Thứ tư 01/01/2025 10:49

Xuất khẩu hàng hóa đón tin vui đầu năm

Phát huy kết quả của năm 2021, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa đã và đang đón nhận những tin vui ngay từ đầu năm 2022.

Nhiều tin vui

Duy trì ở mức cao, giá cà phê xuất khẩu trên các sàn giao dịch lớn của thế giới như London, New York liên tục khởi sắc ngay trong những ngày đầu năm mới, giúp giá cà phê tại thị trường trong nước tiếp tục duy trì ổn định, giao dịch quanh ngưỡng 39.900 - 40.500 đồng/kg. Trong tuần qua, thị trường cà phê trong nước tăng thêm 700 đồng/kg dù trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022.

Theo ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa), cà phê là một trong 6 mặt hàng xuất khẩu trên 3 tỷ USD/năm, sánh vai cùng với các mặt hàng giá trị cao như gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản, hạt điều, gạo, rau, quả, cao su... là những mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu thuộc "top đầu". Năm 2021, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng xuất khẩu cà phê của Việt Nam vẫn mang về trên 3 tỷ USD, đóng góp vào tăng trưởng chung của xuất khẩu hàng hóa Việt Nam.Đáng chú ý, thời gian gần đây, giá cà phê Việt Nam liên tục duy trì ở mức cao, chấm dứt chuỗi đà giảm liên tục trong giai đoạn từ năm 2016 đến đầu năm 2021.

Giữa tháng 1/2022, Công ty CP Tập đoàn Tân Long - một trong những doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn của cả nước - đã khánh thành Nhà máy gạo Hạnh Phúc tại tỉnh An Giang. Là công trình phối hợp với đối tác châu Âu, nhà máy được xây dựng với quy mô lớn nhất châu Á với diện tích 161.000 m2, công suất sấy đạt 4.800 tấn lúa tươi/ngày, hệ thống 80 silo chứa lúa, công suất xay xát chế biến 1.600 tấn/ngày (lúa khô), nâng tổng công suất gạo thành phẩm đạt 1.000 tấn/ngày. Lúa tươi được sấy và lưu trữ với chất lượng cao, giữ được mùi thơm, hương vị của các giống lúa, nhất là đối với các loại gạo thơm. Dự án thể hiện tầm nhìn và sự quyết tâm của Tân Long trong việc đưa sản phẩm gạo chất lượng chinh phục các thị trường khó tính như EU, Hàn Quốc… cũng như phục vụ tốt hơn thị trường nội địa.

Ở ngành hàng công nghiệp, đầu tháng 2/2022, Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất đã ký hợp đồng xuất khẩu lô thép cuộn cán nóng (HRC) đầu tiên tới Italia với khối lượng 35.000 tấn, thời gian giao hàng dự kiến từ ngày 15 - 20/2/2022. Đơn hàng đầu năm đi châu Âu mở ra thị trường tiêu thụ rộng lớn cho sản phẩm của Tập đoàn Hòa Phát.

Sau năm 2021 với nhiều thành tích đáng ghi nhận, hoạt động xuất khẩu hàng hóa đã "mở hàng" khá suôn sẻ trong tháng đầu tiên của năm 2022 với hầu khắp các ngành hàng từ nông sản đến công nghiệp. Theo Tổng cục Thống kê, tháng 1/2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 29 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Có đến 7 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 63,3% tổng kim ngạch xuất khẩu ngay trong tháng đầu tiên của năm.

Xây dựng thể chế thuận lợi cho xuất khẩu

Năm 2022 được dự báo là năm tiếp tục có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Cụ thể, đại dịch Covid-19 có thể tiếp tục diễn biến phức tạp, kéo dài và phát sinh những biến thể mới. Tăng trưởng kinh tế thế giới chưa vững chắc và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong đó có những tác động của Covid-19 chưa bộc lộ hết. Bên cạnh đó, xu hướng gia tăng các hàng rào bảo hộ thương mại phi thuế quan tại nhiều khu vực thị trường lớn, diễn biến giá cả hàng hóa toàn cầu trở nên khó dự đoán, hay nguy cơ lạm phát, rủi ro tài chính, tiền tệ gia tăng... cũng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu.

Thép cuộn cán nóng của Hòa Phát lần đầu tiên được xuất khẩu tới Italia

Tuy nhiên, đến thời điểm này, các doanh nghiệp đã có sự thích ứng nhất định với những biến đổi của thị trường do dịch bệnh gây ra. Thị trường xuất khẩu dự báo tiếp tục phục hồi khi các nước dần kiểm soát được dịch Covid-19. Các Hiệp định thương mại tự do (FTA) được tận dụng khá tốt… Đây là những tiền đề cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa tăng trưởng thời gian tới.

Để hoạt động xuất nhập khẩu đạt được những kết quả khả quan hơn trong năm 2022, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên lưu ý, năm 2022, hoạt động xây dựng các cơ chế, chính sách xuất nhập khẩu phù hợp với diễn biến tình hình trong và ngoài nước cần tiếp tục được chú trọng. Cơ chế, chính sách xuất nhập khẩu không chỉ theo hướng thúc đẩy xuất khẩu mà cần gắn xuất nhập khẩu với phát triển kinh tế chung của cả nước, thúc đẩy phát triển xuất nhập khẩu bền vững.

Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương để tham mưu điều chỉnh chiến lược ngành hàng, lựa chọn các mặt hàng có thế mạnh của địa phương để đưa vào kế hoạch phát triển thương mại và công nghiệp, quy hoạch kinh tế - xã hội của các địa phương nhằm khai thác hiệu quả cơ hội và hạn chế các thách thức trong thực thi cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, đưa các sản phẩm tham gia sâu vào chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu.

Về phía các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, bài toán làm sao duy trì được các thị trường truyền thống, nhưng vẫn mở rộng được các thị trường mới đang được đặt ra cấp thiết. Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam - chia sẻ, Trung Quốc vẫn là thị trường truyền thống của ngành. Do đó, các doanh nghiệp cần quan tâm hơn đến thị trường này bằng cách nghiên cứu sâu hơn về thị trường Trung Quốc để có giải pháp thích ứng phù hợp. Đồng thời, cần đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch, nâng cao năng lực để đáp ứng các quy định mới về nhập khẩu nông sản thực phẩm. Bên cạnh đó, tận dụng lợi thế từ các FTA đã có hiệu lực để đa dạng hóa, chinh phục tốt hơn những thị trường tiềm năng khác như EU, Hàn Quốc, Nhật Bản…n

Năm 2021, trong bối cảnh nhiều khó khăn song xuất khẩu hàng hóa đã đạt 336,3 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020. Năm 2022, cả nước phấn đấu kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6-8%; cán cân thương mại duy trì trạng thái thặng dư.
Bài viết cùng chủ đề: Xuất khẩu hàng hóa

Tin cùng chuyên mục

Lạng Sơn: Năm 2024, xuất nhập khẩu tăng trưởng 27,6%

Công bố 10 sự kiện logistics Việt Nam năm 2024

Số lượng C/O ưu đãi được cấp năm 2024 tăng 18%

Việt Nam đã nhanh chóng gia nhập cuộc đua chế tạo vaccine thú y

Thứ trưởng Phan Thị Thắng: Công tác phát triển thị trường châu Á - châu Phi phải trọng tâm, trọng điểm

Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Công tác quản lý nhà nước về xuất xứ hàng hóa năm 2024

Châu Á - châu Phi tiếp tục là thị trường chiến lược trong hoạt động xuất nhập khẩu

Năm 2025, cần đưa ra mục tiêu, giải pháp trong cả hoạt động nhập khẩu

Xuất khẩu nông sản: Đừng để “vết ố” làm hỏng bức tranh sáng màu!

Bộ Công Thương đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2025 sẽ tăng từ 10-12%

Xuất khẩu cao su sang thị trường Trung Quốc giảm lượng, tăng chất

Giải pháp nào để xuất khẩu hàng hóa tăng thêm 4 tỷ USD/tháng?

Vượt Bangladesh, Việt Nam vươn lên vị trí thứ 2 về xuất khẩu hàng dệt may

Năm 2025, phấn đấu xuất khẩu hàng hoá tăng khoảng 12% so với năm 2024

Xuất khẩu gạo năm 2024 đạt kỷ lục cả về lượng và giá trị

Thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ dự kiến vượt mức 15 tỷ USD

EU tăng tần suất kiểm tra mặt hàng sầu riêng của Việt Nam

Xuất khẩu thủy sản tiếp tục giữ vững vị trí thứ 3 thế giới

Năm 2024: Xuất nhập khẩu cán mốc kỷ lục chưa từng có trong 40 năm

PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng: Dự báo, xuất nhập khẩu năm 2025 sẽ vượt con số 1.000 tỷ USD