Quảng bá di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi
Chiều tối ngày 27/12, Chương trình giới thiệu, trưng bày di sản văn hóa phi vật thể gắn với phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024 đã khai mạc tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật số 22 Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội. Chương trình do Trung tâm Thông tin du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức.
Tiếp nối thành công của năm 2023, Chương trình giới thiệu những giá trị nổi bật của hai Di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO công nhận, bao gồm “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” và “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm”. Việc tổ chức chương trình được kỳ vọng đưa di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi đến gần hơn với nhân dân, du khách trong nước và quốc tế; góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống của các dân tộc.
Bà Chu Thị Hoà tham gia trình diễn hát then, đàn tính tại Chương trình giới thiệu, trưng bày di sản văn hóa phi vật thể gắn với phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024. Ảnh: Hoa Quỳnh |
Then là một hình thức nghệ thuật dân gian, là biểu hiện của tín ngưỡng truyền thống. Thực hành then là một nghi lễ không thể thiếu trong đời sống văn hóa tâm linh của các dân tộc Tày, Nùng, Thái ở vùng núi phía Bắc Việt Nam. Với những giá trị văn hóa, nghệ thuật độc đáo, then không chỉ nuôi dưỡng tinh thần, tình cảm mà còn thể hiện khát vọng vươn lên, xây dựng cuộc sống ấm no và hạnh phúc của cộng đồng các dân tộc, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Trong khi đó, gốm là vật dụng không thể thiếu trong đời sống hàng ngày cũng như trong các nghi lễ tín ngưỡng của người Chăm. Nghệ thuật làm gốm của người Chăm đã phát triển lâu dài trong lịch sử, đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế, xã hội và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Chăm.
Giới thiệu nghệ thuật làm gốm của người Chăm. Ảnh: Hoa Quỳnh |
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia - ông Nguyễn Lê Phúc cho biết, đến nay, Việt Nam có 16 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO công nhận. Việc Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tổ chức trưng bày, giới thiệu hai di sản là Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam và Nghệ thuật làm gốm của người Chăm là sự tiếp nối thành công của năm 2023 khi Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã lần đầu tiên tổ chức chương trình trưng bày, giới thiệu di sản Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên và Nghệ thuật Xòe Thái.
“Thông qua chương trình này, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam mong muốn các địa phương, điểm đến, hiệp hội, doanh nghiệp du lịch và cộng đồng sẽ cùng chung tay bảo tồn và phát huy giá trị di sản, đưa di sản thực sự trở thành vốn quý để quảng bá hình ảnh Việt Nam, thu hút du khách đến tham quan và trải nghiệm những giá trị quý báu của văn hóa dân tộc”- ông Phúc nhấn mạnh.
Ước vọng nuôi dưỡng, phát huy giá trị di sản
Giữa tiết trời giá lạnh của Hà Nội, tham gia màn trình diễn hát then đậm màu sắc dân gian tín ngưỡng, bà Chu Thị Hoà (70 tuổi), thôn Đầu Cầu, Xã Vân Nham, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn với vũ đạo uyển chuyển trong trang phục truyền thống độc đáo, mang đến cho du khách và người dân Thủ đô tiết mục hết sức lôi cuốn, hấp dẫn.
Chia sẻ sau màn trình diễn với Báo Công Thương, bà Chu Thị Hoà cho biết, bà đã có thâm niên gần 20 năm gắn bó với di sản then, đến nay dù tuổi đã cao nhưng đam mê, tình yêu với hát then, đàn tình ngày càng bền chặt. “Được tham gia đoàn về Hà Nội trình diễn hát then phục vụ du khách và người dân Thủ đô tôi hết sức tự hào. Mong rằng, di sản văn hoá truyền thông của dân tộc được lan toả rộng rãi, tăng thêm sức hút cho du lịch địa phương”- bà Chu Thị Hoà nói.
Ông Dương Doãn Tuấn giới thiệu về Làng Du lịch văn hoá cộng đồng Quỳnh Sơn. Ảnh: Hoa Quỳnh |
Đến từ Làng Du lịch văn hoá cộng đồng Quỳnh Sơn, xã Bắc Quỳnh, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn – một điểm du lịch nổi tiếng có 450 hộ, trong đó 99% là người dân tộc Tày đều mang họ Dương; Quỳnh Sơn cũng là một trong số bản làng hiếm hoi đến nay vẫn giữ được những ngôi nhà sàn truyền thống lợp mái âm dương của địa phương, ông Dương Doãn Tuấn hào hứng, phấn khởi khi được tham gia trình diễn hát then tại Thủ đô vào dịp cuối năm.
Theo anh Dương Doãn Tuấn, từ năm 2010, Quỳnh Sơn khai thác làm du lịch, ban đầu có 5 hộ tham gia, đến nay có 13 hộ kinh doanh dịch vụ du lịch cộng đồng. Với những nét đẹp truyền thống, năm 2024, Quỳnh Sơn đón trên 80 nghìn lượt khách du lịch. Đặc biệt, nghệ thuật hát then, đàn tính là một trong những dịch vụ, sản phẩm rất được du khách yêu thích khi đến với Quỳnh Sơn. "Từ năm 2021, nghệ thuật hát then, đàn tính đã được cộng đồng đưa vào phục vụ du khách. Chính quyền cũng hết sức quan tâm, thường xuyên tập huấn về hát then, đàn tính cho bà con của làng. Và hiện đã có 1 câu lạc bộ hát then, đàn tính biểu diễn phục vụ du khách"- ông Tuấn cho biết.
Chia sẻ thêm với Báo Công Thương, ông Dương Doãn Tuấn cho hay, then là một loại hình nghệ thuật gắn với tâm linh, hiện nay, trước làn sóng âm nhạc hiện đại, thế hệ trẻ đã không còn mặn mà, quan tâm; cộng đồng địa phương cũng không còn nhiều người đánh được đàn tính cũng như hát được then. Vì thế, thông qua hoạt động du lịch, hy vọng di sản văn hoá này tiếp tục được nuôi dưỡng, gìn giữ; chính quyền ngày càng có nhiều hoạt động tuyên truyền vận động nhân dân yêu thích, gắn bới hơn. Qua đó, vừa góp phần giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị của di sản người Tày, cũng như thúc đẩy kinh tế du lịch văn hoá địa phương ngày càng phát triển.
Bà con người Tày trình diễn di sản hát then tại phố cổ Hà Nội. Ảnh: Hoa Quỳnh |
Bất chấp thời tiết giá lạnh, chị Thanh Huyền (Hà Nội) đến với chương trình từ sớm với mong muốn được trực tiếp xem bà con người Tày, Nùng trình diễn 'điệu hát thần tiên' tại phố cổ Hà Nội. Theo chị Thanh Huyền, đây là di sản hết sức độc đáo không chỉ của bà con dân tộc thiểu số mà còn của cả nước. Loại hình nghệ thuật bắt nguồn từ cuộc sống lao động nên thẩm thấu những giá trị văn hoá lâu đời và mang tính nhân văn sâu sắc... Vì thế rất cần thêm các chương trình đặc sắc để người dân, du khách không chỉ Hà Nội mà nhiều địa phương có cơ hội tiếp cận, hiểu và yêu thích di sản.
Nhấn mạnh trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, du lịch văn hóa được xác định là một trong những ngành chủ lực, ông Nguyễn Lê Phúc cho rằng, các giá trị văn hóa không chỉ là nền tảng, là mục tiêu, là động lực cho sự phát triển đất nước trong thời hội nhập, toàn cầu hóa, mà còn là nền tảng cho du lịch Việt Nam nói chung và du lịch văn hóa nói riêng phát triển bền vững, góp phần quan trọng quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Đặc biệt, theo ông Nguyễn Lê Phúc, việc phát triển công nghiệp văn hóa là yêu cầu cấp thiết để các quốc gia nâng cao khả năng cạnh tranh và bảo vệ bản sắc văn hóa của mình. "Sở hữu nguồn tài nguyên tự nhiên và văn hóa vô cùng đa dạng, tính đến năm 2024, Việt Nam đã 5 lần được Tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới World Travel Awards trao tặng danh hiệu “Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới”. Danh hiệu này là động lực để Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh công tác quảng bá, thu hút khách quốc tế đến khám phá vẻ đẹp đất nước và các giá trị di sản văn hóa lâu đời, góp phần thúc đẩy sự phát triển du lịch bền vững trong tương lai'- ông Phúc nhấn mạnh.
Tại Phiên họp ngày 12/12/2019 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 14 của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) diễn ra tại Bogotá, Colombia, di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. |