Động lực xuất khẩu mới cho doanh nghiệp
Việt Nam và Nhật Bản đều hưởng lợi nhiều từ các FTA song phương và đa phương mà hai bên tham gia, nhất là Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA); Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP); Hiệp định CPTPP, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP).
Đặc biệt, Hiệp định RCEP chính thức có hiệu lực từ 1/1/2022 đã mở ra khu vực thương mại tự do có quy mô lớn nhất thế giới, với khoảng 30% tổng ngân sách quốc nội (GDP) toàn cầu và một khu vực thị trường với 1/3 dân số thế giới.
Trong số các thị trường RCEP, Nhật Bản là thị trường trọng điểm có ý nghĩa quan trọng và gắn kết chặt chẽ với Việt Nam. Do đó, tận dụng cơ hội từ RCEP để tăng kim ngạch xuất khẩu, hạn chế rào cản thương mại là mục tiêu rất lớn của cơ quan quản lý nhà nước cũng như doanh nghiệp Việt Nam.
Thuỷ sản Việt Nam là một trong những sản phẩm được thị trường Nhật Bản ưa chuộng - Ảnh: Tiến Dũng |
Nhật Bản hiện là nước tài trợ ODA lớn nhất, đối tác hợp tác lao động lớn thứ 2, nhà đầu tư lớn thứ 3, đối tác du lịch lớn thứ 3, đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam. Về đầu tư trực tiếp (FDI), tính đến tháng 10/2024, Nhật Bản là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn thứ 3 ở Việt Nam (sau Hàn Quốc và Singapore) với 5.456 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 77,37 tỷ USD.
Kim ngạch thương mại song phương năm 2022 đạt 47,6 tỷ USD; năm 2023 đạt 44,98 tỷ USD; 10 tháng năm 2024 đạt 38,1 tỷ USD.
Cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu của hai nước mang tính bổ sung rõ nét, không có sự cạnh tranh trực tiếp. Việt Nam chủ yếu sản xuất và xuất khẩu sang Nhật Bản các loại thủy sản, dầu thô, dệt may, dây điện và dây cáp điện, gỗ và sản phẩm gỗ, máy vi tính và linh kiện, than đá, giày dép các loại...
Trong khi đó, Việt Nam nhập khẩu từ Nhật Bản là những mặt hàng phục vụ cho sản xuất công nghiệp gồm máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, sản phẩm điện tử và linh kiện, sắt thép các loại, vải các loại, linh kiện ô tô, chất dẻo nguyên liệu, hóa chất, nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày, kim loại…
Ngoài ra Việt Nam đang tích cực hợp tác với nhiều tập đoàn, doanh nghiệp FDI Nhật Bản (Toyota, Canon, Panasonic...) triển khai các Chương trình/Dự án tìm kiếm, phát triển nhà cung cấp Việt Nam nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, tăng tỷ lệ nội địa hóa; thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn, doanh nghiệp Nhật Bản.
Làm rõ hơn những lợi thế từ Hiệp định RCEP khi xuất khẩu vào Nhật Bản, đại diện Vụ Thị trường Châu Á - Châu Phi, Bộ Công Thương cho biết, so với 3 hiệp định đã có giữa Việt Nam và Nhật Bản thì những cam kết về cắt giảm thuế quan của RCEP không cao hơn. Do đó mục tiêu chính của Hiệp định RCEP là tập trung tạo thuận lợi khai thác lợi thế quốc gia và kết nối với nhau tạo thành chuỗi cung ứng.
Ở góc độ này, Hiệp định RCEP mang lại một số cơ hội cho Việt Nam trong hợp tác với Nhật Bản. Thứ nhất, Việt Nam có thể đa dạng hóa nguồn nguyên liệu sản xuất đầu vào để thúc đẩy xuất khẩu vào Nhật Bản.
Cơ hội thứ hai là quy tắc xuất xứ của RCEP không có nhiều khác lạ, bởi doanh nghiệp Việt Nam đã rất quen thuộc với quy tắc này trong các FTA với các nước ASEAN và các nước đối tác như Trung Quốc, Hàn Quốc...; từ 5 quy tắc với 5 đối tác gộp thành 1 quy tắc; cộng với việc tích hợp quy tắc xuất xứ theo VJEPA nên hiện giờ doanh nghiệp Việt Nam rất dễ dàng thực hiện quy tắc xuất xứ để giành được ưu đãi thuế quan thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang Nhật Bản.
Một cơ hội khác là RCEP giúp các doanh nghiệp Việt Nam cắt giảm chi phí khi xuất khẩu sang Nhật Bản. Bởi nguyên liệu đầu vào áp dụng quy tắc xuất xứ từ nội khối, giúp doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào khi sản xuất hàng xuất khẩu sang thị trường này.
Hiệp định RCEP còn hướng tới các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo cơ hội kết nối khu vực doanh nghiệp này của Việt Nam với những doanh nghiệp nhỏ và vừa các nước nội khối nói chung, Nhật Bản nói riêng, từ đó các doanh nghiệp có thể tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng của Nhật Bản.
Thách thức hiện hữu
Theo các chuyên gia, bên cạnh những cơ hội, doanh nghiệp Việt Nam có thể gặp phải những thách thức từ Hiệp định RCEP, đó chính là môi trường cạnh tranh xuất khẩu tại Nhật Bản gay gắt hơn rất nhiều bởi Nhật Bản sẽ dành các ưu đãi thuế quan cho các đối tác mới của họ trong hiệp định như Trung Quốc, hàng hóa Trung Quốc hưởng lợi từ RCEP sẽ gia tăng vào thị trường Nhật Bản và sẽ cạnh tranh với những hàng hóa cùng loại của Việt Nam.
Thách thức nữa là khi thực hiện RCEP, Việt Nam sẽ phải đối mặt với các đối thủ cạnh tranh rất mạnh tại thị trường Nhật Bản, có sự tương đồng về cơ cấu xuất khẩu với chúng ta nhưng có năng lực và lợi thế cạnh tranh cao như Thái Lan, Malaysia, Indonesia….
Vải thiếu Việt Nam được bày bán tại siêu thị Nhật Bản. Ảnh: Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cung cấp |
Ông Tạ Đức Minh - Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, Nhật Bản là thị trường có sức tiêu thụ lớn với hàng nông thủy sản, thực phẩm nhập khẩu, có nhu cầu nhập khẩu nhiều cá, tôm, lươn, thịt và sản phẩm chế biến từ thịt, đậu nành, ngũ cốc, rau quả tươi và chế biến, cà phê… Đây là những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh.
Tuy nhiên, tham tán Tạ Đức Minh đánh giá các yêu cầu về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng nhập khẩu từ nước ngoài, trong đó có Việt Nam vào thị trường Nhật Bản là rất cao, gây ra ít nhiều khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu và nhập khẩu.
"Có thể, Nhật Bản là cửa ngõ khó vào nhưng nếu đã vào được thì xuất khẩu sẽ ổn định và lâu dài, đồng thời có thể mở rộng đi các nước khác", Tham tán Tạ Đức Minh nhấn mạnh.
Do đó, tham tán Tạ Đức Minh đã đưa ra các khuyến nghị để doanh nghiệp Việt Nam khai thác thành công Hiệp định RCEP tại Nhật Bản. Theo đó, cần nâng cao năng lực cạnh tranh, đặc biệt là nâng cao tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu. Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng cần nâng cao năng lực trách nhiệm xã hội với các tiêu chuẩn về lao động.
Tham gia các chương trình kết nối giao thương trực tiếp và trực tuyến, tham gia các đoàn xúc tiến thương mại và trưng bày hàng hóa tại các hội chợ, triển lãm quốc tế lớn trong và ngoài nước.
Hiệp định RCEP được ký ngày 15/11/2020 chính thức có hiệu lực từ 1/1/2022 mở ra khu vực thương mại tự do có quy mô lớn nhất thế giới, với tổng GDP khoảng 30% GDP toàn cầu và một thị trường với 1/3 dân số thế giới. Hiệp định RCEP có 15 thành viên, gồm 10 nước ASEAN và 5 nước đối tác của ASEAN là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. |