Chiều ngày 19/4, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội tổ chức Hội thảo kết nối giao thương các sản phẩm làng nghề thủ công mỹ nghệ và sản phẩm OCOP TP. Hà Nội.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện toàn thành phố (TP) có 313 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc 23 quận, huyện và thị xã trong đó có 12 làng được công nhận danh hiệu làng nghề, 301 làng được công nhận danh hiệu làng nghề truyền thống. Các sản phẩm của làng nghề đa dạng nhiều chủng loại, đa số mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, một số có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, bao gồm: Sản phẩm may mặc; sản phẩm gốm sứ; sản phẩm dệt và thêu, ren truyền thống; đồ gỗ phục vụ tiêu dùng và xây dựng; sản phẩm cơ khí.
Để phát triển ngành nghề nông thôn, trong thời gian qua, nhiều cơ chế chính sách đã được ban hành. Đáng chú ý, đến nay Hà Nội đã đánh giá, phân hạng và được UBND TP công nhận 1.054 sản phẩm, vượt kế hoạch TP giao, trong đó có 17 sản phẩm tiềm năng 5 sao (chiếm 1,6%), 731 sản phẩm 4 sao (chiếm 69,4%), 306 sản phẩm 3 sao (chiếm 29%) của 72 doanh nghiệp, 82 HTX và 101 hộ sản xuất kinh doanh, giải quyết được trên 5.000 lao động khu vực nông thôn. Nhiều hoạt động quảng bá sản phẩm OCOP gắn với văn hóa vùng miền đã được diễn ra. Thông qua các sự kiện kết nối nhiều sản phẩm làng nghề, đặc sản vùng miền được ký kết tiêu thụ với các tập đoàn, doanh nghiệp, siêu thị lớn.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc phát triển ngành nghề nông thôn trong thời gian vừa qua vẫn còn nhiều tồn tại. Theo đó, việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ của TP về phát triển ngành nghề nông thôn còn nhiều khó khăn do vận dụng chính sách vào thực tế còn bất cập như chính sách ưu đãi hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề từ 3 tháng đến 01 năm hiện mới được thực hiện ở một số nghề, hỗ trợ xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề, hỗ trợ xây dựng hạ tầng phục vụ du lịch làng nghề,…
Đáng chú ý, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg đạt 70,687% kế hoạch được giao do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và việc thực hiện triển khai lựa chọn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở có hoạt động giáo dục nghề nghiệp, để tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại các địa phương bằng hình thức thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu theo định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ các địa phương còn lúng túng.
Trình độ quản lý và tổ chức sản xuất của chủ cơ sở, doanh nghiệp tại các làng nghề chưa đáp ứng yêu cầu thị trường. Lao động tại các làng nghề phần lớn là do truyền nghề, không qua đào tạo bài bản nên sản xuất chưa hiệu quả, nhiều làng nghề còn sản xuất thủ công nên năng suất lao động chưa cao.
Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất và kinh doanh của nhiều làng nghề Hà Nội bị đình trệ, đặc biệt là xuất khẩu hàng hóa, du lịch làng nghề. Hầu hết các cơ sở sản xuất làng nghề đang phải đối mặt với nhiều khó khăn từ nhân lực, nguyên liệu cho đến đầu ra sản phẩm… số lao động nghỉ việc và không lương tăng cao, thu nhập bình quân của người lao động ở các làng nghề giảm mạnh, tuy nhiên vẫn cao hơn so với lao động thuần nông.
Tại hội nghị, các chuyên gia, nhà quản lý đã cùng nhau thảo luận về việc chuyển đổi số để thúc đẩy công nghệ 4.0 trong kết nối tiêu thụ sản phẩm làng nghề và sản phẩm OCOP. Các hoạt động kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm tham gia sự kiện vào các hệ thống siêu thị, đơn vị kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, đơn vị kinh doanh các sản phẩm làng nghề thủ công mỹ nghệ, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các sản thương mại điện tử, bán hàng online cũng đã được diễn ra.
Nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương, ổn định tình hình an ninh trật tự, môi trường cảnh quan và tạo việc làm cho người lao động năm 2021, nhiều ý kiến cho rằng, các chính sách phát triển ngành nghề nông thôn cần phù hợp với quy định và tình hình thực tế địa phương. Bên cạnh việc nâng cao hiệu quả công tác dạy nghề, cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn để các tổ chức, cá nhân có nhu cầu thực hiện các chương trình, đề án, dự án hoặc các hoạt động có liên quan đến phát triển ngành nghề nông thôn tiếp cận các nguồn lực, chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn.
Để phát triển ngành nghề nông thôn, ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NN&PTNT - kiến nghị, UBND TP tiếp tục hỗ trợ các làng nghề trên địa bàn xây dựng trung tâm trưng bày, giới thiệu sản phẩm tập trung của làng nghề; hỗ trợ quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại đối với các đối tác trong và ngoài nước để sản phẩm của các làng nghề có cơ hội xuất khẩu sang các nước, tạo thuận lợi cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập cho người dân. Tạo cơ chế, chính sách để có môi trường đầu tư vốn tín dụng ngân hàng cho lĩnh vực nông ngành nghề nông thôn được thuận lợi và hiệu quả.