La Vang. Tổng giám đốc Công ty Phúc Khang Lưu Thị Thanh Mẫu cho biết, hưởng ứng lời kêu gọi của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam và Câu lạc bộ Sao Đỏ, Phúc Khang và nhiều doanh nghiệp trực thuộc hội đã đăng ký mua các sản phẩm của nông dân đang bế tắc trong việc tiêu thụ nông sản.
Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons đồng hành cùng dự án Love Farmers của Qũy Khởi Nghiệp Xanh tổ chức thu mua số lượng lớn dưa hấu cho nông dân Gia Lai. Bà Nguyễn Thị Ngọc Tuyết - Chủ tịch công đoàn Coteccons - cho biết, khi biết được những khó khăn của người nông dân về xuất khẩu nông sản chúng tôi đã quyết định mua hỗ trợ nông dân một lượng lớn dưa hấu trong gia đoạn này. Trước mắt, 13 tấn dưa hấu đã được phát tặng tại khu vực TP.Hồ Chí Minh và dự kiến sẽ thu mua thêm 25 tấn dưa để phân phát cho 10.000 công nhân tại công trường Coteccons tại 2 miền Nam và Bắc trrong những ngày tới. “Đây không chỉ là hành động thiết thực mà còn thể hiện tinh thần tương thân tương ái, tiếp thêm động lực cho bà con nông dân vượt qua khó khăn trước mắt. Đồng thời ổn định phần nào đời sống của bà con nói riêng, giúp ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, hiệu qủa nói chung”, bà Tuyết chia sẻ.
Dịp này, các doanh nghiệp như Công ty Xây dựng Hưng Thịnh, Công ty Gỗ An Cường, PNJ, Deloitte…đã chung tay hỗ trợ tiêu thụ gần 80 tấn. Ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam ủng hộ tiêu thụ 40 tấn thanh long và dưa hấu tặng cho Hội Liên hiệp Thanh niên quận Tân Bình, các nhà chùa, những người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh. Theo ông Đặng Hồng Anh, hiện tại các doanh nghiệp hội viên trên toàn quốc đã ủng hộ tiêu thụ được hơn 2.000 tấn dưa hấu và thanh long giúp người nông dân.
Ngành nông nghiệp cần một tinh thần tương ái bền chặt hơn
Trước tình cảnh nông sản được mùa mất giá, dồn ứ không tiêu thụ được như hiện tại, nhiều doanh nhân, chuyên gia kinh tế cho rằng, đã đến lúc ngành nông nghiệp Việt Nam cần một tinh thần tương ái gắn kết bền chặt hơn trong khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông phẩm.
Bà Lưu Thị Thanh Mẫu - Tổng giám đốc Công ty Phúc Khang – đặt vấn đề, tại các nước và vùng lãnh thổ Đông Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan ngành nông nghiệp đều có giải pháp rất đồng bộ về hạt giống, quy trình sản xuất, quá trình canh tác, tiêu chuẩn nuôi trồng, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm để xuất khẩu. Với một quy trình rõ ràng, minh bạch từ nuôi trồng đến mâm cơm như vậy, khi có những biến động thị trường xảy ra, nếu bị ách tắc ở thị trường này thì có thể xuất khẩu được sang những thị trường khác.
Theo bà Mẫu, tại Việt Nam, chúng ta cần có những chính sách cân bằng giữa khích lệ chi tiêu trong nước với tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu. Thay vì nhập khẩu thì người tiêu dùng có thể được sản phẩm trong nước chất lượng cao. Nếu đưa được nông sản Việt Nam lên tầm quốc tế thì không tiêu thụ được qua Trung Quốc, có thể xuất khẩu sang thị trường các nước tiên tiến. “Các doanh nghiệp chúng tôi rất mong muốn được tham gia vào cuộc cách tân nông nghiệp, hiện đại hóa doanh nghiệp, để có thêm những doanh nhân thành công trên lĩnh vực nông nghiệp và có thêm những nông dân doanh nhân thành đạt ngay trên cánh đồng của mình”, bà Mẫu bày tỏ.
Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang phát tặng dưa hấu cho trẻ em ở trường học |
Để có được một nền nông nghiệp phát triển bền vững, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, ngoài sự vào cuộc đầu tư của các doanh nghiệp lớn, các chính sách hỗ trợ cho nông ngiệp từ nhà nước, người nông dân cũng cần nêu cao trách nhiệm trong việc sản xuất và chất lượng của sản phẩm. Người nông dân cần được tuyên truyền để nhận thức rõ sứ mệnh của mình đối với sức khỏe cộng đồng cùng với phát triển kinh tế, như vậy ta mới có được nền nông nghiệp bền vững.
Trong chuỗi sản xuất hàng hóa của ngành nông nghiệp Việt Nam hiện nay, khâu yếu nhất là bảo quản, chế biến và xuất khẩu. Nhiều mặt hàng nông phẩm của Việt Nam là hàng chất lượng, thậm chí là thơm ngon đối với khẩu vị của người tiêu dùng ở nhiều quốc gia nhưng sức cạnh tranh lại rất yếu ở thị trường nước ngoài. Nông phẩm Việt Nam mất giá, đơn giản là chúng ta chưa nâng tầm được giá trị của chính nó bằng việc sản xuất theo quy trình khép kín, chế biến sâu, bảo quản tốt và được phân phối bởi những doanh nghiệp có tiềm lực về kinh tế, giàu kinh nghiệm về thương mại. Một chuyên gia về nông nghiệp nói thẳng, nông nghiệp Việt Nam muốn tránh được chuyện giải cứu và mạnh mẽ vươn lên, dứt khoát phải thay phương thức canh tác tiểu nông như hiện nay bằng canh tác nông nghiệp hiện đại. Muốn làm được điều này trước hết cần xây dựng cho được mối liên kết bền chặt giữa các doanh nghiệp với nông dân, đồng thời cần phải “làm mới tư duy” trong cách quản lý như hiện nay.