Nhiều giải pháp ứng phó
Ông Phạm Văn Tấn - Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (BĐKH) - cho biết: Chính phủ cũng như các bộ, ngành, địa phương đã vào cuộc với quyết tâm rất cao nhằm đề xuất cơ chế, chính sách, pháp luật, quy hoạch; thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi, tận dụng các cơ hội huy động nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển hạ tầng BĐKH, phát triển năng lượng tái tạo. Theo đó, tỉnh Hà Nam có 8 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng diện tích trên 2.500ha, 7 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động; 15 cụm công nghiệp với tổng diện tích 314ha, 13 cụm công nghiệp đang hoạt động, tỷ lệ lấp đầy 100%. Để giảm phát thải khí nhà kính trong các khu, cụm công nghiệp, tỉnh đã dừng các dự án phát thải lớn gây ô nhiễm môi trường; không triển khai các dự án phát thải lớn như nhiệt điện; đôn đốc, hướng dẫn các nhà máy xi măng lắp đặt hệ thống thu hồi nhiệt phát điện.
Các doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Đông Mai (Quảng Ninh) thực hiện chủ trương phát triển xanh |
Với đường bờ biển dài trên 65 km cùng hệ thống sông ngòi chằng chịt, Bến Tre là tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề trước áp lực của BĐKH và nước biển dâng. Để giảm phát thải khí nhà kính, tỉnh Bến Tre xác định, sẽ triển khai các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong những lĩnh vực phù hợp với điều kiện của tỉnh, tận dụng các cơ hội của BĐKH để phát triển nền kinh tế theo hướng carbon thấp. Tỉnh đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực năng lượng, đầu tư phát triển theo quy hoạch các nhà máy phát điện gió nối lưới, khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo trong sinh hoạt; thực hiện các giải pháp bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững đất rừng.
Là địa phương có vị trí chiến lược về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, trên 6.000 km2 mặt biển, bờ biển dài 250 km, tỉnh Quảng Ninh đã có những giải pháp toàn diện nhằm ứng phó với BĐKH. Theo đó, chủ trương phát triển của tỉnh là chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu’ sang “xanh” theo hướng bền vững dựa vào ba trụ cột (thiên nhiên, con người, văn hóa), kết hợp với xu thế hòa bình, hợp tác, hội nhập. Trong đó, phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp sạch, công nghệ cao, công nghệ thông minh, thân thiện với môi trường; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Đến nay, trên địa bàn tỉnh, không còn cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, không còn điểm ô nhiễm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật.
Những doanh nghiệp tiên phong
Ông Nguyễn Quốc Khánh - Giám đốc Điều hành Nghiên cứu và Phát triển (R&D) Vinamilk - cho biết, cuối tháng 5/2023, Vinamilk công bố lộ trình phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đây là quá trình và hành động kép, mục tiêu là giảm BĐKH và xóa “dấu chân” carbon trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Đặc biệt, Vinamilk “không mua tín chỉ carbon mà trung hòa bằng những hành động cụ thể”. Theo kinh nghiệm của Vinamilk, nếu đầu tư từ sớm, chi phí sẽ thấp và lợi ích thu lại lớn hơn rất nhiều. "Nếu nhiều năm trước, chúng tôi không tiến hành chương trình 1 triệu cây xanh thì bây giờ, không thể tự trung hòa lượng phát thải phát ra. Trang trại và nhà máy cân bằng khoảng 17.500 tấn CO2/năm, tương đương 1,7 triệu cây xanh 5 tuổi, mang lại lợi ích lớn " - ông Khánh chia sẻ.
Theo ông Morgan Donovan Carroll - Giám đốc ESG của VinFast: Công ty sẽ tập trung năng lượng xanh để hướng tới mục tiêu trong tương lai và khả năng bán tín chỉ carbon. VinFast sẽ tham gia vào quá trình chuyển dịch xanh của Chính phủ Việt Nam. “Chúng tôi đã nỗ lực đầu tư về xe điện và thị trường carbon, tập trung vào năng lượng xanh và có trách nhiệm với môi trường, giảm hiệu ứng nhà kính” - ông Morgan Donovan Carroll cho biết.
Ở góc độ khác, ông Tô Việt Thắng - Phó Tổng Giám đốc Vietjet - cho hay, nếu có định hướng về chiến lược sớm, các lựa chọn công nghệ, giải pháp đã đúng ngay từ đầu, giúp tiết kiệm rất nhiều trong quá trình triển khai. Bên cạnh đó, nếu là doanh nghiệp đi đầu, triển khai sớm, sẽ nhận được sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng, Chính phủ, các tổ chức và nhà sản xuất đồng hành.
Trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm, để giảm phát thải khí nhà kính, từ năm 2014, Công ty Ajinomoto Việt Nam đã sử dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất của doanh nghiệp. Dự tính, đến năm 2030, Ajinomoto Việt Nam sẽ đạt tỷ lệ năng lượng tái tạo ở mức 50%, giúp giảm khí thải nhà kính trong toàn bộ các hoạt động vận hành, nâng cao nhận thức việc sử dụng nguồn năng lượng sạch và thân thiện với môi trường, góp phần hiện thực hóa mục tiêu chung của Tập đoàn Ajinomoto và các công ty thành viên trên toàn thế giới trong việc giảm phát thải khí nhà kính.
Trong khi Chính phủ đang nỗ lực đẩy nhanh hoàn thiện các công cụ chính sách nhằm khuyến khích và thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, hướng tới giảm phát thải ròng bằng không vào năm 2050, nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp cũng đã có những hành động cụ thể giảm phát thải khí nhà kính. |
Bài 3: Kỳ vọng từ thị trường tín chỉ carbon