Ùn ứ hàng hoá tại cửa khẩu Lạng Sơn chưa thể giải quyết dứt điểm |
Nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn về ùn ứ hàng hoá
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, tình trạng ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu chính ở Lạng Sơn như Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma... kéo dài khoảng nửa tháng qua. Cập nhật đến ngày 18/12, tại cửa khẩu phụ Tân Thanh, hiện tồn khoảng 2.842 xe. Các container chở chủ yếu là dưa hấu (Quảng Ngãi), thanh long (Bình Thuận), chuối xanh (Tiền Giang), mít (Đăk Lắk, Tiền Giang) và xoài (tỉnh Bình Định).
Tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, 1.196 xe ùn ứ, với mặt hàng chủ yếu là nông sản, ván bóc, linh kiện điện tử. Còn cửa khẩu Chi Ma tồn 650 xe. Mặt hàng tồn chính là tinh bột sắn (chiếm đến 70%), chè khô, hạt vừng, hạt sen, hạt bo bo, sa nhân...
Trong khi đó, lượng phương tiện đưa lên cửa khẩu lại vượt so với năng lực thông quan.
Bộ Công Thương triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ ùn tắc tại các cửa khẩu phía Bắc |
Lý giải về nguyên nhân gây ra tình trạng ùn ứ tại cửa khẩu, Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, các cơ quan quản lý cửa khẩu của cả Trung Quốc và Việt Nam đều đã phải tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Cho tới nay, nhờ nỗ lực của cả hai bên, hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa về cơ bản vẫn được duy trì nhưng năng lực thông quan chưa được cải thiện nhiều do cả hai bên đều đặt ưu tiên hàng đầu cho các biện pháp chống dịch. Nhân lực tham gia vào quá trình xuất nhập khẩu, vận chuyển, giao nhận, bốc xếp, sang tải hàng hóa tại khu vực cửa khẩu của cả phía Việt Nam và phía Trung Quốc cũng vẫn còn thiếu.
Thời điểm hiện nay, phía bạn đang tăng cường các biện pháp kiểm soát nhằm phòng chống dịch Covid-19 trong bối cảnh những tháng cuối năm nhu cầu tiêu dùng dịp lễ, Tết của thị trường Trung Quốc tăng cao, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam vào chính vụ thu hoạch vốn xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Trung Quốc nên đã phát sinh tình trạng ùn ứ, tồn đọng hàng hoá, phương tiện cục bộ tại các cửa khẩu biên giới.
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng này như trực tiếp, điện đàm, gửi công thư, công hàm với các cơ quan phía Trung Quốc để trao đổi các nội dung, đưa ra các giải pháp nhằm khắc phục tình trạng ùn ứ, tạo thuận lợi thông quan hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tại khu vực biên giới Việt – Trung. Đồng thời, trao đổi các biện pháp thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại song phương…
Về phía doanh nghiệp, ông Trần Quốc Toản - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu khuyến cáo thương nhân cần theo dõi sát diễn biến tình hình tại các cửa khẩu và thị trường bạn, thông qua các phương tiện thông tin và cảnh báo từ các địa phương.
“Bộ Công Thương trong thời gian qua đã thường xuyên thông tin và nhiều lần có văn bản khuyến cáo gửi các doanh nghiệp, hiệp hội cũng như đề nghị các địa phương, các vùng trồng trọng điểm tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho người nông dân, các doanh nghiệp về một số nội dung. Thứ nhất là thường xuyên cập nhật thông tin tình hình các tỉnh biên giới phía Bắc, đặc biệt trong thời điểm gần Tết về tình hình ùn ứ hàng hóa tại Lạng Sơn. Thứ hai là, trong thời gian tới, phải lưu ý khi có những thông tin về lịch nghỉ Tết của phía Trung Quốc để có sự chủ động điều chỉnh nhịp độ đưa hàng lên biên giới cho phù hợp với năng lực thông quan tại khu vực cửa khẩu cũng như thời gian nghỉ cửa khẩu trong dịp Tết của phía Trung Quốc…” – ông Trần Quốc Toản nêu rõ.
Cần chuyển mạnh sang chính ngạch
Về lâu dài, Bộ Công Thương cho biết, cùng với việc tăng cường làm việc với các cơ quan chức năng của phía bạn, Bộ cũng chỉ đạo các đơn vị chức năng trong Bộ và Tham tán thương mại, đại diện thương vụ, đại diện các văn phòng xúc tiến thương mại của Việt Nam tại Trung Quốc phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương chủ động nắm bắt tình hình xuất nhập khẩu, thông quan hàng hóa và các vấn đề liên quan khác tại khu vực cửa khẩu, đặc biệt là khi Chính quyền phía Trung Quốc có chính sách phát sinh đột xuất tác động đến hoạt động giao nhận, thông quan, xuất nhập khẩu hàng hóa. Đồng thời, tăng cường công tác phổ biến thông tin, quy định mới của thị trường Trung Quốc cho các địa phương và doanh nghiệp xuất khẩu nhằm thúc đẩy đáp ứng yêu cầu của thị trường Trung Quốc, tạo thuận lợi cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam; phổ biến và hướng dẫn các doanh nghiệp và địa phương triển khai các Lệnh 248 và 249 của Hải quan Trung Quốc…
Tuy nhiên, Bộ Công Thương đã nhiều lần khuyến cáo doanh nghiệp cần chuyển hình thức kinh doanh với phía Trung Quốc sang chính ngạch (mua bán theo hợp đồng, với các điều kiện giao dịch, giao nhận rõ ràng, giao hàng tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính).
Tại một hội nghị về xuất khẩu nông sản mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhấn mạnh: “Bộ Công Thương đã nhiều lần nhấn mạnh, chúng tôi khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu đi Trung Quốc cần chuyển nhanh và chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch. Thực tế là trong những thời điểm khó khăn nhất thì xuất khẩu chính ngạch vẫn lưu thông hết sức bình thường, ccòn xuất khẩu tiểu ngạch thì nó tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Hình thức trao đổi cư dân tiềm ẩn rất nhiều rủi ro nhất là trong bối cảnh dịch bệnh… Nếu như chúng ta có thể chuyển đổi sang xuất khẩu chính ngạch thì những trở ngại, nhất là đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu hay những trở ngại khác của trao đổi cư dân sẽ không gặp phải. Khi đó, việc xuất khẩu sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nhiều...".
Trong thời gian tới, dịch Covid-19 được dự báo diễn biến tiếp tục phức tạp, khó lường; một số mặt hàng nông sản vào vụ thu hoạch; vào dịp Lễ tết (Tết Nguyên đán) của ta và Trung Quốc là thời điểm cao điểm xuất khẩu hàng hóa qua ta sang thị trường Trung Quốc, lưu lượng hàng hóa và phương tiện lên cửa khẩu sẽ tiếp tục còn tăng cao, áp lực đối với năng lực thông quan tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc, nhất là trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn là rất lớn. Do đó, để thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa duy trì tăng trưởng kinh tế, các địa phương, doanh nghiệp và hộ nông dân được khuyến cáo thường xuyên cập nhật diễn biến thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc để chủ động có kế hoạch sản xuất, đóng gói, giao nhận, xuất khẩu hàng hóa, tránh để phát sinh ùn ứ và các tác động bất lợi khác; kịp thời trao đổi với Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan cùng phối hợp xử lý những vấn đề phát sinh.