Bài 1: Xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực
Đi đầu trong tạo lập tài sản trí tuệ
Theo đánh giá của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Giang, trong những năm qua, vai trò quan của công tác quản lý nhà nước về nước về sở hữu trí tuệ (SHTT) được tỉnh Bắc Giang quan tâm, chú trọng. Đặc biệt là hoạt động phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm của địa phương góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội, trong đó nhiều sản phẩm nông sản chủ lực sau khi được bảo hộ đã từng bước tăng tỷ trọng xuất khẩu, góp phần xây dựng thương hiệu nông sản Việt tại thị trường quốc tế.
Ở Bắc Giang nhiều sản phẩm nông sản chủ lực sau khi được bảo hộ đã từng bước tăng tỷ trọng xuất khẩu (Ảnh minh họa) |
Ông Nguyễn Phúc Thương – Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Giang cho biết: Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược SHTT đến năm 2030 và Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh cụ thể hóa các chính sách, pháp luật về SHTT. Đó là Kế hoạch số 488/ KH-UBND ngày 05/10/2021 nhằm tạo lập, phát triển tài sản trí tuệ của Bắc Giang đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045, qua đó cụ thể hóa nhiều nội dung liên quan đến tài sản trí tuệ, xác lập quyền sở hữu trí tuệ, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động xây dựng thương hiệu. Theo đó các sản phẩm của Bắc Giang không chỉ được bảo hộ tại thị trường trong nước mà còn cả ở thị trường nước ngoài như Nhật và EU.
Ông Nguyễn Phúc Thương chia sẻ, việc tạo lập tài sản trí tuệ, xác lập quyền SHTT đối với các sản phẩm chủ lực ra nước ngoài rất quan trọng và được Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá cao. Chính vì lẽ đó, sau khi có kế hoạch phát triển tài sản trí tuệ, Bắc Giang đã không ngừng tìm hướng đi sao cho hoạt động này tiếp tục được đổi mới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương thông qua bảo hộ quyền SHTT đối với các sản phẩm nông sản, đáp ứng yêu cầu của các Hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết.
Điều này đã góp phần đưa chỉ số đổi mới sáng tạo (PII) của Bắc Giang vào top cao của các địa phương trong cả nước. Cụ thể, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đánh giá và xếp hạng cao, Bắc Giang đứng thứ 11/63 địa phương trên cả nước.
Ông Nguyễn Phúc Thương - Phó giám đốc Sở KHCN Bắc Giang chia sẻ về công tác tạo lập tài sản trí tuệ ở địa phương (Ảnh: Bùi Hùng) |
“Bên cạnh đó, Bắc Giang đã được Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá cao trong việc chủ động đi đầu về xây dựng và phát triển thương hiệu, đặc biệt là trong những năm 2008-2015 khi mà nhiều sản phẩm nông sản chủ lực của địa phương đã được bảo hộ thành công và xuất khẩu ra nước ngoài như: Vải thiều Lục Ngạn, gà đồi Yên Thế, mỳ Chũ…và đến nay vẫn tiếp tục được duy trì, phát triển”- ông Nguyễn Phúc Thương cho hay.
Có thể khẳng định, với sự vào cuộc tích cực của ngành khoa học và công nghệ, nông nghiệp và các cơ quan liên quan, chương trình phát triển tài sản trí tuệ của tỉnh Bắc Giang đã đạt được nhiều thành tựu. “Hiện Bắc Giang có 3 sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, 7 sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận, trên dưới 100 sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể được bảo hộ, đồng thời có trên 200 sản phẩm OCOP 3 sao và 4 sao. Chúng tôi định hướng xây dựng sản phẩm vải thiều Lục Ngạn thành sản phẩm OCOP 5 sao”- ông Nguyễn Phúc Thương nhấn mạnh.
Phát huy giá trị tài sản trí tuệ, gia tăng giá trị sản phẩm
Qua thống kê cho thấy các sản phẩm đặc sản địa phương sau khi được xây dựng thương hiệu, phát triển tài sản trí tuệ đều chuyển biến tích cực. Giá trị sản phẩm được nâng lên từ 10 - 15% và giữ ổn định qua các năm. Thị trường tiêu thụ được mở rộng. Danh tiếng và uy tín của sản phẩm từng bước được khẳng định, qua đó ý thức xây dựng và phát triển sản phẩm dựa trên công cụ quyền SHTT trong cộng đồng ngày càng được nâng cao.
Vùng trồng sâm Nam núi Dành ở Tân Yên được cấp nhãn hiệu tập thể (Ảnh: Thu Hường) |
Cùng với quả vải thiều thì hiện nay Bắc Giang xây dựng khá nhiều sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý như: Sâm Nam núi Dành, cam Lục Ngạn đang được triển khai xây dựng chỉ dẫn địa lý; còn ổi Tân Yên được xây dựng nhãn hiệu tập thể, ... và tương tự với nhiều sản phẩm khác.
Đơn cử như năm 2020 UBND huyện Tân Yên đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý Núi Dành cho sản phẩm sâm Nam. Sau đó, năm 2021 Hợp tác xã Sản xuất và Tiêu thụ sâm Nam núi Dành xã Liên Trung được UBND huyện Tân Yên trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý núi Dành đối với sản phẩm sâm Nam. Từ đây vùng trồng sâm Nam núi Dành đã từng bước được mở rộng, sản phẩm sâm Nam núi Dành đã được thị trường biết đến.
Chị Nguyễn Thị Kim Dung – Chủ tịch Hội đồng quản trị, Kiêm giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và Tiêu thụ sâm Nam núi Dành xã Liên Trung (huyện Tân Yên) cho biết: Từ khi bảo hộ chỉ dẫn địa lý thì diện tích vùng trồng trên địa bàn xã Liên Trung đã được chúng tôi phát triển mở rộng gấp 10 lần. Đồng thời, để phát triển các sản phẩm nâng cao giá trị thương hiệu của sâm Nam núi Dành chúng tôi đã áp dụng quy trình trồng và canh tác theo VietGap đối với sản phẩm củ sâm và phát triển nhiều sản phẩm khác từ sâm như: Trà sâm, tinh chất sâm, dầu gội sâm, rượu sâm, cao sâm…
Chị Nguyễn Thị Kim Dung chia sẻ về hiệu quả gia tăng của sâm Nam núi Dành sau khi được bảo hộ chỉ dẫn địa lý (Ảnh: Thu Hường) |
“Hiện vùng trồng sâm của Hợp tác xã Sản xuất và tiêu thụ sâm Nam núi Dành tại xã Liên Trung lên đến 50ha, diện tích đang cho thu hoạch khoảng 5ha, với sản lượng khoảng 50 tấn, các sản phẩm 5 năm tuổi cho thu hoạch với giá bán từ 1-2 triệu đồng/kg. Với mức giá đó, người trồng sâm thu nhập từ 5-10 tỷ đồng/ha. Ngoài ra chúng tôi có thể tận thu lá, thân, hoa dùng vào các sản phẩm dược, các sản phẩm chức năng và phục vụ thức ăn chăn nuôi”- chị Dung chia sẻ.
Bên cạnh củ sâm, cây ổi của Tân Yên giờ đây cũng đã chiếm vị thế quan trọng trong phát triển sản phẩm nông nghiệp theo hướng hàng hóa của Tân Yên nói riêng và Bắc Giang nói chung.
Năm 2020, ổi Tân Yên được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể cho Hợp tác xã Nông nghiệp Quyên Phong. Từ đây cây ổi đã trở thành một trong những cây chủ lực trong phát triển kinh tế nông hộ ở Tân Yên.
Anh Đặng Huy Phong – Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Quyên Phong - (huyện Tân Yên) chia sẻ: Từ năm 2020 đến nay khi quả ổi đã có nhãn hiệu tập thể được bảo hộ, người tiêu dùng dễ nhận biết và nhớ đến quả ổi Tân Yên với chất lượng giòn, ngon ngọt.
Theo anh Phong, hiện diện tích trồng ổi của Hợp tác xã vào khoảng 350-400ha, trong đó có khoảng 50ha đang được trồng canh tác theo tiêu chuẩn VietGap, hiện Hợp tác xã đang thí điểm trồng theo hướng hữu cơ và hỗ trợ các hộ nông dân thực hiện trồng theo tiêu chuẩn VietGap.
Anh Đặng Huy Phong chia sẻ về quy trình canh tác theo tiêu chuẩn VietGap của ổi Tân Yên (Ảnh: Thu Hường) |
Nói về thu nhập từ quả ổi, anh Phong cho hay, cây ổi cho thu nhập kinh tế khá cao và ổn định, cây ổi sau khi trồng từ năm thứ 3 trở đi là cho thu hoạch tốt, doanh thu đạt khoảng 30-35 triệu đồng/sào/năm, trừ chi phí đi người trồng thu được từ 20-23 triệu đồng/sào/năm.
Bên cạnh việc bảo hộ quyền SHTT trong nước, đến nay nhiều nông sản của Bắc Giang đã được bảo hộ ở nước ngoài như: Vải thiều Lục Ngạn được bảo hộ tại 8 quốc gia (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Lào, Campuchia, Mỹ, Australia, Singapore); mỳ Chũ được bảo hộ tại 5 quốc gia (Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào, Thái Lan, Campuchia); mỳ Kế được bảo hộ tại 5 quốc gia (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Lào, Thái Lan); gà đồi Yên Thế được bảo hộ tại 3 quốc gia (Lào, Trung Quốc, Singapore)...
Các địa phương có số lượng nhãn hiệu tập thể nhiều như: Lục Ngạn có 23 nhãn hiệu; Lục Nam 13 nhãn hiệu; thành phố Bắc Giang có 10 nhãn hiệu; Hiệp Hoà có 8 nhãn hiệu; Tân Yên có 9 nhãn hiệu; Sơn Động, Việt Yên có 8 nhãn hiệu; Yên Dũng có 7 nhãn hiệu…
Từ số liệu trên, có thể thấy công tác đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận của tỉnh Bắc Giang trong những năm qua đạt nhiều kết quả và luôn nằm trong nhóm các tỉnh top đầu cả nước.
Việc xây dựng thương hiệu, đăng ký nhãn hiệu... là một giải pháp quan trọng phải thực hiện nhằm xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa, chuyên canh, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng và góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người nông dân. Các sản phẩm được bảo hộ đã phát huy được giá trị riêng có, ưu thế của mình, sản phẩm được đóng gói và truy xuất rõ ràng nguồn gốc xuất xứ.
Đặc biệt, năm 2021, vải thiều Lục Ngạn là sản phẩm nông sản đầu tiên của Việt Nam được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản. Việc xây dựng thương hiệu đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tạo thuận lợi cho quả vải xuất khẩu ra thị trường nước ngoài và khẳng định được giá trị thương hiệu, nâng cao đời sống nhân dân.
Bài 2: Nâng tầm giá trị quả vải thiều tại thị trường nước ngoài