Xuất khẩu thủy sản tăng nhờ “đòn bẩy” của các FTA
Xuất khẩu tăng ngay từ đầu năm
Thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 2 tháng đầu năm nay xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã đạt trên 1 tỷ USD, tăng nhẹ 2,2% so với cùng kỳ 2020. Đáng chú ý, trong tháng 1/2021 xuất khẩu thủy sản đã tăng mạnh tới 23,4% với kim ngạch đạt 606 triệu USD.
Xuất khẩu thủy sản khả quan ngay từ đầu năm |
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 2 tháng đầu năm nay, mặt hàng cá tra, cá biển, cá ngừ và tôm chân trắng đã có sự tăng trưởng mạnh; đồng thời xuất khẩu sang một số thị trường chủ lực như Mỹ, Nhật Bản, Australia, Mexico, Đài Loan, Brazil… đã tăng mạnh.
Qua quan sát tình hình thị trường trong thời gian gần đây, VASEP đánh giá, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tiếp tục bị chi phối bởi xu hướng tiêu thụ của thị trường trong bối cảnh dịch Covid-19 nghiêm trọng. Theo đó, nhu cầu của thị trường hiện vẫn nghiêng về các sản phẩm thủy sản có giá vừa phải, dễ chế biến, có thời hạn bảo quản lâu, phù hợp với chế biến và tiêu thụ tại nhà. Những sản phẩm này gồm tôm chân trắng cỡ nhỏ, chả cá, cá biển cắt khúc, cá cơm khô, mực khô, cơm khô… Trong khi đó xuất khẩu các sản phẩm tôm nguyên con đông lạnh, nhất là tôm sú giảm do yếu tố giá cao và do sự kiểm soát chặt hàng thực phẩm đông lạnh nhập khẩu của thị trường Trung Quốc.
Cũng theo VASEP, xuất khẩu cá tra sau khi sụt giảm liên tục trong năm 2020, đầu năm nay đã có dấu hiệu tăng trở lại. Cụ thể, xuất khẩu trong tháng 1/2021 đã tăng 22% với kim ngạch đạt 125 triệu USD và đạt 90 triệu USD trong tháng 2/2021, đưa kết quả 2 tháng lên 214 triệu USD, tăng 1,7% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu cá tra phi lê đông lạnh và cá tra nguyên con đã có sự bứt phá mạnh bởi ngoài thị trường Trung Quốc và EU giảm thì mặt hàng này có chiều hướng phục hồi mạnh ở tất cả các thị trường. Số liệu từ VASEP cho thấy, xuất khẩu cá tra sang Mỹ trong tháng 1/2021 đã tăng tới 51% so với cùng kỳ, còn ở các thị trường khác tăng từ 37-129%.
Đòn bẩy từ các FTA
Có thể thấy, xuất khẩu thủy sản đang có chiều hướng khả quan hơn so với năm 2020. Đây là tác động tích cực từ các FTA như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) cũng như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Cụ thể, theo đại diện VASEP, chỉ tính riêng với CPTPP, trong tháng 1/2021 các doanh nghiệp thủy sản đã xuất khẩu nhiều đơn hàng với giá trị cao như Công ty cổ phần Thủy sản Minh Phú Hậu Giang xuất 160 tấn tôm đông lạnh sang Mỹ, châu Âu và Nhật Bản; Công ty cổ phần Chế biến xuất nhập khẩu thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (Baseafood) xuất khẩu lô hàng đầu tiên gồm 8 container hàng thủy sản với tổng trị giá 700.000 USD sang Canada, Mỹ, Australia. Từ đó đưa xuất khẩu thủy sản sang khối này trong tháng 1/2021 tăng 34% so với cùng kỳ, trong đó sang Australia tăng 105%, Nhật Bản tăng 25%, Mexico tăng 68%...
Tương tự, với thị trường Anh, ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký VASEP khẳng định, FTA Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) sẽ mở thêm cơ hội cho thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này. Theo đó, Anh đã nằm trong top 10 thị trường nhập khẩu thủy sản của Việt Nam với kim ngạch tăng liên tục. Còn trong tháng 1 năm nay, Bộ Công Thương cho biết, hiệu ứng của UKVFTA đã giúp xuất khẩu thủy sản sang thị trường này đạt đạt 19,72 triệu USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Ong Hàng Văn - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Trường Giang - chia sẻ, xác định các FTA sẽ là động lực thúc đẩy cho xuất khẩu thủy sản nên trong năm nay công ty sẽ đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường mà Việt Nam có FTA, cụ thể là thị trường RCEP để tận dụng lợi thế về thuế quan.
Ngoài ra ông Văn cũng kỳ vọng việc các nước đưa vaccine vào tiêm cho người dân sẽ giúp kiểm soát tốt dịch bệnh, từ đó việc đi lại thông thoáng, giao thương dễ dàng hơn, kéo theo xuất khẩu thủy sản nói chung, cá tra nói riêng sẽ phục hồi tốt hơn trong những tháng tới.