Sau nắng nóng, mưa lớn xảy ra trên diện rộng ở các tỉnh miền Bắc Nắng nóng diện rộng, Hà Nội tiêu thụ điện gần chạm mức kỷ lục Đợt nắng nóng đỉnh điểm đẩy Trung Quốc bước vào 'cơn sốt' năng lượng |
Theo dữ liệu do Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus (Copernicus Climate Change Service - C3S) công bố ngày 9/12 vừa qua, trong thời điểm từ tháng 1 - 11/ 2024, nhiệt độ trung bình của trái đất đã vượt quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp 1850 - 1900. Trong khi đó, nhiệt độ trung bình trái đất trong năm 2023 vượt quá 1,18 độ C. Với mức vượt 1,5 độ C, năm 2024 đã phá vỡ kỷ lục của năm 2023 và trở thành năm nóng nhất trong lịch sử kể từ khi số liệu chính thức được ghi chép từ năm 1940 đến nay. Tháng 11/2024 vừa qua được xếp hạng là tháng 11 nóng thứ hai, chỉ đứng sau kỷ lục tháng 11/2023.
Vào tháng 11 năm nay, nhiệt độ toàn cầu trung bình là 14,10 độ C (57,38 độ F). Nhiệt độ trung bình toàn cầu của năm ngoái là 14,98 độ C (59 độ F). Tính đến tháng 11/2024, nhiệt độ trung bình toàn cầu của năm nay cao hơn 0,14 độ C (32 độ F) so với cùng kỳ năm ngoái.
Jennifer Francis, nhà khoa học về khí hậu tại Trung tâm Nghiên cứu Khí hậu Woodwell ở Cape Cod, người không tham gia vào báo cáo, cho biết câu chuyện khí hậu về tháng 11 "giống như năm 2023, nhiệt độ trong tháng này đã vượt xa các tháng 11 trong những năm trước đó".
![]() |
Năm 2024 đã phá vỡ kỷ lục của năm 2023 và trở thành năm nóng nhất trong lịch sử |
Bà Francis khẳng định, những kỷ lục mới là "tin tức khủng khiếp đối với con người và hệ sinh thái".
"Tốc độ nóng lên quá nhanh khiến thực vật và động vật không thể thích nghi như chúng vẫn thường thấy trong những thay đổi về khí hậu trái đất trước đây. Nhiều loài sẽ tuyệt chủng, phá vỡ chuỗi thức ăn tự nhiên. Nông nghiệp cũng bị ảnh hưởng khi các loài thụ phấn suy giảm và sâu bệnh phát triển mạnh", bà cho biết, đồng thời cảnh báo rằng, các cộng đồng ven biển sẽ dễ bị tổn thương do mực nước biển dâng.
Trong năm 2024, khí hậu khắc nghiệt đã gây ra nhiều tổn thất về tài sản, con người đồng thời làm trầm trọng thêm các vấn đề về kinh tế, xã hội trên khắp các châu lục. Các quốc gia Nam Mỹ bị mất mùa, ảnh hưởng tới giao thông, sản xuất do nạn hạn hán nặng nề; các đợt nắng nóng gay gắt khiến hàng nghìn người thiệt mạng ở Mexico, Mali, Ả Rập và khu vực Nam Á hay những cơn bão thảm khốc ở Đông Nam Á và Mỹ đã gây ra những thiệt hại lớn về con người và tài sản.
Các nhà nghiên cứu khoa học đã tìm ra các bằng chứng cho thấy những thảm họa thiên tai này đều xuất phát từ biến đổi khí hậu do con người gây ra. Julien Nicolas - Nhà nghiên cứu khí hậu của C3S cho biết, khí thải carbon từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch là nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu. Bất chấp những cam kết của các chính phủ từ trước đó, lượng khí thải carbon toàn cầu vẫn ở mức cao chót vót trong năm 2024.
Hiện, các nhà khoa học cũng đang theo dõi xem hiện tượng thời tiết La Nina có chính thức hình thành vào năm 2025 hay không. Nếu La Nina xuất hiện, trái đất cũng sẽ hạ nhiệt trong thời gian ngắn do đây là kiểu thời tiết khiến cho bề mặt đại dương lạnh lên, trái ngược với kiểu thời tiết El Nino xuất hiện trong năm 2023 và 2024. Được biết, hiện tại Trái đất đang ở pha trung tính ENSO giao thoa giữa 2 pha nóng El Nino và lạnh La Nina.
Friederike Otto - giảng viên cao cấp về khí hậu tại Trường Cao đẳng Imperial College London, Anh Quốc - khuyến cáo, mặc dù La Nina xuất hiện vào năm 2025 có thể làm nhiệt độ trái đất mát lên một chút so với năm 2024 nhưng điều đó không có nghĩa là nhiệt độ trái đất có thể quay trở lại ngưỡng an toàn mà vẫn tăng theo thời gian. Nhân loại sẽ phải hứng chịu những biến đổi dữ dội của khí hậu bao gồm các đợt nắng nóng gay gắt, hạn hán, cháy rừng và bão lũ.