Biến vỏ sầu riêng, bã mía thành than hữu cơ
Để tạo sự khác biệt với các sản phẩm than không khói hiện có trên thị trường, nhóm còn dùng thêm sả phối trộn trong nguyên liệu, tạo nên hương thơm khi đốt than và có khả năng xua đuổi muỗi.
Theo tìm hiểu của nhóm dự án, hiện nay, mỗi năm Việt Nam sản xuất được khoảng 500 ngàn tấn sầu riêng, tạo ra lượng phế phụ phẩm khoảng 300 ngàn tấn/năm; sản lượng mía trên cả nước là 16 triệu tấn/năm, sau chế biến tạo ra lượng bã mía khoảng 4 triệu tấn/năm.
Vỏ sầu riêng hoàn toàn có thể tái chế cho ra sản phẩm thân thiện môi trường |
Riêng tại địa bàn huyện Tân Phú hiện có 1.950ha trồng sầu riêng. Lượng vỏ sầu riêng và bã mía sau khi thu hoạch đa phần được bà con nông dân đốt trực tiếp để thải bỏ. Nhận thấy bã mía và sầu riêng có thể sử dụng để sản xuất than không khói, cô - trò trường học vùng sâu này đã bắt tay vào nghiên cứu.
Để tạo sự khác biệt so với các sản phẩm than không khói hiện có trên thị trường, nhóm nghiên cứu đã phối trộn thêm sả vào thành phần nguyên liệu. Nhóm cũng không dùng đất sét để tạo chất kết dính mà thay vào đó bằng bột năng. Do đó, than hữu cơ này khi đốt lên sẽ tạo hương thơm dễ chịu, có tác dụng xua đuổi muỗi mà lại tạo ra ít tro.
Để kiểm tra chất lượng than hữu cơ không khói, nhóm nghiên cứu đã mang mẫu đến trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 để kiểm định: Hàm lượng chất bốc, độ ẩm, độ tro, nhiệt lượng, hàm lượng carbon theo tiêu chuẩn Việt Nam và đáp ứng được tiêu chuẩn của một loại than sạch.
Loại than này rất thích hợp sử dụng như một loại than nướng BBQ; phù hợp sử dụng cho các nhà hàng, quán ăn; viên than nhỏ, gọn, rất phù hợp cho các gia đình sử dụng nướng đồ ăn khi đi dã ngoại. Than khi đốt không gây độc, thân thiện với môi trường do không tạo ra khói. Lượng nhiệt tỏa ra trương đương với loại than sạch hiện có trên thị trường. Không làm mất đi mùi thơm tự nhiên của món ăn khi nướng…
Theo tính toán của nhóm, cứ 4kg nguyên liệu (gồm bã mía và vỏ sầu riêng tươi, nguyên liệu sả không đáng kể) tạo ra được 1kg than thành phẩm. Chi phí sản xuất 1kg than này (làm theo phương pháp thủ công ở quy mô nghiên cứu và chưa tính chi phí nhân công) là 13,5 ngàn đồng. Trong khi đó, các loại than không khói trên thị trường hiện có giá bán khoảng trên 10-30 ngàn đồng/kg.
Theo tính toán của nhóm, loại than hữu cơ này nếu được đầu tư sản xuất hoàn toàn có khả năng thương mại hóa. Trong thời gian tới, nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu để tìm ra tỷ lệ phối trộn hợp lý, tối ưu hơn.