Bài 1: Những nền tảng và thách thức của công nghiệp xanh Đà Nẵng
Xanh hóa, phát triển bền vững – Xu thế tất yếu
Kinh tế thế giới, dẫn đầu là các nền kinh tế lớn đang chuyển dịch theo hướng phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số. Tại các thị trường xuất khẩu lớn, chủ lực của Việt Nam, xanh hóa, phát triển bền vững đang ngày càng được “tiêu chuẩn hóa” trở thành những tiêu chuẩn kĩ thuật để đánh giá chất lượng hàng hóa.
Tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu 2021 (COP26), Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ về ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 – Net Zero vào năm 2050. Điều này cũng khẳng định sự quyết tâm của Việt Nam trong phát triển bền vững.
Thành phố Đà Nẵng đã từ chối nhiều dự án có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường, lựa chọn dự án ít hoặc không gây ô nhiễm môi trường |
Tại thành phố Đà Nẵng, xanh hóa, phát triển bền vững đã được thể hiện ngay từ những năm 2000, khi lãnh đạo địa phương khẳng định “Không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế”. Trên thực tế, năm 2007, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng từng quyết định từ chối 2 dự án FDI có tổng vốn đầu tư lên đến gần 4 tỷ USD (xây dựng nhà máy thép của nhà đầu tư Đài Loan, nhà máy bột giấy của nhà đầu tư Nhật Bản) để bảo vệ môi trường. Sau đó, lãnh đạo địa phương này cũng tiếp tục từ chối thêm một số dự án nhà máy khác như khu liên hợp dệt nhuộm với tổng vốn đầu tư hàng trăm triệu USD.
Thời điểm ấy, kiên quyết từ chối dự án "tỷ đô" là một sự táo bạo, nhưng hiện tại đã chứng minh quyết định đó là hoàn toàn chính xác.
Năm 2008, những chủ trương về bảo vệ môi trường tại TP. Đà Nẵng được văn bản hóa bằng đề án “Xây dựng Đà Nẵng – thành phố môi trường” (quyết định số 41/2008/QĐ-UBND).
Sau 15 năm thực hiện, nhiều chỉ số môi trường tại Đà Nẵng đã đạt những kết quả khả quan, 100% nước thải công nghiệp đạt yêu cầu khi xả thải; tỷ lệ thu gom nước thải sinh hoạt năm đạt trên 83%... Với những nỗ lực bảo vệ môi trường, Đà Nẵng được coi là điểm đến lí tưởng về du lịch, là hình mẫu thành phố môi trường ở Việt Nam.
Từ thực tiễn trên đã khẳng định, xanh hóa, phát triển bền vững là xu hướng, xu thế tất yếu mà buộc mỗi quốc gia, mỗi địa phương đều phải tham gia.
Một số doanh nghiệp lớn tại TP. Đà Nẵng đã chủ động chuyển đổi sản xuất sang sản xuất xanh |
Nhận diện nền tảng thuận lợi và khó khăn để “xanh hóa” công nghiệp Đà Nẵng
Công nghiệp, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp Đà Nẵng không nằm ngoài xu hướng đó. “Xanh hóa” công nghiệp Đà Nẵng là điều phải làm. Trong đó gồm: Khu công nghiệp xanh (khu công nghiệp sinh thái), công nghiệp xanh, và doanh nghiệp xanh.
Khu công nghiệp sinh thái hiện còn là mô hình khá mới mẻ ở Việt Nam nói chung, đặc biệt là miền Trung. Tuy nhiên, thành phố Đà Nẵng vẫn có những nền tảng và thuận lợi lớn để thực hiện mục tiêu trên.
Ông Trần Văn Tỵ - Phó Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp và khu công nghệ cao Đà Nẵng cho biết, thành phố có thuận lợi khi khu công nghiệp Hòa Khánh đã từng được chọn thí điểm thực hiện mô hình khu công nghiệp sinh thái trong giai đoạn 2015 – 2019 bởi dự án “Triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam”. Từ năm 2019, khu công nghiệp Hòa Khánh tiếp tục tham gia giai đoạn 02 Dự án “Triển khai khu công nghiệp sinh thái theo hướng tiếp cận từ Chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu".
Tại chương trình này, nhiều doanh nghiệp đã được thụ hưởng hỗ trợ hướng dẫn thực hiện các giải pháp sản xuất sạch hơn, tiết kiệm hàng tỷ đồng mỗi năm.
Bên cạnh nền tảng đã có kinh nghiệm thí điểm, “xanh hóa” công nghiệp Đà Nẵng còn có thuận lợi là sự chủ động đi trước của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp lớn của thành phố như DRC, Heineken, dệt may Hòa Thọ, …. Những doanh nghiệp này phần lớn là doanh nghiệp xuất khẩu lớn (trừ nhà máy bia), sản phẩm xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản…, vì vậy, các sản phẩm của các doanh nghiệp đều phải dần chuyển hướng “xanh hóa” để tăng năng lực cạnh tranh, tận dụng hiệu quả các FTA và đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về phát triển bền vững ở các thị trường xuất khẩu. Đây chính là những mô hình kiểu mẫu và là kinh nghiệm thực tiễn để các doanh nghiệp Đà Nẵng tham khảo, chuyển đổi sản xuất theo hướng xanh, bền vững thuận lợi.
Dù vậy, công nghiệp Đà Nẵng vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Phần lớn các doanh nghiệp tại TP. Đà Nẵng là doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ, nguồn vốn hạn chế, rất khó khăn để đầu tư vốn chuyển đổi công nghệ mới. Nhất là sau dịch Covid – 19, nhiều doanh nghiệp đã cạn vốn, thiếu đơn hàng.
Bên cạnh đó, những doanh nghiệp này lại đa phần còn nằm ngoài khu công nghiệp, hàng nghìn doanh nghiệp có nhu cầu muốn được vào khu, cụm công nghiệp để ổn định sản xuất nhưng lại thiếu đất, thiếu vốn, nên chưa mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị; việc sản xuất trong khu dân cư cũng gây nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Đối với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, nhiều doanh nghiệp đã hoạt động từ lâu, máy móc, công nghệ đã lạc hậu, còn thiên về công suất lớn, tiêu tốn nhiên liệu, năng lượng, lượng phát thải ra môi trường còn lớn.
Ngoài ra, theo đại diện Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Khu công nghệ cao Đà Nẵng, qua thí điểm mô hình khu công nghiệp sinh thái tại khu công nghiệp Hòa Khánh, có 2 khó khăn lớn trong triển khai khu công nghiệp sinh thái đó là tỷ lệ doanh nghiệp áp dụng các giải pháp RECP (Hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn) còn thấp, chưa đến 20% doanh nghiệp sản xuất; việc mở rộng các mô hình cộng sinh công nghiệp còn hạn chế, tuần hoàn chất thải còn yêu cầu nhiều thủ tục pháp lý; thiếu nguồn tín dụng xanh cũng là rào cảo lớn.
Thành phố Đà Nẵng có nhiều lợi thế trong phát triển công nghiệp xanh nhờ nền tảng và định hướng xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố môi trường |
Đà Nẵng phải làm gì để “xanh hóa” công nghiệp”?
Theo chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), tăng trưởng xanh là nền kinh tế có mức phát thải thấp; sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên; giảm thiểu những rủi ro môi trường.
Xu hướng của công nghiệp xanh chủ yếu tập trung vào hạn chế phát thải khí CO2, hóa đất độc hại từ các khu công nghiệp, khu chế xuất ra môi trường. Phát triển các nguồn năng lượng mới, sạch vào sản xuất.
Doanh nghiệp xanh là doanh nghiệp sử dụng nguồn năng lượng tự nhiên (điện mặt trời, điện gió), ít tiêu tốn năng lượng (sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả); có quy trình sản xuất ít phát thải, giảm tiêu tốn nguyên liệu, nhiên liệu (sản xuất sạch hơn); có nguyên liệu có thể tái chế, xử lý tốt chất thải giúp kiểm soát, xử lý chất thải ra môi trường (kinh tế tuần hoàn). Ngoài ra, nhà xưởng phải có hệ thống thông gió, lấy sáng tự nhiên.
Như vậy, để phát triển công nghiệp xanh, Đà Nẵng cần có những doanh nghiệp xanh với những quy trình sản xuất xanh.
Thành phố Đà Nẵng hiện có 6 khu công nghiệp, 1 khu công nghệ cao đã đi vào hoạt động; đang đầu tư khu công nghiệp hỗ trợ khu công nghệ cao Đà Nẵng và 3 khu công nghiệp mới. Theo đề án “Xây dựng Đà Nẵng – thành phố môi trường” giai đoạn 2021 – 2030, Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2025, có ít nhất 1 khu công nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn khu công nghiệp sinh thái theo tiêu chuẩn quốc gia; và đến năm 2030 có 2 – 3 khu công nghiệp sinh thái. |
Những kết quả thực hiện thí điểm mô hình khu công nghiệp sinh thái tại khu công nghiệp Hòa Khánh: - Đã hỗ trợ đánh giá sản xuất sạch hơn (RECP) cho 29 doanh nghiệp; đề xuất 334 giải pháp sản xuất sạch hơn; trong đó 228 giải pháp đã được thực hiện từ năm 2016 - 2020. Theo đánh giá của các chuyên gia, việc áp dụng các giải pháp ước tính giúp các doanh nghiệp tiết kiệm hơn 14 tỷ đồng/năm; giảm gần 50.000 m3 nước thải và trên 5.000 tấn CO2/năm. - Tổ chức 4 khóa đào tạo về kiểm toán năng lượng và an toàn hóa chất cho các doanh nghiệp; cấp 137 chứng chỉ cho các cán bộ môi trường, kỹ thuật tại các doanh nghiệp. Hiện nay, các cán bộ đã qua tập huấn vẫn áp dụng được các nguyên tắc chung về sản xuất sạch hơn, hạn chế phát thải trong quá trình vận hành dây chuyền sản xuất. - Tại khu công nghiệp Hòa Khánh có 01 liên kết cộng sinh công nghiệp tiềm năng giữa Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam – Đà Nẵng và Công ty CP Đầu tư Sản xuất Năng lượng xanh. |
Bài 2: Sử dụng năng lượng tái tạo, tiết kiệm điện – Giải pháp thiết thực nhất để “xanh hóa” công nghiệp