Thứ hai 25/11/2024 10:00

Bộ Công Thương kiểm tra công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm tại Cà Mau

Ngày 11/8, Đoàn kiểm tra công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm 2022 của Bộ Công Thương đã tiến hành kiểm tra và làm việc tại tỉnh Cà Mau.

Nhằm nâng cao công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành, ngày 11/8/2022 Đoàn kiểm tra công tác của Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Cà Mau về tình hình thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 9/5/2016 và Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

Bảo đảm an toàn thực phẩm không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với sức khỏe của người dân mà còn thúc đẩy hoạt động thương mại, phát triển kinh tế. Vì vậy, trong thời gian qua, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm luôn được tỉnh Cà Mau quan tâm đặc biệt và được triển khai một cách chủ động, kịp thời.

Đoàn kiểm tra làm việc với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Cà Mau

Đoàn kiểm tra đã được nghe đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Cà Mau báo cáo về các hoạt động mà đơn vị đã triển khai theo nhiệm vụ trong thời gian qua như: công tác chỉ đạo, điều hành, công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, công tác thông tin, truyền thông về an toàn thực phẩm; Công tác đầu tư trang thiết bị kỹ thuật và công tác kiểm tra, kiểm nghiệm, đầu tư trang thiết bị đo kiểm di động hoặc cố định tại các trung tâm thương mại, chợ nông sản lớn, hướng dẫn giúp người dân nhận biết thực phẩm an toàn, thực phẩm không an toàn; Công tác chỉ đạo phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn, quản lý chợ an toàn thực phẩm; Công tác quản lý thị trường, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc…

Đáng chú ý là công tác thông tin, truyền thông đã được Chi cục triển khai mạnh mẽ với 666 lượt phát trên đài phát thanh, hàng trăm tờ rơi tuyên truyền cùng với 25 lượt xe diễu hành cổ động tuyên truyền đến người dân vào dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 và Tháng hành động vì an toàn thực phẩm 2022 và hàng trăm tin bài trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương.

Bên cạnh đó, Chi cục đã tổ chức 19 lớp tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm cho cơ sở sản xuất, kinh doanh với gần 1.000 lượt người tham dự; tập huấn chuyển giao quy trình kỹ thuật về an toàn thực phẩm trong sản xuất, sơ chế nông sản lĩnh vực trồng trọt 15 lớp có 450 người tham dự; 7 lớp tập huấn tuyên truyền phổ biến các văn bản pháp luật mới và chuyên môn cho các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp…

Ngoài ra Chi cục cũng đã phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội, ban, ngành đoàn thể tại địa phương để có các hoạt động tuyên truyền sâu rộng về các chủ trương, chính sách, pháp luật và những kiến thức cần thiết về an toàn thực phẩm… đến các cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp, người dân với nhiều hình thức đa dạng và phong phú.

Hiện trên địa bàn tỉnh Cà Mau có 71 chợ; trong đó, có 17 xã có chợ đạt tiêu chí chợ nông thôn mới và 5 chợ cơ bản thực hiện theo các tiêu chí chợ an toàn thực phẩm. Qua kiểm tra, giám sát có một số chợ cơ bản đáp ứng nhu cầu tham quan, mua sắm của người tiêu dùng. Tuy nhiên, đa phần các chợ trên địa bàn chủ yếu ở nông thôn được xây dựng từ lâu, điều kiện cơ sở vật chất xuống cấp nên chưa đáp ứng theo Tiêu chuẩn thiết kế TCVN 9211:2012 và chợ kinh doanh thực phẩm theo TCVN 11856:2017.

Đối với hoạt động kinh doanh đa cấp, qua rà soát trên địa bàn tỉnh Cà Mau có 13 doanh nghiệp bán hàng đa cấp đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh Cà Mau, tất cả các doanh nghiệp đều không có địa điểm hoạt động, chỉ thông qua người đại diện. Từ đầu năm 2022 đến nay, Sở Công Thương tiếp nhận 6 hồ sơ, trong đó 01 hồ sơ đăng ký sửa đổi, bổ sung nội dung hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương và 5 hồ sơ thông báo tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo về bán hàng đa cấp.

Đồng thời thực hiện nghiêm Quy chế phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trên địa bàn tỉnh Cà Mau như hội nghị, hội thảo, đào tạo về bán hàng đa cấp và kịp thời xử lý vi phạm. Đến nay chưa phát hiện hoạt động vi phạm pháp luật về kinh doanh theo phương thức đa cấp trên địa bàn.

Cùng với đó, nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, các đội quản lý thị trường tại địa phương cũng đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát, giám sát, nắm chặt địa bàn, lĩnh vực được phân công quản lý; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ chủ yếu về lương thực, thực phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng...

Theo đó, Chi cục đã tiến hành kiểm tra 127 vụ, phát hiện 55 vụ vi phạm (chiếm 43%) với tổng số tiền phạt vi phạm hành chính nộp ngân sách nhà nước là 166.553.000 đồng.

Trong công tác phối hợp kiểm tra liên ngành, thông qua kiểm tra 406 vụ phát hiện 6 vụ vi phạm với số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 6.000.000 đồng.

Đối với công tác kiểm tra, hậu kiểm về an toàn thực phẩm, thực hiện các kế hoạch của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm và Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Cà Mau, trong 7 tháng đầu năm 2022, các cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn toàn tỉnh đã tổ chức kiểm tra, hậu kiểm tập trung quý I kiểm tra, hậu kiểm theo chuyên đề “Tết Nguyên đán Nhâm Dần và mùa Lễ hội Xuân năm 2022, quý II hậu kiểm “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2022”.

Trong quá trình kiểm tra, hậu kiểm thu 02 mẫu bún giám sát chất lượng, an toàn thực phẩm, kết quả kiểm nghiệm đạt yêu cầu.

Ngoài ra, lực lượng Công an tỉnh Cà Mau kiểm tra, phát hiện 12 trường hợp vi phạm các quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm, xử phạt số tiền 44.000.000 đồng.

Trong chương trình làm việc tại Cà Mau, Đoàn kiểm tra cũng đã tiến hành kiểm tra tại Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh Cà Mau. Sản phẩm tự công bố của đơn vị bao gồm: Rượu nếp Tân Lộc Cà Mau (32% Vol) và Rượu gạo Tân Lộc Cà Mau (29,5% Vol). Tại thời điểm kiểm tra Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm của đơn vị đã hết hạn (hiệu lực đến ngày 31/7/2022). Đồng thời, ngày của 2 hồ sơ tự công bố sản phẩm nêu trên (17/9/2020) đối với 3 chỉ tiêu về cảm quan (màu sắc, mùi vị, trạng thái) có trước ngày kết quả kiểm nghiệm (25/9/2020).

Qua kiểm tra thực tế tại khu vực sản xuất cho thấy, kho thành phẩm còn để lẫn các vật tư, thiết bị khác, có nơi còn kê sát tường; khu vực chiết rót rượu thành phẩm chưa sạch; bao bì thành phẩm để không đúng nơi quy định (do khu vực sản xuất đang sửa chữa).

Đồng thời, Đoàn đã tiến hành lấy mẫu 01 mẫu rượu gạo Tân Lộc Cà Mau, ngày sản xuất 6/6/2022 và 01 mẫu rượu nếp Tân Lộc Cà Mau, ngày sản xuất 26/5/2022.

Tại buổi làm việc, đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Cà Mau cũng đưa ra một số kiến nghị, trong đó tập trung vào vấn đề như: Đề nghị các cơ quan chuyên môn cấp trên tăng cường phổ biến, hướng dẫn việc triển khai các văn bản pháp luật hiện hành trong lĩnh vực quản lý, đặc biệt các văn bản mới ban hành, đang hoặc sắp có hiệu lực để thống nhất triển khai thực hiện Ban hành hướng dẫn cụ thể việc quản lý, thực hiện đối với cơ sở sản xuất nhỏ lẻ về điều kiện an toàn thực phẩm; tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và trang thiết bị trong triển khai kiểm soát an toàn thực phẩm, đào tạo nâng cao nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm cho cán bộ quản lý an toàn thực phẩm địa phương...

Ghi nhận và đánh giá cao việc triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm của tỉnh Cà Mau, ông Nguyễn Việt Tấn, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương - Trưởng đoàn kiểm tra khẳng định, những nỗ lực của các cấp, các ngành có liên quan, công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Cà Mau cơ bản từng bước đi vào nề nề nếp, ổn định, ý thức người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng ngày được cải thiện và nâng cao theo hướng tích cực, đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước phân công.

Đoàn kiểm tra cũng đề nghị thời gian tới Chi cục tiếp tục thực hiện nghiêm và đầy đủ các chỉ đạo của Thủ tướng tại Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 9/5/2016 và Chỉ thị 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới, thực hiện báo cáo định kỳ đầy đủ.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động thực hiện an toàn thực phẩm… để đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, tăng cường công tác hậu kiểm, xử lý các đơn vị không chấp hành đúng quy định về an toàn thực phẩm, từ đó nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong thực hiện công tác đảm bảo an toàn thực phẩm.

Chủ động, tích cực phối hợp với Cục Quản lý thị trường, các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc bảo đảm an toàn thực phẩm, chú trọng các cơ sở cung cấp thực phẩm cho tập thể, các kho hàng thương mại. Tiếp tục tập trung chỉ đạo các phòng chức năng tăng cường quản lý để ngăn chặn rượu, nước giải khát giả,… kém chất lượng, nhập lậu, gian lận thương mại trong lưu thông, kinh doanh; đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại.

Thu Hường
Bài viết cùng chủ đề: An toàn thực phẩm

Tin cùng chuyên mục

Đoàn kiểm tra Bộ Công Thương làm việc tại Hà Tĩnh về an toàn thực phẩm

Kết nối tiêu thụ, hướng đến tiêu dùng xanh - sản phẩm an toàn

Hà Nội: Khai mạc Tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, thành phố năm 2024

Hà Nội: Quảng bá và giới thiệu mô hình chợ an toàn thực phẩm tại quận Long Biên

Thứ trưởng Trương Thanh Hoài yêu cầu nâng cao hơn nữa công tác quản lý an toàn thực phẩm

Làm cách nào để đảm bảo an toàn với thực phẩm hỗ trợ vùng bão lũ?

Hà Nội: Từ ngày 13 đến 17/9, diễn ra Lễ hội An toàn thực phẩm Tết Trung thu năm 2024

Hà Nội: Đảm bảo an toàn thực phẩm mùa Trung thu

Đắk Lắk nâng cao công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm

Miền Trung tăng cường kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu

84,6% người tiêu dùng Việt ưu tiên sản phẩm thủy hải sản có nguồn gốc rõ ràng

Bộ Công Thương đề nghị cắt giảm thủ tục hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm

Tuyên Quang: Tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu năm 2024

Sở Công Thương Bình Dương: Tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịp Tết Trung thu

Phó Thủ tướng Lê Thành Long: Nguy cơ mất an toàn thực phẩm vẫn hiện hữu

Bình Thuận: Gần 100 người nhập viện vì ngộ độc thực phẩm trong 7 tháng

Bà Rịa - Vũng Tàu: Kịp thời hướng dẫn quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm

Bánh trung thu ‘handmade’: Lo ngại từ những nguyên liệu ‘rởm’

Thị trường bánh trung thu handmade: Nở rộ nhưng có an toàn?

Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn tiêu hủy lượng lớn chân gà không rõ nguồn gốc