Xuất khẩu rau quả ghi nhận kỷ lục mới
Điểm sáng thị trường Trung Quốc
/chu-de/cuc-xuat-nhap-khau.topic (Bộ Công Thương) dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam liên tục ghi nhận mức cao kỷ lục mới. Cụ thể, tháng 9/2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 917,25 triệu USD, tăng 8,7% so với tháng trước và tăng 37,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả của nước ta đạt 5,64 tỷ USD, tăng 33,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sầu riêng Việt Nam “hút hàng” tại thị trường Trung Quốc. (Ảnh: N.H) |
Đạt được kết quả trên phần lớn nhờ sự đóng góp của việc xuất khẩu trái sầu riêng sang thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, còn có sự đóng góp của các loại trái cây rau củ chủ lực như chuối, mít, xoài, dưa hấu, chanh, chanh leo, các loại hạt…
Tháng 9/2024 so với tháng 8/2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc và Canada tăng (tỷ trọng chiếm 78% tổng kim ngạch xuất khẩu trong tháng 9/2024) đã tác động tích cực lên toàn ngành. Ngược lại, kim ngạch xuất khẩu rau quả của nước ta sang hầu hết các thị trường tiềm năng giảm. Điều này cho thấy, ngành hàng rau quả của Việt Nam đang có dấu hiệu phụ thuộc nhiều vào thị trường xuất khẩu truyền thống Trung Quốc.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang hầu hết các thị trường lớn tăng trưởng khả quan, ngoại trừ Hà Lan. Như vậy, trong 9 tháng đầu năm 2024, ngành hàng rau quả của Việt Nam nỗ lực khai thác tốt nhiều thị trường tiềm năng khác như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất…
Dự báo tiếp tục tăng trưởng trong những tháng cuối năm
Dự báo, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng trong các tháng cuối năm nhờ yếu tố mùa vụ. Bên cạnh đó, rau quả của Việt Nam đang ngày càng khẳng định được vị thế tại các thị trường như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc…
Đặc biệt, người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng ưa chuộng sầu riêng, chuối, vải, nhãn, mít, xoài, dưa hấu của Việt Nam, nhờ chất lượng và hương vị đặc trưng của trái cây nhiệt đới.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - nhận định, Trung Quốc sắp bước vào mùa đông, nên cây trái, rau quả nhiều sẽ thu hoạch kém. Trong khi tại Việt Nam, mùa đông lại là mùa khô nên thuận lợi để trồng rau quả, từ đó sản lượng nhiều. Ngoài ra, Việt Nam có kết nối về đường bộ, đường biển, đường sắt với thị trường Trung Quốc, tạo thuận lợi giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, thời gian vận chuyển.
Còn theo ông Nguyễn Quang Hiếu - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trái cây Việt Nam có tiềm năng rất lớn tại thị trường Trung Quốc. Điểm mạnh của chúng ta là chất lượng và hương vị đặc trưng của trái cây nhiệt đới, được trồng trong điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng đặc thù của Việt Nam. Nhiều loại trái cây như sầu riêng, xoài, thanh long, vải, nhãn, chuối... được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng từ lâu.
Tuy nhiên, chúng ta cần khắc phục điểm yếu về chất lượng chưa đồng đều cũng như sản lượng chưa ổn định để đáp ứng nhu cầu của các nhà nhập khẩu và phân phối lớn ở Trung Quốc. Chúng ta cần đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch thương mại để phát triển bền vững và nâng cao giá trị xuất khẩu.
Theo các chuyên gia, hiện trái cây của Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh khá lớn tại thị trường xuất khẩu. Điển hình là thị trường Trung Quốc, nhiều loại trái cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam phía Trung Quốc đang tự phát triển diện tích khá nhanh.
Sau 10 năm, diện tích trồng thanh long của Trung Quốc đã vượt Việt Nam. Đối với trái sầu riêng, Trung Quốc đang thử nghiệm trồng 2.700 ha tại đảo Hải Nam và tìm cách tự chủ nguồn cung từ các nơi có khí hậu thuận lợi.
Trung Quốc liên tục duy trì là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam hiện cũng là đối tác thương mại lớn nhất trong ASEAN và thứ 5 thế giới của Trung Quốc; về cung cấp trái cây và sản phẩm từ trái cây, Việt Nam là đối tác lớn thứ 3 thế giới của Trung Quốc (sau Thái Lan và Chile) với nhiều sản phẩm đã có chỗ đứng vững chắc và được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng.
Đặc biệt, những năm gần đây, với sự hợp tác của các cơ quan chức năng và sự nỗ lực của doanh nghiệp hai nước, ngày càng có nhiều trái cây Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Để gia tăng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, /chu-de/cuc-xuat-nhap-khau.topic khuyến nghị, ngành hàng rau quả cần phải tạo ra và mang đến những giá trị thực sự của trái cây Việt Nam tới người tiêu dùng Trung Quốc. Chất lượng sản phẩm, hương vị đặc trưng và sự an toàn vệ sinh thực phẩm chính là những giá trị cốt lõi cần tập trung phát triển và duy trì. Khi người tiêu dùng Trung Quốc nhận thức được những giá trị này, họ sẽ trở thành những khách hàng bền vững, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển lâu dài của ngành trái cây Việt Nam.