Xuất nhập khẩu hàng hoá 8 tháng đạt 511,11 tỷ USD, tăng 16,7%
Xuất nhập khẩu tiếp tục tăng mạnh
Số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tháng 8, kim ngạch xuất nhập khẩuhàng hóa sơ bộ đạt 70,65 tỷ USD, tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 8 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 511,11 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 15,8%; nhập khẩu tăng 17,7%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 19,07 tỷ USD.
Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 73,88 tỷ USD, tăng 21%, chiếm 27,9% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 191,21 tỷ USD, tăng 13,9%, chiếm 72,1%.
Ở chiều xuất khẩu, 8 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 265,09 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước
Trong 8 tháng năm 2024 có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,3% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 62,6%).
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu tám tháng năm 2024, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản đạt 2,92 tỷ USD, chiếm 1,1%; nhóm hàng công nghiệp chế biến đạt 233,33 tỷ USD, chiếm 88%; nhóm hàng nông sản, lâm sản đạt 22,53 tỷ USD, chiếm 8,5%; nhóm hàng thủy sản đạt 6,31 tỷ USD, chiếm 2,4%.
Ở chiều ngược lại, 8 tháng năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 246,02 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 89,58 tỷ USD, tăng 19,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 156,44 tỷ USD, tăng 16,5%.
Trong 8 tháng năm 2024, có 38 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 90,8% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 2 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 40,7%).
Kết quả xuất nhập khẩu 8 tháng qua đã giúp tháng 8 sơ bộ xuất siêu 4,53 tỷ USD. Tính chung 8 tháng năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa sơ bộ xuất siêu 19,07 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 19,9 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 15,7 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 34,77 tỷ USD.
Xuất nhập khẩu hàng hoá tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế (Ảnh: Cấn Dũng) |
Xuất nhập khẩu tiếp tục duy trì kim ngạch đáng ghi nhận khi nhiều nhóm hàng xuất khẩu chủ lực đều duy trì tăng trưởng 2 con số.
Dệt may là nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta với kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc đang hồi phục tốt. Chỉ tính trong trong 7 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu hàng may mặc của cả nước tăng 4,87% so với cùng kỳ năm 2023.
Đáng chú ý, xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ lần đầu tiên sau nhiều tháng đã hồi phục nhẹ so với thời điểm trước dịch Covid-19. Đây là tín hiệu tích cực đối với hoạt động xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ nói riêng và xuất khẩu hàng dệt may nói chung của Việt Nam.
Theo ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, hầu hết các doanh nghiệp ngành may đã có đủ đơn hàng sản xuất tới hết quý IV/2024 - mùa cao điểm cho các đơn hàng dịp Noel và Tết. Dự báo, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam năm 2024 tăng từ 8-10% so với năm 2023.
Theo khảo sát mới đây của Hiệp hội Thời trang Hoa Kỳ (USFIA) về lợi thế cạnh tranh giữa các quốc gia xuất khẩu hàng dệt may vào Hoa Kỳ cho thấy Việt Nam có tổng điểm số cao hơn Trung Quốc và Bangladesh khi các doanh nghiệp đang có xu hướng chuyển đổi nhà cung cấp khỏi Trung Quốc. Vì vậy, trong dài hạn, thị phần của ngành dệt may Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục mở rộng tại thị trường này.
Bộ Công Thương cho hay, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang có lợi thế hơn nhờ vị trí địa lý, hệ thống cảng lớn, khả năng sản xuất đa dạng các sản phẩm giá trị cao như áo vest, áo khoác mùa đông, đồ bơi… với mẫu mã phong phú, giao hàng nhanh. Tuy nhiên, trong dài hạn, nếu các nước bắt kịp khả năng sản xuất thì ngành dệt may Việt Nam sẽ đối mặt nhiều thách thức.
Để tránh khả năng này, các doanh nghiệp cần tập trung đẩy mạnh đầu tư công nghệ, tối ưu hóa quy trình sản xuất và cung ứng cũng như tham gia sâu vào chuỗi giá trị OBM (sản xuất dưới thương hiệu gốc) hoặc ODM (sản xuất theo thiết kế gốc) để tạo lợi thế cạnh tranh bền vững so với các nước khác.
Đối với nhóm hàng nông lâm thuỷ sản, trong 8 tháng năm 2024, xuất khẩu nông lâm thuỷ sản đạt 40,08 tỷ USD, ngược lại nhập khẩu đạt 28,28 tỷ USD. Với kết quả này, ngành nông lâm ngư nghiệp xuất siêu 11,8 tỷ USD, tăng 68,4% so với cùng kỳ năm trước…
Đáng chú ý, mặt hàng rau quả tiếp tục tăng trưởng ấn tượng, với kim ngạch xuất khẩu trong tháng 8/2024 đạt 750 triệu USD, tăng 29% so với tháng trước và tăng 52,8% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là một trong những tháng có giá trị xuất khẩu rau quả cao nhất năm do rơi vào giai đoạn cao điểm thu hoạch sầu riêng tại Tây Nguyên.
Lũy kế 8 tháng năm 2024, xuất khẩu rau quả ước đạt 4,63 tỷ USD, tăng 30,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất của ngành hàng trái cây Việt Nam, với kim ngạch 2,93 tỷ USD, chiếm tới 64% trong tổng thị phần xuất khẩu rau quả của Việt Nam.
Trong 8 tháng của năm 2024, giá xuất khẩu bình quân nhiều mặt hàng nông, lâm sản tăng cao so với cùng kỳ năm trước, như: Gạo 625 USD/tấn, tăng 14,8%; cà phê 3.805 USD/tấn, tăng 54,5%; cao su 1.567 USD/tấn, tăng 16,6%; hạt tiêu 4.810 USD/tấn, tăng 47%; chè 1.756 USD/tấn, tăng 2,2%...".
Dự báo nào cho xuất nhập khẩu năm 2024?
Nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của thị trường thế giới gia tăng, đồng nghĩa với doanh nghiệp trong nước đang có nhiều thêm các đơn hàng xuất khẩu. Xuất nhập khẩu hàng hóa từ đầu năm đến nay tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế chung của Việt Nam.
Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ cao hơn trong năm 2024, nhờ sự phục hồi xuất khẩu các mặt hàng chế tạo chế biến, du lịch, tiêu dùng và tiêu dùng. Cụ thể, kinh tế Việt Nam dự báo tăng trưởng 6,1% trong năm 2024, 6,5% trong 2 năm 2025 và 2026, cao hơn so với mức 5% năm 2023, cho thấy khả năng chống chịu của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh thách thức ngày càng gia tăng trên toàn cầu. Trong bối cảnh nhu cầu thị trường vẫn cao, đây sẽ là cơ hội cho xuất khẩu hàng hoá cuối năm.
Chia sẻ về điểm sáng trong hoạt động xuất nhập khẩu thời gian qua, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế cho biết, điểm tích cực là cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Những con số tích cực về tổng trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước thời gian qua cho thấy, các doanh nghiệp trong nước đang rất cố gắng đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu. Từ đó tăng khả năng tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, cũng như định hướng các mặt hàng của nước ta trên thị trường thế giới.
Với những nỗ lực của doanh nghiệp và sự hỗ trợ của Nhà nước, các giải pháp đẩy mạnh xuất nhập khẩu của Bộ Công Thương, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, có khả năng đạt và thậm chí vượt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6% trong năm 2024.
Thời gian tới, chuyên gia cho rằng, Bộ Công Thương cần tiếp tục triển khai các giải pháp thông tin sớm về thị trường, đồng thời, bảo vệ cho hàng hoá xuất khẩu bằng việc tăng cường cảnh báo sớm các giải pháp phòng vệ thương mại.
Năm 2022 được xem là năm lập kỷ lục về xuất nhập khẩu, vượt 732 tỷ USD, trong đó xuất khẩu lần đầu tiên vượt 371 tỷ USD. Còn 2023, chịu tác động của kinh tế, thương mại toàn cầu suy giảm, xuất nhập khẩu đạt 681,1 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 354,7 tỷ USD, nhập khẩu đạt 326,4 tỷ USD.
Với tình hình đơn hàng hiện tại và nhìn vào tốc độ tăng tốc nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, xuất nhập khẩu có nhiều khả năng về đích vượt xa kỷ lục của năm 2022.
This browser does not support the video element.