Xuất khẩu tôm trước cơ hội trở mình
Xuất khẩu tôm phục hồi
Sau thời gian đối diện với tình hình ảm đạm, hoạt động xuất khẩu tôm của Việt Nam đang dần hồi phục với lượng đơn đặt hàng từ các nhà nhập khẩu tăng trở lại. Bên cạnh đó, các hợp đồng với giá trị lớn cũng được ký kết, chủ yếu từ các nhà nhập khẩu từ Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc và Hàn Quốc.
Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần thực phẩm Sao Ta, xuất khẩu tôm với xu thế phục hồi có thể thấy rõ trong tháng 7/2023 khi doanh số của Công ty Sao Ta đạt 21,3 triệu USD, tương đương cùng kỳ năm trước, nhưng tăng 18% so với tháng 6/2023.
“Trong quý 3 này, các doanh nghiệp thủy sản trên đà tăng tốc với hy vọng sẽ bù đắp phần nào hụt hẫng thời gian qua về doanh số tiêu thụ. Tuy nhiên, doanh số tiêu thụ tăng chỉ là một tín hiệu tốt nhưng chưa hẳn bền vững”, ông Hồ Quốc Lực nhận định.
Ông Trương Đình Hoè - Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, dựa vào sự tiêu thụ của các thị trường, cũng như các điều kiện văn hóa lễ hội của các quốc gia, thì Mỹ và Trung Quốc là hi vọng cho tôm Việt trong những tháng cuối năm 2023.
Hiện nay, các kho lạnh ở Mỹ, châu Âu vơi dần. Các nhà nhập khẩu, bán lẻ, bán buôn của Mỹ sẽ bắt đầu xem xét việc tăng nhập hàng trở lại. Điều này sẽ thúc đẩy giá tôm cao hơn, và có vẻ như giá tôm hiện đã ở đáy. Mức tiêu thụ tôm cho các lễ hội cuối năm cũng dự kiến tăng. Nguồn cung tàu container đang ở trạng thái thuận lợi.
Xuất khẩu tôm tìm cách tăng khả năng cạnh tranh |
Với thị trường Trung Quốc, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc nửa đầu năm nay đạt 239 triệu USD, giảm 19% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, từ tháng 6, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc ghi nhận tăng so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 19% đạt 59 triệu USD.
Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam nhận định, có 3 yếu tố tích cực tác động đến xuất khẩu tôm: Một là hàng tồn kho tại các thị trường nhập khẩu giảm do lạm phát hạ nhiệt; Hai là nhu cầu đặt hàng tăng nhằm phục vụ mùa lễ hội cuối năm và cuối cùng là nguồn cung ổn định khi các nước như Ecuador, Malaysia… kết thúc thu hoạch tôm chính vụ.
Trước tín hiệu tích cực từ thị trường, khả năng cung ứng ổn định của doanh nghiệp, Vasep dự báo, tuy không đạt kim ngạch như năm trước, nhưng xuất khẩu tôm năm nay có thể đạt trên 3 tỷ USD, về bằng mức trước dịch.
Hóa giải điểm nghẽn giá thành cao
Mặc dù thị trường xuất hiện những tín hiệu tích cực, tuy nhiên thực tế nhu cầu thị trường, giá tôm nguyên liệu và giá xuất khẩu đều đi xuống, lạm phát tăng, cạnh tranh mạnh với các nguồn cung đối thủ khiến xuất khẩu tôm của nước ta tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn.
Theo đánh giá của các chuyên gia ngành hàng tôm, con tôm Ecuador bán 1,2 USD/kg đã thu được lợi nhuận, trong khi đó, con tôm của Việt Nam bán ra với giá 5 USD/kg mới thu được lợi nhuận. Điều này khiến tôm Việt Nam giảm sức cạnh tranh so với các nước khác.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn thuỷ sản Minh Phú cho biết, tỷ lệ nuôi tôm thành công của Việt Nam hiện chỉ đạt khoảng 30% (thấp hơn rất nhiều so với các đối thủ cạnh tranh đến từ Ấn Độ và Ecuador), làm giá thành nuôi tôm Việt Nam cao gấp đôi so với Ecuador và hơn 30% so với Ấn Độ, khiến tôm Việt Nam khó cạnh tranh được so với đối thủ.
Theo ông Quang, khi tỷ lệ nuôi tôm thành công được nâng lên, thì câu chuyện người nông dân tiếp cận giá thức ăn với chi phí cao sẽ được hoá giải. Bởi lẽ, hiện nông dân không có đảm bảo trả được tiền mua thiếu thức ăn, trong khi rủi ro nuôi tôm rất lớn nên phải mua qua trung gian, khiến giá bán đẩy lên rất cao.
“Đại lý thức ăn họ cũng dự phòng khả năng có lấy được tiền bán hàng hay không nên giá mới bị đẩy lên 30.000-40.000 đồng/kg, cao hơn rất nhiều so với giá chúng tôi tiếp cận”, ông Quang lý giải.
Ông Trương Đình Hoè, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) thừa nhận, một trong những vấn đề lớn của ngành tôm Việt Nam nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng hiện nay, đó là giá thành sản xuất tôm nguyên liệu cao vì tỷ lệ nuôi thành công thấp, chỉ khoảng 40%.
“Rõ ràng, chúng ta phải tìm ra nguyên nhân từ đâu, có thể từ con giống kém chất lượng làm tỷ lệ nuôi thành công giảm sút rất nhiều, khiến người nuôi phải “nuôi đi nuôi lại” nhiều lần mới có được nguyên liệu phục vụ cho xuất khẩu”, ông Hòe cho biết.
Giá thành thức ăn hiện nay cũng là vấn đề cần được tập trung giải quyết để làm sao người nuôi có thể tiếp cận được với một mức giá hợp lý hơn, thay vì phải chịu chi phí rất lớn từ hệ thống lưu thông, khiến nuôi tôm không đạt hiệu quả như mong muốn.
Rõ ràng, khi giá thức ăn nuôi tôm được kéo giảm, tức chi phí sản xuất sẽ giảm. Khi đó, khả năng cạnh tranh của ngành tôm Việt Nam sẽ tốt hơn, đặc biệt là khi trình độ chế biến sâu của các doanh nghiệp tôm Việt Nam vốn đã rất tốt.
“Về cạnh tranh, rõ ràng Việt Nam đang là quốc gia có lợi thế về sản phẩm giá trị gia tăng, trong khi đối thủ vẫn đang tập trung vào các sản phẩm mang tính chất là sản phẩm thô, cho nên, chúng ta vẫn bán được, dù giá cao hơn”, ông Hòe giải thích.
Ông Hoè cũng dẫn chứng, trong tổng số 5,5 tỉ USD sản phẩm tôm chế biến được các nước trên thế giới nhập khẩu, thì riêng Việt Nam đã chiếm đến 1,5 tỉ USD, cao nhất trong các nước xuất khẩu lớn hiện nay như: Ecuador, Ấn Độ, Trung Quốc. “Điều đó cho thấy, trình độ chế biến của Việt Nam đã đáp ứng được. Tuy nhiên, bên cạnh tối ưu về lợi thế chế biến, thì Việt Nam cần phải tính đến câu chuyện giảm giá thành trong dài hạn nhằm duy trì được sức cạnh tranh cho ngành tôm.
Khi các “nút thắt” trong ngành được giải quyết, thì con tôm Việt Nam sẽ từng bước khẳng định được vị thế. Qua đó, sẽ “chinh phục” được các thị trường và đạt mục tiêu xuất khẩu 10 tỉ USD trong tương lai.