Theo góc độ, quan điểm của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Hiệp định RCEP sẽ đem lại lợi ích kinh tế cho Việt Nam trên những khía cạnh nào, thưa ông?
Ký kết Hiệp định RCEP có ý rất lớn trong bối cảnh hiện nay, mở ra những cơ hội mới cho nền kinh tế cũng như DN trong một sân chơi kinh tế rộng lớn. Với các cam kết về mở cửa thị trường ở lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và hài hòa hóa quy tắc xuất xứ, tăng cường các biện pháp tạo thuận lợi thương mại RCEP sẽ tạo cơ hội để phát triển các chuỗi cung ứng toàn cầu mới, thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định lâu dài cho hàng hoá Việt Nam.
Đặc biệt, thời điểm ký Hiệp định RCEP cũng chính là giai đoạn thế giới đang định vị tổ chức lại các chuỗi cung ứng và hoạt động đầu tư, Việt Nam là một trong ít quốc gia có nhiều yếu tố thuận lợi trong xu hướng chuyển dịch này.
Hiệp định RCEP đang mở rộng cơ hội cho hàng hóa Việt Nam |
Đáng kể, đó là các nhà đàm phán Việt Nam đã thành công trong việc đảm bảo các thoả thuận trong Hiệp định RCEP không có những cam kết đi xa hơn các cam kết trong khuôn khổ của các Hiệp định thương mại tự do đã có với các đối tác, nên về mặt kỹ thuật đã giảm thiểu áp lực cạnh tranh mới của hàng hóa đối với thị trường nội địa, cho DN. Vì vậy, đây chính là điều kiện thuận lợi để Việt Nam tiếp tục thực hiện các cải cách, nâng cao năng lực công nghệ, năng lực sản xuất, chất lượng lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, qua đó khai thác hiệu quả của Hiệp định RCEP.
Tuy nhiên, sự chênh lệch về kinh tế giữa các thành viên của Hiệp định RCEP theo ông sẽ gây ra khó khăn, thách thức ra sao đối với DN Việt Nam?
Có thể thấy, bên cạnh những cơ hội, Hiệp định RCEP cũng đặt ra nhiều thách thức đối với các DN trong nước. Mặc dù các nhà đàm phán Việt Nam về cơ bản đã hạn chế tối đa áp lực cạnh tranh mới với thị trường nội địa và các DN Việt Nam, song đối với một số ngành xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam như da giày, dệt may… không thể tránh khỏi thách thức do phụ thuộc phần lớn nguồn nguyên liệu nhập khẩu cũng như cam kết giảm thuế đối với hàng hóa Trung Quốc. Các DN Việt Nam buộc phải cạnh tranh trong nước với một số hàng hóa nhập khẩu có giá thành thấp hơn, có chuỗi cung ứng lớn hơn và lâu đời hơn từ Trung Quốc.
Ngoài ra, với một số thị trường truyền thống như Nhật Bản, hàng hoá của chúng ta cũng sẽ phải cạnh tranh quyết liệt hơn với hàng hoá của Trung Quốc ít nhất là trên phương diện giá. Mặt khác, vấn đề cạnh tranh lại được đặt ra trong bối cảnh giảm cầu tiêu dùng với hầu hết các nước trên thế giới, vì thế nó sẽ càng quyết liệt hơn. Tuy nhiên, chúng ta cũng có một số lợi thế nhất định như việc phòng chống đại dịch Covid-19 thành công và ngoại giao hòa bình nên sẽ có thiện cảm từ phía người tiêu dùng.
TS. Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch thường trực, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) |
Vậy, doanh nghiệp cần làm gì để tránh rơi vào tình trạng bất lợi “ngay trên chính sân nhà”, thưa ông?
Ngay từ bây giờ các DN cần đánh giá tác động dài hạn của Hiệp định RCEP trên con đường phục hồi hoạt động kinh doanh, từ đó đặt ra các kế hoạch cho tương lai. Các DN có thể xem xét các mối quan hệ thương mại hiện tại, xác định khoảng trống, tiềm năng lớn nhất để tạo các mối quan hệ mới và khai thác một số thị trường tiêu dùng phát triển nhanh nhất.
Ngoài ra, các DN cũng cần xem xét các chuỗi cung ứng hiện tại, trong khu vực hoặc toàn cầu để đánh giá tác động của Hiệp định RCEP lên mô hình kinh doanh trong tương lai. Điều này không chỉ quan trọng đối với DN có trụ sở tại các thị trường thành viên mà còn đối với bất kỳ DN nào kinh doanh trong khu vực, kể cả thị trường nội địa.
Theo đó, các DN cần chú trọng nhiều hơn đến thương mại điện tử, thanh toán điện tử và coi trọng an toàn môi trường, sản xuất sạch ở chuẩn cao. Đồng thời, nghiên cứu, tìm hiểu kỹ và rõ tác động về thuế quan đến từng nhóm hàng hóa, dịch vụ của mình để đưa ra những chiến lược kinh doanh phù hợp và khai thác triệt để các lợi thế cạnh tranh.
Chúng ta cũng cần phải hiểu là mặc dù Hiệp định RCEP về nguyên tắc luật chơi sẽ diễn ra bình đẳng trên cùng một sân chơi, tất cả các bên tham gia đều có mong muốn cùng thắng theo triết lý kinh doanh “win-win”. Nhưng quy luật “mạnh được yếu thua” trong cạnh tranh là không thể tránh khỏi và phần thắng luôn thuộc về sản phẩm, dịch vụ có năng lực cạnh tranh cao hơn.
Trước những thách thức đặt ra, để DN có thể tận dụng hiệu quả Hiệp định RCEP, Chính phủ, Bộ, ngành đặc biệt là Bộ Công Thương cần vào cuộc như thế nào nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hàng hóa Việt Nam không bị thua thiệt?
Đây là vấn đề rất lớn, đã được Chính phủ, các bộ ngành và đặc biệt là Bộ Công Thương tính toán, cân nhắc rất kỹ lưỡng từ thể chế cho đến các chính sách, biện pháp, hỗ trợ và bảo vệ DN trong thương mại quốc tế. Vì thế, tôi chỉ muốn đề cập đến mong muốn của đại đa số cộng đồng DN nhỏ và vừa thống nhất đó là khả năng phản ứng chính sách của Chính phủ, các bộ ngành phải nhanh hơn trong từng quy trình, từ ý tưởng, đến thiết kế và triển khai thực hiện.
Trong đó, cần đặc biệt quan tâm đến những giải pháp như: Thúc đẩy tiêu dùng nội địa để khu vực thị trường trong nước trở thành nền móng quan trọng cho các DN Việt Nam; đồng bộ các giải pháp tài chính tiền tệ, đặc biệt là phải giảm được lãi xuất cho vay trung và dài hạn.
Riêng với Bộ Công Thương, cần phải có các chương trình tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ các DN các kiến thức cơ bản nhất khi tham gia Hiệp định RCEP, có những chương trình tư vấn khuyến khích giúp các DN đa dạng khả năng tìm kiếm, tiếp cận với nguồn cung ứng nguyên liệu nhập khẩu để giảm bớt đi sự phụ thuộc vào bất cứ một quốc gia nhập khẩu nào.
Xin cảm ơn ông!