Xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc: Những lưu ý về xu hướng thị trường
Sầu riêng Việt tăng hạng tại thị trường Trung Quốc
Số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, tính đến hết tháng 5, /chu-de/xuat-khau-sau-rieng.topic các loại của Việt Nam đã thu về gần 920 triệu USD, tăng 74,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, Trung Quốc chiếm đến hơn 93% tổng xuất khẩu với kim ngạch đạt 857,8 triệu USD, tăng 78,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Sầu riêng tiếp tục dẫn đầu kim ngạch trong nhóm rau quả xuất khẩu. Hiện kim ngạch sầu riêng gấp 3,5 lần so với thanh long, loại quả từng giữ vị trí hàng đầu trong nhóm rau quả xuất khẩu.
Ước tính, trong nửa đầu năm 2024, xuất khẩu sầu riêng thu về 1,5 tỷ USD |
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, Trung Quốc vẫn tăng mua sầu riêng Việt Nam đều đặn. Ước tính trong tháng 6, lượng sầu riêng xuất khẩu đạt 600 triệu USD, nâng tổng kim ngạch 6 tháng đầu năm lên 1,5 tỷ USD.
Còn theo số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, nước này đã nhập khẩu 582.624 tấn sầu riêng tươi trong 5 tháng đầu năm với trị giá gần 2,9 tỷ USD, tăng 8,7% về lượng và 7,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Đáng chú ý, nhập khẩu từ Thái Lan, nguồn cung sầu riêng lớn nhất cho Trung Quốc giảm 2,5% xuống còn 2,2 tỷ USD. Ngược lại, nhập khẩu từ Việt Nam tăng 61% lên mức 661,1 triệu USD. Với kết quả này, Việt Nam tiếp tục đứng thứ hai về xuất khẩu sầu riêng tươi vào Trung Quốc với thị phần chiếm 23% so với mức 15% của cùng kỳ năm ngoái.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), sầu riêng Việt Nam được đánh giá là có lợi thế sản lượng dồi dào, thu hoạch rải vụ quanh năm, đặc biệt khi vào vụ không bị cạnh tranh với sầu riêng Thái Lan. Ngoài ra, một lợi thế của sầu riêng Việt Nam khi xuất khẩu sang Trung Quốc là thời gian vận chuyển nhanh và giá thành cạnh tranh. Đây là những yếu tố giúp cho sầu riêng Việt Nam tạo được bước tiến lớn tại thị trường Trung Quốc chỉ sau chưa đầy 2 năm được mở cửa tại thị trường này.
Và những lưu ý về xu hướng thị trường
Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất của các nước ASEAN. Theo số liệu hải quan Trung Quốc năm 2023, Trung Quốc đã nhập khẩu 928.976 tấn sầu riêng tươi từ Thái Lan, 493.183 tấn từ Việt Nam và 3.763 tấn từ Philippines, tổng cộng 1.425.922 tấn.
Dự báo nhu cầu sầu riêng tại thị trường Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trong tương lai, nhờ vào sự yêu thích ngày càng lớn từ người tiêu dùng. Mặc dù không có con số cụ thể về lượng tiêu thụ sầu riêng hàng năm của người dân Trung Quốc, nhưng có thể thấy sầu riêng rất được ưa chuộng, đặc biệt ở các thành phố lớn như: Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu.
Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cho biết, dự kiến trong năm nay, Việt Nam và Trung Quốc sẽ ký Nghị định thư mới về xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, chanh leo và ớt, tiếp tục mở rộng con đường xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc.
Hiệp hội Rau quả Việt Nam cũng dự báo kim ngạch xuất khẩu rau quả trong năm nay có thể đạt 7 - 7,5 tỷ USD, nếu như có thêm mặt hàng sầu riêng đông lạnh hoặc dừa tươi tham gia theo các thoả thuận đàm phán hiện nay của Việt Nam với Trung Quốc.
Tại Hội nghị Sầu riêng châu Á lần thứ 2 tại Johor Bahru, Malaysia cuối tháng 6/2024, chuyên gia nông nghiệp Thái Lan Sakda Sinives – cho hay, do chỉ 30 - 35% quả sầu riêng có thể ăn được và 65 - 70% là chất thải, các nhà xuất khẩu sang Trung Quốc phải chịu chi phí vận chuyển lượng chất thải này.
Do đó, chỉ xuất khẩu phần thịt sầu riêng sang Trung Quốc có thể giảm đáng kể chi phí vận chuyển và lãng phí, tăng lợi nhuận và giá trị xuất khẩu. Cùng với đó, hành vi tiêu dùng của thế hệ trẻ, với các hộ gia đình nhỏ hơn và nhịp sống nhanh hơn, sẽ làm tăng nhu cầu về sự tiện lợi của sản phẩm. Bán thịt sầu riêng cắt sẵn hoặc đông lạnh phù hợp với người tiêu dùng hiện đại, hỗ trợ hoạt động bán hàng trực tuyến và dịch vụ hậu cần hiệu quả. Người tiêu dùng có thể mua theo số lượng và sở thích mong muốn, giảm rủi ro mua phải sầu riêng nguyên quả không rõ chất lượng thịt.
Tham tán Thương mại Việt Nam tại Trung Quốc Nông Đức Lai cho biết, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam có nhiều cơ hội để vào sâu thị trường tỷ dân, bởi, trong bối cảnh phí vận tải tàu biển tăng cao, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã và đang tìm kiếm nguồn cung nhập khẩu tại các khu vực lân cận, thay thế các doanh nghiệp châu Âu.
Đưa ra khuyến nghị cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc, ông Nông Đức Lai cho hay, đây là thị trường rất rộng, thị trường rộng, mỗi địa phương là một thị trường riêng, nhu cầu lớn và yêu cầu riêng nên doanh nghiệp, địa phương nên cung cấp thông tin cụ thể để thương vụ nghiên cứu xem thị trường nào là phù hợp.
“Các sản phẩm và thực phẩm chế biến sẵn đang là một ngành hàng rất tiềm năng tại Trung Quốc và sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam khai thác”, ông Nông Đức Lai nhấn mạnh.
Chuyên gia nông nghiệp Thái Lan Sakda Sinives cho rằng, định hướng thị trường sầu riêng cắt tươi tại Trung Quốc và trên toàn cầu là xu hướng đầy hứa hẹn trong tương lai, chịu ảnh hưởng của cơ chế thị trường và sở thích của người tiêu dùng, đặc biệt là Chính phủ Trung Quốc.
Trung Quốc nhận thức được vấn đề lãng phí từ vỏ sầu riêng, nhưng lợi ích đối với các cơ quan hữu quan giữa sầu riêng tươi và sầu riêng cắt sẵn là khác nhau. Nhập khẩu sầu riêng cắt sẵn làm thay đổi danh mục nhập khẩu từ nông sản sang thực phẩm, ảnh hưởng đến nguồn thu và thương mại hải quan, cũng như các vấn đề liên quan đến kiểm dịch thực vật. Sự thay đổi này là tất yếu và thời điểm của nó phụ thuộc vào các điều kiện nói trên.