Thứ bảy 23/11/2024 09:00

Xuất khẩu thủy sản dự báo có thể cán mốc 10 tỷ USD trong năm 2022

Dự báo xuất khẩu thủy sản năm 2022 có thể cán mốc 10 tỷ USD, trong đó, các Hiệp định thương mại tự do góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành thủy sản.

Xuất khẩu tôm, cá tra đều tăng trưởng ở mức 2 con số

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), tính đến hết tháng 5/2022 các nhà máy chế biến cá tra Việt Nam đều đã nỗ lực chạy hết công suất chế biến, tổng giá trị xuất khẩu đạt 1,21 tỷ USD, tăng gần 90% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về thị trường, tính đến hết tháng 5/2022, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc – Hồng Kông đạt hơn 317 triệu USD, tăng 124% so với cùng kỳ năm trước. Giá cá tra phile xuất khẩu trung bình sang Trung Quốc dao động từ 3,15 - 3,25 USD/kg, cao hơn 0,5 USD/kg so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu thủy sản dự báo có thể cán mốc 10 tỷ USD trong năm 2022

Tương tự, tại thị trường Hoa Kỳ, 5 tháng đầu năm nay, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này đạt 310 triệu USD, tăng 131%. Đáng chú ý, giữa tháng 5/2022, Cơ quan Thanh tra và An toàn Thực phẩm Hoa Kỳ (FSIS) - Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã ra thông báo công nhận thêm 6 nhà máy chế biến cá tra Việt Nam được phép chế biến, xuất khẩu sản phẩm cá tra sang thị trường Hoa Kỳ nâng tổng số nhà máy được công nhận lên con số 19.

Theo số liệu thống kê mới nhất của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), tới cuối tháng 4/2022, giá cá tra đông lạnh nhập khẩu của Hoa Kỳ từ Việt Nam đã lập thêm đỉnh mới đạt gần 5 USD/kg, cao hơn so với cùng kỳ năm trước gần 2 USD/kg. Đây là mức giá tăng mạnh chưa từng có trong 3 năm trở lại đây.

Tính đến hết tháng 5/2022, CPTPP là khối thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam (sau Trung Quốc - Hồng Kông và Hoa Kỳ). Nhu cầu nhập khẩu cá tra từ các nước trong khối liên tục tăng trưởng trong 5 tháng liên tiếp với giá trị đạt 146,5 triệu USD, tăng 64% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu cá tra đông lạnh sang Mexico, Canada, Australia và Nhật Bản trong 5 tháng đầu năm nay tiếp tục tăng trưởng khả quan.

Ngoài ba thị trường xuất khẩu lớn trên, 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cá tra sang EU, Thái Lan, Brazil, Anh, Colombia, Ai Cập vẫn tăng trưởng tốt. Tổng giá trị xuất khẩu sang EU đạt 88,6 triệu USD, tăng 89%; sang Thái Lan tăng 85%; Brazil tăng 51%...

Giá xuất khẩu tốt, ổn định, giá nguyên liệu trong nước giảm nhẹ dao động 31.500 - 32.000 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg. Dự báo giá cá thương phẩm trung bình trong thời gian tới vẫn giữ ổn định do nhu cầu nhiều thị trường xuất khẩu vẫn lớn.

Tôm là một trong những mặt hàng xuất khẩu thủy sản chủ lực. Tháng 5/2022, kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 457 triệu USD, tăng 31% so với tháng 5/2021. Lũy kế 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 1,9 tỷ USD, tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái. Tháng 5 năm nay, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hoa Kỳ chững lại trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc bật tăng.

Theo thống kê của VASEP, tính đến giữa quý II/2022, xuất khẩu thủy sản đã đạt gần 4 tỷ USD, tăng trưởng hơn 44% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, mặt hàng tôm và cá tra có mức tăng trưởng cao. Nhiều thị trường xuất khẩu lớn có sự tăng trưởng ấn tượng. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy ngành thủy sản đang dần phục hồi sau đại dịch Covid-19 và tăng trưởng xuất khẩu trở lại.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký VASEP, sự tăng trưởng này là do sự mở cửa trở lại của hầu hết các thị trường xuất khẩu (trừ Trung Quốc). Nhiều doanh nghiệp đã ký kết được các hợp đồng từ cuối năm 2021 đã thúc đẩy giá xuất khẩu tăng. Bên cạnh đó, lợi thế về thuế quan từ các Hiệp định thương mại tự do đã góp phần tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Với tốc độ tăng trưởng và bối cảnh cung – cầu hiện nay, dự báo xuất khẩu thủy sản năm 2022 sẽ đạt 9,5 – 10 tỷ USD.

Tận dụng cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do

Bên cạnh những mặt thuận lợi, theo các chuyên gia, xuất khẩu thủy sản những tháng cuối năm vẫn còn nhiều thách thức. Cụ thể, sự khan hiếm nguồn nguyên liệu không đảm bảo cho thị trường xuất khẩu, sự gia tăng cước phí tàu biển và các chi phí đầu vào tăng. Đáng chú ý, tại các thị trường lớn đang tiếp tục tăng cường kiểm soát các yếu tố an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc….

Việt Nam hiện đang xuất khẩu thủy sản sang hơn 160 thị trường trên thế giới. Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho ngành thủy sản. Trong đó, lợi thế có được từ việc cắt giảm thuế quan sẽ giúp tăng sức cạnh tranh cho thủy sản Việt Nam.

Tận dụng tối đa lợi thế về thuế từ các FTA, Chính phủ Việt Nam đang tăng cường mở rộng các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Vương quốc Anh (UKVFTA).

Hiện, xuất khẩu thủy sản sang các nước thành viên Hiệp định RCEP chiếm trên 63% thị phần xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Theo các chuyên gia, Hiệp định RCEP giúp doanh nghiệp có thể đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng thủy sản vào thị trường các nước thành viên, đặc biệt là khi xuất khẩu sang thị trường các đối tác thương mại hàng đầu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… nhờ quy tắc xuất xứ được nới lỏng. Để tận dụng được cơ hội thị trường, các doanh nghiệp thủy sản cần phải tìm hiểu thật kỹ quy tắc xuất xứ, đặc biệt là quy tắc xuất xứ cộng gộp nội khối. Đồng thời, cần đáp ứng tốt các quy định về biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động - thực vật (SPS) và rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT) của các nước nhập khẩu.

Đối với thị trường Anh, Hiệp định UKVFTA có hiệu lực từ cuối năm 2020 với những ưu đãi về thuế quan cũng đang tạo lợi thế cạnh tranh cho thủy sản Việt Nam so với các đối thủ khác. Để khai thác thị trường Anh, đặc biệt là tận dụng cơ hội từ Hiệp định UKVFTA, VASEP khuyến nghị, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cũng như người nuôi trồng thủy sản cần tự giác thực hiện nghiêm túc và tuân thủ chặt chẽ các quy định về truy xuất nguồn gốc.

Bên cạnh đó, cần kiểm soát tốt vấn đề về kiểm dịch thủy sản, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong toàn bộ chuỗi bảo quản, chế biến để có sản phẩm hàng hóa thủy sản xuất khẩu chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu. Ngoài ra, cần nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, chú ý đến vấn đề phát triển bền vững, đặc biệt là các nguyên tắc, tiêu chuẩn về lao động, về bảo vệ môi trường.

Các FTA thế hệ mới như RCEP, EVFTA, UKVFTA… chắc chắn sẽ tạo ra một thị trường tiêu thụ mới, nhưng rất lớn cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của thủy sản Việt Nam.
Nguyễn Hạnh
Bài viết cùng chủ đề: Cạnh tranh

Tin cùng chuyên mục

Củng cố quan hệ chính trị, tạo đột phá thương mại giữa Việt Nam - Brazil và các đối tác

RCEP thúc đẩy mạnh mẽ giao thương ASEAN - Trung Quốc

Nhiều chuyên gia quốc tế lạc quan về Hiệp định RCEP trong thời gian tới

4 năm ký kết Hiệp định RCEP: Cánh cửa mới mở ra cho doanh nghiệp Việt

Mỹ: Ngành công nghiệp ô tô thay đổi ra sao sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống

Hãng thông tấn Nhà nước UAE có bài nêu bật ý nghĩa chiến lược của Hiệp định CEPA

Báo chí trong nước đưa tin đậm nét mốc lịch sử Việt Nam và UAE ký kết Hiệp định CEPA

Chính phủ ban hành biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định VIFTA

Lâm Đồng: Tập huấn hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn thông tin về hội nhập quốc tế

Miền Trung - Tây Nguyên tăng cường thực thi các hiệp định thương mại tự do

Các FTA đã giúp hàng hóa Việt Nam đi sâu vào thị trường lớn trên thế giới

5 nút thắt của ngành da giày trong tận dụng hiệu quả các FTA

RCEP: Hơi thở mới cho tăng trưởng kinh tế châu Á

Những lưu ý về phòng vệ thương mại trong Hiệp định EVFTA và các FTA thế hệ mới

Đào tạo chuyên gia về Hiệp định EVFTA và các FTA thế hệ mới

Đẩy mạnh thông tin đối ngoại, hội nhập quốc tế nâng cao vị thế, uy tín của Bộ Công Thương

Thực thi FTA thúc đẩy các thành tựu cải cách kinh tế của Việt Nam

Xây dựng Hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp da giày tận dụng tốt hơn EVFTA

Hiệp định EVFTA hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

Xây dựng hệ sinh thái, tận dụng các FTA để thúc đẩy xuất khẩu da giày