Xuất khẩu tôm: Điểm sáng của ngành thủy sản Lo ngại nguy cơ thiếu nguyên liệu thủy sản cuối năm |
Xuất khẩu tăng trưởng 2 con số
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tính đến hết tháng 7/2021, XK tôm đạt 2,1 tỷ USD, tăng 14% và tôm chiếm 44% tổng giá trị XK thủy sản của Việt Nam. Trong đó, XK tôm chân trắng chiếm đa số (81%) với 1,7 tỷ USD, tăng 23%, tôm sú chiếm 15% với 325 triệu USD, giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, nhờ ưu đãi thuế quan theo các FTA, XK tôm sang nhiều thị trường vẫn giữ mức tăng trưởng cao. Cụ thể, trong 7 tháng đầu năm nay, XK tôm Việt Nam sang các thị trường và khối thị trường chính như CPTPP, EVFTA, Mỹ… đều tăng 2 con số từ 15% đến 34%.
Xuất khẩu tôm tăng trưởng cao ở các thị trường FTA |
Theo VASEP, CPTPP là khối thị trường XK lớn nhất của các doanh nghiệp (DN) tôm Việt Nam. 7 tháng đầu năm nay, giá trị XK tôm sang khối này đạt gần 582 triệu USD, tăng 15%, chiếm 27% tổng giá trị XK tôm. Trong đó, Nhật Bản là thị trường nhập khẩu (NK) tôm và sản phẩm tôm sú nói riêng lớn nhất với tổng giá trị XK đạt 350,4 triệu USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2020 và quý I/2021, XK tôm Việt Nam sang Nhật Bản không tăng do tăng trưởng kinh tế tại Nhật Bản không ổn định lại thêm ảnh hưởng xấu từ làn sóng Covid-19. Sau quý I/2021, XK tôm Việt Nam sang Nhật Bản bắt đầu tăng mặc dù tốc độ tăng chưa cao. Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 diễn ra vào tháng 7/2021 tại Nhật Bản cũng giúp thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ thủy sản trong đó có tôm.
Đáng chú ý, trong 7 tháng đầu năm 2021, XK tôm sang thị trường Australia tăng mạnh 75%, đạt 106,3 triệu USD. Riêng tháng 7/2021, giá trị XK tôm sang thị trường này đạt 17,6 triệu USD, tăng 48%.
Đối với EU, 7 tháng đầu năm nay, XK tôm Việt Nam sang thị trường này đạt hơn 320 triệu USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trị XK tôm sang 3 thị trường NK chính trong khối gồm Đức, Hà Lan và Bỉ đều ghi nhận mức tăng trưởng 2 con số.
Mỹ là thị trường NK đơn lẻ lớn nhất của tôm Việt Nam. Nhu cầu NK tôm của Mỹ từ Việt Nam khá ổn định kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Tôm Việt Nam trên thị trường Mỹ ngày càng cạnh tranh tốt hơn khi Ấn Độ (nguồn cung tôm lớn nhất của Mỹ) gặp nhiều rào cản do dịch bệnh Covid-19 gây ra. 7 tháng đầu năm nay, XK tôm Việt Nam sang Mỹ đạt 584,6 triệu USD, tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mặc dù tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc giảm cộng với ảnh hưởng của Covid-19 nhưng XK tôm Việt Nam sang các thị trường này vẫn tăng nhẹ 2,5%. Nga mặc dù không phải là thị trường NK lớn, nhưng XK tôm Việt Nam tiếp tục ghi nhận các mức tăng trưởng ấn tượng đến 87% tại thị trường này. Trung Quốc là thị trường NK tôm chính duy nhất của Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng âm 19%.
Rất cần ổn định nuôi tôm để đủ nguyên liệu
Tại thị trường Mỹ, sau khi triển khai tiêm vắc xin trên diện rộng và có các gói kích thích kinh tế sau đại dịch, Mỹ mở cửa trở lại với tất cả các hoạt động kinh tế, sản xuất, dịch vụ, nhà hàng, du lịch, trường học… Nhờ đó, sau một thời gian dài bị hạn chế, nhu cầu tiêu thụ thủy sản trong đó có tôm tăng mạnh không chỉ ở phân khúc bán lẻ mà cả lĩnh vực dịch vụ, nhà hàng.
Trong khi đó, đối với thị trường EU, quý II/2021, các cửa hàng dịch vụ thực phẩm tại EU đã bắt đầu mở cửa trở lại khi các ca nhiễm Covid-19 tiếp tục giảm và việc tiêm phòng được triển khai. Nhu cầu tiêu thụ tôm mùa hè tại EU tăng, lượng tôm dự trữ đang ở mức thấp, cùng với FTA với EU sẽ là cơ hội cho các nhà XK tôm Việt Nam sang thị trường này trong thời gian tới.
Thị trường đang đón nhận tín hiệu tốt từ nhiều nhà NK. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, hoạt động nuôi tôm vụ hai có vẻ trầm lắng. Dự báo quý IV/2021, nguyên liệu tôm sẽ bị thiếu trầm trọng và giá tiêu thụ sẽ phục hồi mạnh, nhất là tôm cỡ lớn. Do vậy, việc đảm bảo ổn định hoạt động nuôi tôm là rất cần thiết.
Sau thời gian giãn cách kể từ giữa tháng 7, ngày 16/8, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép 19 tỉnh thành phía Nam được tự áp dụng phương án kiểm soát phù hợp nên DN tại một số tỉnh như Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu được giảm bớt áp lực hoạt động “3 tại chỗ” và có thể gia tăng tốc độ sản xuất để bù lại thiếu hụt trong thời gian giãn cách.
Dù thị trường xuất khẩu đang thuận lợi nhưng tốc độ tăng trưởng trong 7 tháng đầu năm sẽ khó có thể duy trì trong những tháng cuối năm do ảnh hưởng của lệnh giãn cách, chi phí sản xuất tăng. XK tôm trong tháng 8 vẫn tăng so với cùng kỳ tuy nhiên tốc độ tăng trưởng giảm. Kim ngạch XK tôm những tháng cuối năm nay phụ thuộc nhiều vào tốc độ và khả năng kiểm soát dịch bệnh.
Mới đây, VASEP đã có Công văn số 99/CV-VASEP gửi tới Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư góp ý Dự thảo Nghị quyết hỗ trợ DN trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
VASEP cho rằng, mục tiêu trong Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ DN trong bối cảnh đại dịch Covid-19 là: sớm kiểm soát được đại dịch Covid-19 để khôi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian sớm nhất vẫn còn chưa đủ và chung chung. Với ngành thuỷ sản, nếu không khôi phục vào tháng 9/2021 thì sẽ có nhiều hậu quả gãy đổ chuỗi, không còn hoặc còn rất ít cơ hội để phục hồi.
Do đó, VASEP đề xuất trong mục tiêu cần có thời gian để nỗ lực khôi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian sớm nhất và không muộn hơn 15/9/2021. Theo đó, VASEP kiến nghị giảm 30% tiền điện cho các DN chế biến, nuôi trồng thuỷ sản giai đoạn 6 tháng cuối năm 2021. Bảo hiểm xã hội cũng cần “chung lưng” trả lương cho người lao động. Dừng thu phí, điều chỉnh giảm phí hạ tầng cửa khẩu, cảng biển, khu công nghiệp. Về các chi phí sản xuất, VASEP đề nghị giảm ít nhất 50% phí hạ tầng của các khu công nghiệp từ tháng 8/2021 đến hết tháng 6/2022.