Ký kết thành công RCEP: Điểm nhấn của Việt Nam trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020
Xin Bộ trưởng cho biết về vai trò dẫn dắt của Việt Nam cũng như vai trò của Bộ Công Thương trong việc thực hiện một trong ba trụ cột của ASEAN năm Việt Nam giữ vai trò Chủ tịch ASEAN 2020?
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời phỏng vấn báo giới |
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Có thể nói, năm 2020 là một năm có ý nghĩa và có dấu ấn rất lớn của Việt Nam. Năm nay, chúng ta đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên của ASEAN, nhưng đồng thời cũng là năm kỷ niệm 25 năm Việt Nam gia nhập ASEAN.
Trong khuôn khổ của Năm Chủ tịch ASEAN 2020, chúng ta đã xây dựng và triển khai chương trình hoạt động có thể nói là rất đầy đặn và phong phú, đa dạng.
Tuy nhiên, năm 2020 cũng là năm có rất nhiều diễn biến đặc biệt. Đó là cuộc cạnh tranh địa chính trị cũng như các xung đột và chiến tranh thương mại giữa các siêu cường; đại dịch Covid-19 và những biến động chung trong xu thế bảo hộ mậu dịch cũng như chủ nghĩa đơn phương.
Trong bối cảnh đặc biệt đó, cho đến nay, chúng ta đã rất thành công. Ngay từ đầu năm, khi chớm có đại dịch, chúng ta đã triển khai một loạt hội nghị cấp Bộ trưởng, trong đó có Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế của ASEAN.
Trong trụ cột kinh tế, 13 sáng kiến của Việt Nam đưa ra là điểm sáng, nội dung trải rộng và đáp ứng được tất cả các nội hàm cũng như khung khổ hợp tác mà ASEAN đang có trong nội khối và hợp tác với đối tác. 13 sáng kiến này đáp ứng được những yêu cầu cấp bách trong thời kỳ phát triển mới của ASEAN. Chính vì vậy, tinh thần chủ động thích ứng và tăng cường kết nối đã được thực hiện xuyên suốt trong cả năm 2020 cũng như trong việc thực hiện 13 sáng kiến nói trên.
Với sự chủ động, linh hoạt của Việt Nam, cho đến nay, mặc dù dịch Covid-19 tác động rất lâu, rất mạnh và rất sâu đến các hoạt động hợp tác của chúng ta cũng như các hoạt động của Năm Chủ tịch ASEAN 2020, nhưng chúng ta đã thực hiện thành công đến 8/13 sáng kiến và mang lại những giá trị đóng góp rất lớn cho ASEAN cũng như hợp tác của ASEAN với các đối tác.
Trong những nội dung triển khai năm 2020, Việt Nam đã rất chủ động, linh hoạt phối hợp với các nước để thay đổi và tổ chức những phương thức hoạt động mới, đặc biệt là kết hợp giữa trực tiếp với trực tuyến. Đây là những nội dung rất quan trọng, đặt dấu ấn cho những khung khổ hợp tác sau này của ASEAN để phát huy, đảm bảo nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác.
Thứ hai, toàn bộ nội dung và hình thức của các chương trình hoạt động ASEAN 2020 dưới vai trò Chủ tịch của Việt Nam đã hoàn tất rất thành công.
Thứ ba, chúng ta đã rất chủ động cùng các nước đưa ra những phản ứng và ứng phó một cách rất kịp thời với những diễn biến mới, kể cả từ câu chuyện chiến tranh thương mại gây ra nguy cơ đứt gãy các chuỗi cung ứng hay xu hướng bảo hộ mậu dịch gia tăng và dịch bệnh Covid-19 có thể tác động đến các chuỗi cung ứng trong khu vực và toàn cầu, trong đó tác động mạnh đến ASEAN và các nước đối tác của ASEAN.
Đơn cử như: Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế của ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế của ASEAN với Nhật Bản, với Trung Quốc và Hàn Quốc lần lượt đều đề cập đến vấn đề lớn đang đặt ra cho khôi phục và phát triển nền kinh tế lúc đó đang bị đe dọa bởi những đứt gãy trong chuỗi cung ứng, kể cả của những sản phẩm hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm, vật phẩm y tế,…
Hay Tuyên bố của Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về kinh tế, về ứng phó kịp thời với Covid-19 để khôi phục những chuỗi cung ứng này; Tuyên bố về Chương trình hành động Hà Nội đã “dọn đường” và tạo nên những nền tảng rất quan trọng cho các nước ASEAN có những hành động phối hợp với các đối tác để khôi phục lại các chuỗi cung ứng. Các nước đã ký kết biên bản ghi nhớ cấp Bộ trưởng của ASEAN và đối tác để thực hiện Chương trình Hành động Hà Nội trong việc giảm bớt thuế quan và hàng rào phi thuế quan, từ đó tạo điều kiện cho khôi phục và tiếp tục duy trì các chuỗi cung ứng, trong đó có những vật phẩm thiết yếu về y tế và lương thực thực phẩm.
Lễ ký kết Hiệp định RCEP |
Với vai trò là người điều phối các hoạt động liên quan đến trụ cột kinh tế của Cộng đồng ASEAN, Bộ trưởng ấn tượng nhất là điều gì?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Điều tôi ấn tượng nhất đó là sự thống nhất, sự chia sẻ chung của tất cả các nước để ứng phó theo đúng tinh thần, chủ đề của Năm ASEAN 2020 là “Gắn kết và chủ động thích ứng”. Vai trò Chủ tịch ASEAN của Việt Nam đã được thể hiện rất rõ trong từng tình huống, từng thời điểm và từng kỳ hội nghị, nhưng nhận được sự đồng thuận, ủng hộ và chia sẻ rất lớn của các nước trong ASEAN cũng như các nước đối tác.
Đặc biệt, tôi cũng muốn nói một điểm nhấn rất lớn của năm nay, đó là Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được ký kết mới đây.
Chúng ta biết rằng, với RCEP, một khu vực thương mại tự do và kinh tế có thể nói là lớn nhất của thế giới đã được hình thành, quy mô lên tới gần 27.000 tỷ USD xét về GDP, chiếm đến 30 % tổng GDP toàn cầu, với khu vực thị trường có tới hơn 2,2 tỷ người tiêu dùng.
Điều đó cho thấy, một thực thể mới, một mô hình mới của thương mại và kinh tế tự do đã được hình thành. Nó sẽ tạo điều kiện rất thuận lợi để tiếp tục đóng góp cho hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ và ứng phó có hiệu quả với những biểu hiện, xu thế bảo hộ mậu dịch. Đồng thời, tạo ra những nền tảng trong khuôn khổ thương mại công bằng và tự do để bảo vệ lợi ích cho tất cả các quốc gia, nhưng đặc biệt cho những quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Năm nay, một trong 13 sáng kiến ưu tiên của ASEAN do Việt Nam đề xuất chính là kết thúc đàm phán và ký kết Hiệp định này tại Hà Nội. Dù được coi là một trọng tâm ưu tiên, nhưng quả thực việc này không hề đơn giản. Tại Hội nghị lãnh đạo cấp cao của 16 nước RCEP tại Bangkok tháng 11/2019, các nước đều ra tuyên bố là kết thúc đàm phán về cơ bản 20 chương của Hiệp định và 4 phụ lục, thống nhất sẽ tiếp tục làm các thủ tục để ký kết trong 15 nước. Thế nhưng, quả thực là vào thực tiễn mới thấy vấn đề vẫn còn nhiều phức tạp.
Trong một môi trường và bối cảnh rất mới của năm 2020, khi dịch bệnh như vậy, chúng ta không có điều kiện để gặp gỡ, đàm phán trực tiếp, các đoàn đàm phán Chính phủ phải chuyển đổi phương thức và đàm phán qua trực tuyến, làm việc với nhau tại các Hội nghị, từ cấp trưởng đoàn đàm phán cấp chuyên viên, cấp chuyên gia cho đến cấp Bộ trưởng đều qua trực tuyến. Tất cả đều không đơn giản và dễ dàng để giải quyết những vấn đề mang tính kỹ thuật, phải đảm bảo cân bằng về lợi ích và tìm ra được điểm hài hòa chung với các nước. Chưa kể, có những tác động từ bên ngoài cũng ảnh hưởng đến thống nhất chung trong ASEAN. Việt Nam với vai trò Chủ tịch ASEAN và ASEAN với vai trò trung tâm đối với các đối tác, đang làm rất tốt nhiệm vụ này.
Năm 2020 chứng kiến thời khắc lịch sử, khi ASEAN lần đầu tiên, với vai trò trung tâm của mình, đã ký thành công Hiệp định thương mại tự do RCEP với 5 nước đối tác Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc và New Zealand. Và chúng ta vẫn khẳng định vai trò rất quan trọng của Ấn Độ với hợp tác trong RCEP cũng như của khu vực; luôn luôn tôn trọng và mong muốn Ấn Độ sẽ tiếp tục gia nhập chung với các nước trong Hiệp định này. Đồng thời, tiếp tục bảo lưu những điều kiện và kết quả đã đạt được có sự thể hiện và đóng góp của Ấn Độ cho quá trình đàm phán RCEP và quá trình đàm phán song phương với các nước.
Chúng ta rất tin tưởng, nếu như trong tương lai Ấn Độ quay trở lại với Hiệp định RCEP thì đây sẽ là những đóng góp hết sức to lớn cho sự ổn định, hòa bình và thịnh vượng chung của khu vực dựa trên nền tảng của một hiệp định thương mại tự do rất có ý nghĩa như RCEP.
Bộ trưởng có thể đánh giá sơ bộ về Hiệp định RCEP, ý nghĩa và tác động mang lại đối với Việt Nam và ASEAN?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh:
Đầu tiên, phải khẳng định, đây là một khu vực thương mại và kinh tế tự do trên nền tảng thương mại tự do được hình thành với quy mô lớn, bao gồm 15 nền kinh tế có trình độ phát triển và nền kinh tế ở mức khác nhau, cơ cấu kinh tế mang tính bổ sung cho nhau. Tôi cho rằng đây là cơ hội rất thuận lợi cho tất cả các nước tham gia Hiệp định cũng như doanh nghiệp của các nước trong hiệp định để cơ cấu lại, định vị lại các chuỗi cung ứng và tham gia vào chuỗi giá trị trên phạm vi toàn cầu.
Bởi vì phạm vi quy mô của khu vực này đủ lớn để tất cả doanh nghiệp của các nước, kể cả doanh nghiệp lớn cho đến doanh nghiệp vừa và nhỏ và đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa có cơ hội tính toán, xây dựng lại chiến lược của mình để tham gia vào chuỗi cung ứng này. Điều này cũng phù hợp với bối cảnh chung của thế giới. Đó là do tác động của bảo hộ mậu dịch ở mức độ phạm vi thì việc định hình lại các chuỗi cung ứng đang được đẩy nhanh và tổ chức rất quyết liệt. Chính vì vậy, cơ hội chung cho Việt Nam với góc độ là một nước có nền kinh tế mở và đã trở thành nước xuất khẩu đứng thứ 25 của thế giới, đó là sẽ định hình lại và có thể khai thác tốt hơn nữa các vị thế mới, từ đó xây dựng vị trí trong bản đồ của các chuỗi cung ứng trên toàn cầu.
Thứ hai là với những điều kiện và yêu cầu rất cụ thể trong hiệp định, chúng ta hoàn toàn yên tâm đó là vấn đề mở cửa thị trường của hàng hóa thương mại, dịch vụ và đầu tư. Chúng ta không có những cam kết đi xa hơn cam kết đã có trong khuôn khổ của các hiệp định thương mại tự do mà ta đã có với các đối tác, nhất là giữa ASEAN với các đối tác. Vì vậy, sức ép cạnh tranh của hàng hóa đối với thị trường nội địa của chúng ta không đặt quá nặng cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Chúng ta hoàn toàn có đủ điều kiện để có thể kiểm soát bằng các chính sách trong việc tiếp tục cải cách và nâng cao năng lực sản xuất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, cũng như của doanh nghiệp để đảm bảo được hiệu quả trong việc tham gia hiệp định này.
Thứ ba, mục tiêu và nền tảng chính của hiệp định này nó chính là dựa trên ba yếu tố. Một là tiếp tục là tạo ra hài hòa về các thủ tục xuất xứ. Hai là tiếp tục là thuận lợi hóa và tự do hóa thương mại. Ba là tiếp tục là tạo những môi trường thuận lợi để kết nối các nền kinh tế kiến tạo cơ hội cho tăng cường năng lực sản xuất để thực hiện được cái quan điểm xây dựng ASEAN trở thành một khu vực kinh tế đông nhất, duy nhất trong khía cạnh sản xuất và thị trường. Điều đó khẳng định được vai trò trung tâm của ASEAN và trong vai trò trung tâm của ASEAN hiện nay, Việt Nam đang có một vị thế, một vai trò có ảnh hưởng lớn. Cùng với các hiệp định thương mại tự do khác, nhất là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, Hiệp định RCEP chắc chắn sẽ tiếp tục thúc đẩy những cải cách của chúng ta theo hướng tiến bộ và tích cực hơn nữa. Từ đó môi trường đầu tư, kinh doanh và đặc biệt dựa trên nền tảng của thể chế sẽ tiếp tục được cải cách và hoàn thiện. Như vậy, những động lực mới để thúc đẩy cho phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là năng lực cạnh tranh và hiệu quả của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia chung vào hội nhập cũng như khuôn khổ hiệp định này sẽ được nâng cao và đảm bảo.
Đặc biệt, đây cũng là thiên thời, địa lợi nhân hòa, khi thời điểm thế giới đang định vị tổ chức lại các chuỗi cung ứng và hoạt động đầu tư đang có xu hướng chuyển dịch thì chúng ta đã có được hiệp định. Điều này cho thấy, Việt Nam và các nước ASEAN hoàn toàn có cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt từ các nước trong hiệp định cũng như các nước đối tác khác để có thể nâng cao năng lực công nghệ, năng lực sản xuất, chất lượng lao động, năng suất lao động cũng như năng lực cạnh tranh của quốc gia và của cả khu vực.
Rõ ràng, trong một thế giới đang có rất nhiều biến động như dịch bệnh, thiên tai, bảo hộ mậu dịch, cạnh tranh địa chính trị,… thì ASEAN, với vai trò trung tâm, sẽ càng khẳng định vị thế của mình và có được nền tảng quan trọng, bền vững để bảo vệ hiệu quả những lợi ích của mình, cũng như đảm bảo kết hợp hài hòa những lợi ích kinh tế, thương mại, với những vấn đề liên quan đến ổn định chính trị, chủ quyền, chống khủng bố,… đặc biệt là thịnh vượng và phát triển chung của khu vực và thế giới.
Một điều chúng ta có thể tự hào, đó là Hiệp định RCEP, cùng với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đã hiện thực hóa hai mô hình lý tưởng và ấn tượng cho hình thức hợp tác liên kết thương mại kinh tế của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, khu vực tăng trưởng năng động nhất của thế giới trong giai đoạn hiện nay cũng như tới đây. Việt Nam, hoàn toàn có quyền tự hào khi là một thành viên trong cả 2 Hiệp định này, tiếp tục tin tưởng về những mô hình hội nhập, hợp tác ta đã dẫn dắt và tham gia.
Xin Bộ trưởng cho biết thêm về chuỗi cung ứng mới do RCEP tạo ra?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Rõ ràng, với quy mô lớn và tính đa dạng của thị trường cũng như sự đa dạng của trình độ phát triển nền kinh tế, các doanh nghiệp Việt Nam và các nước RCEP hoàn toàn có đủ điều kiện để tính toán, xây dựng lại những chiến lược kinh doanh của mình và tham gia vào chuỗi cung ứng cho thị trường này.
Việc mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, hài hòa các quy tắc xuất xứ và tiếp tục đơn giản hóa, tạo thuận lợi hóa thương mại thông qua các hoạt động kết nối trong lĩnh vực sản xuất đầu tư… chắc chắn sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xây dựng các mối quan hệ đối tác và tìm kiếm những đối tác để xây dựng nên các thị trường cung ứng tham gia trong lĩnh vực nói trên.
Ví dụ, trong lĩnh vực quy tắc xuất xứ, rõ ràng với những đối tác lớn trong ngành sản xuất của Việt Nam như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, thì các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo như điện tử, may mặc, da giày sẽ có điều kiện thuận lợi để định vị và vận dụng những quy tắc xuất xứ này trên cơ sở đảm bảo được lợi ích tối đa của khu vực doanh nghiệp và các ngành sản xuất của chúng ta trong các chuỗi cung ứng.
Đồng thời, giúp khai thác tốt các thị trường, từ thị trường Trung Quốc, Úc, Nhật Bản,… cho những sản phẩm của công nghiệp điện tử, dệt may, da giày ..v.v.
Tôi cho rằng, đó là những yếu tố mà chúng ta hoàn toàn có thể trông đợi để mở ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng một cách hiệu quả và bền vững.
Với quy mô lớn như vậy, chưa kể đến các khung khổ thương mại và hội nhập khác mà ASEAN đã tham gia, các doanh nghiệp trong và ngoài khu vực chắc chắn sẽ coi ASEAN và Việt Nam là địa điểm lý tưởng để đầu tư. Chính vì vậy, những ngành công nghiệp nói chung cũng như các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng sẽ có điều kiện để thu hút nguồn đầu tư rất quan trọng, không chỉ bằng tín dụng, nguồn lực mà bằng cả công nghệ và công nghệ cao.
Bên cạnh đó, RCEP sẽ tiếp tục tạo ra điều kiện để nâng cao năng lực và chất lượng của nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao với những cam kết và điều kiện thuận lợi cho di chuyển thể nhân. Như vậy, năng suất lao động gắn với chất lượng, kỹ năng của đội ngũ lao động Việt Nam và các nước trong ASEAN cũng sẽ có điều kiện nâng cao, cải thiện trong thời gian tới.
Đặc biệt, với những trụ cột quan trọng trong nền kinh tế ASEAN và nội dung của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN đến năm 2025, các đề án của ASEAN về việc tiếp tục khai thác cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ góp phần hình thành và nâng cao hiệu quả của những chuỗi cung ứng mà Việt Nam và ASEAN có quyền trông đợi.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!