Các chuyên gia phân tích cho rằng, quyết định này được coi là một đòn giáng mạnh vào các quốc gia ủng hộ thương mại tự do và đặc biệt là thất bại đối với Bắc Kinh, vì nước này rất muốn mở rộng quan hệ đối tác trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Mỹ vẫn chưa kết thúc.
Các nguồn tin cho biết, mặc dù 15 trong số 16 quốc gia đã đồng ý ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực, nhưng Ấn Độ đã có quan điểm ngược lại. Tất cả các quốc gia thành viên RCEP trừ Ấn Độ có ý định tiến hành các quy trình pháp lý cần thiết để ký hiệp định vào năm 2020, đồng thời làm việc với Ấn Độ để giải quyết các vấn đề còn tồn tại. Tại cuộc họp cấp bộ trưởng vào ngày 01/11, các nhà đàm phán đã không đạt được thỏa thuận, nhưng các phái đoàn tham gia đàm phán đã chọn cách tiếp tục thảo luận về các vấn đề còn lại trước khi Hội nghị Cấp cao RCEP diễn ra vào ngày 4/11.
Tuy nhiên, các cuộc đàm phán không chính thức bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN và cấp cao Đông Á đã cho thấy rõ rằng các khoảng trống còn lại quá rộng để có thể thu hẹp. Hiệp định RCEP sẽ mang lại cắt giảm thuế quan cũng như bảo vệ sở hữu trí tuệ. Tuyên bố chung của hội nghị có thể cho biết 15 quốc gia đã kết thúc đàm phán nhưng một quốc gia - Ấn Độ - sẽ tiếp tục đàm phán. RCEP sẽ quy tụ 10 thành viên của ASEAN, cộng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và Ấn Độ, với quy mô dân số 3,6 tỷ người, tương đương gần một nửa dân số thế giới và chiếm khoảng 1/3 tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu.
Các nhà lãnh đạo ASEAN ban đầu đề xuất ý tưởng về RCEP vào năm 2012 và các cuộc đàm phán bắt đầu vào năm 2013. Thái Lan với tư cách là Chủ tịch ASEAN năm nay, đã tìm cách thúc đẩy quá trình này trong vài tháng qua. Các nước đã giải quyết hầu hết khoảng 20 điểm để đàm phán vào cuối cuộc họp bộ trưởng trước đó, được tổ chức tại Bangkok vào ngày 11 và 12/10. Nhưng lập trường đàm phán cứng rắn của Ấn Độ là một trở ngại lớn. Quốc gia Nam Á này muốn có nhiều biện pháp bảo hộ hơn trong hiệp định do thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc, và từ chối nhượng bộ. Sự kháng cự của New Delhi đã gây khó chịu cho Bắc Kinh, đã từng đề xuất các nước tiếp tục đưa RCEP trở thành hiện thực mà không có Ấn Độ.
Đối với Trung Quốc, RCEP cũng là một công cụ thể hiện tinh thần thương mại tự do để trái ngược với chính quyền Donald Trump ở Mỹ, mặc dù Bắc Kinh vẫn duy trì nhiều chính sách bảo hộ của riêng mình. Một trong những hành động đầu tiên của ông Trump với tư cách Tổng thống Mỹ là rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương - một hiệp định thương mại đầy tham vọng - và khởi động cuộc chiến thuế quan đầy phức tạp với Trung Quốc.
Một số chuyên gia cho rằng, với việc vai trò Chủ tịch ASEAN được chuyển từ Thái Lan sang Việt Nam cho năm 2020, Brunei cho năm 2021 và Campuchia cho năm 2022, việc đẩy nhanh đàm phán có lẽ sẽ tiếp tục khó khăn hơn. Sự phức tạp của RCEP đã, đang và sẽ thể hiện rõ ràng tính đa dạng của các quốc gia thành viên trong quá trình tìm điểm nhượng bộ cân bằng.