Hiệp hội chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, 3 tháng trở lại đây, xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam sang ASEAN không ổn định. Sau sự sụt giảm trong tháng 7, xuất khẩu sang thị trường này đã phục hồi trong tháng 8 nhưng rồi lại giảm trong tháng 9.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 9 xuất khẩu mực, bạch tuộc sang ASEAN chỉ đạt 7 triệu USD, giảm 0,7% so với cùng kỳ. Nhưng do sự tăng trưởng tốt trong những tháng trước đó, nên tổng giá trị xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm vẫn tăng 15%, đạt gần 61 triệu USD.
Tính đến hết tháng 8, Thái Lan tăng nhập khẩu mực, bạch tuộc, trong đó phần lớn là từ các nước châu Á. Cũng theo số liệu thống kê của Hải quan Thái Lan, 8 tháng đầu năm 2018, Thái Lan đã nhập khẩu gần 15 nghìn tấn các sản phẩm mực, bạch tuộc, trị giá 68 triệu USD, tăng 44% về khối lượng và 29% về giá trị.
Vasep cho biết, hiện Trung Quốc, Việt Nam, Campuchia, Myanmar và Nhật Bản là các nguồn cung mực bạch tuộc chính cho thị trường Thái Lan. Việt Nam đang là nguồn cung mực, bạch tuộc lớn thứ 2 cho thị trường Thái Lan theo khối lượng, sau Trung Quốc.
Trong 8 tháng đầu năm 2018, Trung Quốc đã xuất khẩu hơn 7 nghìn tấn mực, bạch tuộc sang cho Thái Lan, nhiều hơn 1,4 lần khối lượng của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này. Tuy nhiên, do giá trung bình xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam sang Thái Lan trong 8 tháng đầu năm cao hơn so với Trung Quốc, nên tính về giá trị Việt Nam đang là nước đứng đầu. Nếu xu hướng xuất khẩu của doanh nghiệp sang Thái Lan tiếp tục được đẩy mạnh thì đây sẽ là thị trường rất tiềm năng, dù có sự cạnh tranh của Trung Quốc.