Chuyên gia 'hiến kế' để FTA Index giúp doanh nghiệp, địa phương hội nhập hiệu quả FTA Index - động lực để Hà Nội thúc đẩy tăng trưởng thương mại, đầu tư |
Thời gian qua, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA… đã mang lại cho Việt Nam những cơ hội quan trọng để tăng trưởng kinh tế, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, hiệu quả thực thi và tận dụng các FTA tại các địa phương vẫn còn không đồng đều, đặt ra yêu cầu cấp thiết về các giải pháp mới, đặc biệt là việc xây dựng và triển khai Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các FTA (FTA Index).
FTA Index, do Bộ Công Thương xây dựng từ năm 2022, được kỳ vọng sẽ trở thành công cụ giúp đo lường và thúc đẩy hiệu quả thực hiện FTA, góp phần cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.
![]() |
FTA Index: Động lực đổi mới để hội nhập hiệu quả. Ảnh minh hoạ: An Đăng/TTXVN |
Thước đo mới nâng tầm hội nhập và cạnh tranh
FTA Index được xem như một bộ công cụ đo lường toàn diện, phản ánh không chỉ mức độ thực thi các hiệp định thương mại mà còn đánh giá khả năng tận dụng các cam kết từ doanh nghiệp và chính quyền địa phương.
Thời gian qua, việc ký kết và thực thi các FTA thế hệ mới đã mang lại nhiều lợi ích cho kinh tế Việt Nam. Theo ông Nguyễn Minh Khôi, chuyên gia tại Viện Tony Blair vì sự thay đổi toàn cầu (TBI), tỷ lệ tận dụng FTA của Việt Nam đã tăng từ 33% năm 2023 lên hơn 37% năm 2024, phản ánh sự tiến bộ trong thực thi hiệp định. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, sự đồng đều trong khai thác lợi ích từ các FTA vẫn là vấn đề nan giải, nhất là ở cấp địa phương.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), chiếm phần lớn số lượng doanh nghiệp tại Việt Nam, thường gặp khó khăn trong việc nắm bắt và tận dụng cơ hội từ các FTA do thiếu thông tin, năng lực cạnh tranh và kỹ năng chuyên môn. Đây là lý do Bộ chỉ số FTA Index ra đời, nhằm cung cấp cái nhìn rõ ràng hơn về thực trạng thực thi hiệp định, từ đó đề xuất các giải pháp cải thiện.
Theo TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, FTA Index không chỉ là một công cụ đánh giá mà còn là động lực để các bên liên quan tự cải thiện và đổi mới. Bộ chỉ số này giúp địa phương soi chiếu thực trạng, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình thành công và nhận diện rõ điểm mạnh, điểm yếu của mình.
Ông Thành cho rằng, FTA Index không đơn thuần dừng lại ở việc đo lường mà còn mở ra cơ hội thúc đẩy cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh. Đặc biệt, chỉ số này hỗ trợ chính quyền trung ương, địa phương và doanh nghiệp nhận diện rõ hơn khoảng cách giữa thực trạng và mục tiêu mong muốn, từ đó định hướng các nguồn lực một cách hiệu quả.
Đòn bẩy hội nhập và tăng trưởng Việt Nam
Việc xây dựng FTA Index đòi hỏi phải đảm bảo tính khoa học, chính xác và phù hợp với bối cảnh Việt Nam. TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh rằng phương pháp đo lường phải đáng tin cậy, có ý nghĩa thực tiễn và có khả năng kiểm soát được sự khác biệt giữa các địa phương. Các công cụ kinh tế lượng sẽ được sử dụng để đánh giá tác động và hướng đến việc phân bổ nguồn lực tối ưu.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Minh Khôi khẳng định, tính pháp lý của FTA Index cũng được chú trọng để đảm bảo phù hợp với hệ thống pháp luật Việt Nam. Quá trình xây dựng chỉ số này đã tham vấn ý kiến từ các chuyên gia trong và ngoài nước, đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu pháp lý.
Theo ông Nguyễn Minh Khôi, để FTA Index thực sự phát huy hiệu quả, cần có thêm các nghiên cứu tình huống cụ thể ở cấp địa phương, nhằm xác định rõ những khó khăn thực tiễn mà doanh nghiệp đang gặp phải. Các bài học từ các địa phương thành công cũng cần được nhân rộng, tạo động lực thúc đẩy cải cách đồng bộ trên cả nước.
FTA Index không chỉ đơn thuần là một công cụ đánh giá mà còn mang ý nghĩa động lực, khuyến khích các địa phương và doanh nghiệp vươn lên dẫn đầu trong hội nhập quốc tế. Ông Võ Trí Thành khẳng định, mục tiêu cuối cùng của chỉ số này là đảm bảo các chính sách hội nhập mang lại giá trị thiết thực cho người dân và doanh nghiệp.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy biến động, việc triển khai FTA Index cũng là cách để Việt Nam tăng cường khả năng chống chịu, giảm rủi ro và tận dụng tối đa cơ hội từ các FTA. TS. Thành nhấn mạnh, chỉ khi các bên liên quan đồng lòng, từ chính quyền trung ương, địa phương đến cộng đồng doanh nghiệp, FTA Index mới thực sự trở thành đòn bẩy đưa kinh tế Việt Nam vươn xa hơn nữa.
FTA Index là minh chứng rõ ràng cho nỗ lực không ngừng của Việt Nam trong việc hiện thực hóa cam kết hội nhập quốc tế, đồng thời thúc đẩy phát triển bền vững và toàn diện. Với sự vào cuộc đồng bộ từ chính phủ, doanh nghiệp và các địa phương, bộ chỉ số này không chỉ là thước đo mà còn là động lực để Việt Nam tiến xa hơn trong hành trình hội nhập, nâng cao vị thế trên trường quốc tế.