Thứ ba 24/12/2024 08:03

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tiếp tục đối mặt với khó khăn

Quý I/2023, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 2,88 tỷ USD, giảm 28,3% so với cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu sẽ tiếp tục đối mặt với sự co giảm của thị trường.

Quý I/2023, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ giảm 2 con số

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, ước tính, trong tháng 3/2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,2 tỷ USD, tăng 36,3% so với tháng 2/2023, nhưng giảm 22,8% so với tháng 3/2022. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 823 triệu USD, tăng 47,7% so với tháng 2/2023, nhưng giảm 30% so với tháng 3/2022.

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tiếp tục đối mặt với sự co giảm của thị trường

Tính chung 3 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 2,88 tỷ USD, giảm 28,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 1,87 tỷ USD, giảm 38,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) nhận định, kinh tế thế giới đối mặt với những khó khăn, thách thức, sức mua trên toàn cầu giảm mạnh, dẫn đến số các đơn hàng của ngành gỗ giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022. Hiện tại, những doanh nghiệp có đơn hàng thì chủ yếu là những đơn hàng nhỏ và chỉ nhận được các đơn hàng tới tháng 6/2023.

“Thông thường đến thời điểm này các doanh nghiệp đã có đơn hàng đồ gỗ ngoài trời (outdoor) và đang chuẩn bị nguyên liệu đến tháng 5, tháng 6 hàng phải làm xong, đến tháng 11 và tháng 12 xuất đi châu Âu để vào mùa hè nhà nhập khẩu bán ra, nhưng đến nay doanh nghiệp vẫn chưa có đơn hàng. Do các nhà nhập khẩu tồn kho còn nhiều, chỉ mặt hàng nào tồn kho xuống thấp khách đặt mới và doanh nghiệp mới có được đơn hàng”, VIFOREST thông tin.

Theo VIFOREST, trong cơ cấu thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, đặc biệt là nhóm hàng đồ nội thất bằng gỗ sang thị trường Hoa Kỳ giảm rất mạnh, do chỉ số nhu cầu nhà ở của Mỹ trong tháng 2/2023 đã giảm 48,1% so với cùng kỳ năm trước, kéo theo nhu cầu nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường này giảm mạnh. Trong khi đó, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu chủ lực đối với ngành gỗ, vì vậy xuất khẩu sang thị trường này giảm mạnh sẽ tác động trực tiếp tới kết quả xuất khẩu chung.

Ông Tô Xuân Phúc – chuyên gia phân tích chính sách Tổ chức Forest Trends - nhận định, trong bối cảnh vĩ mô không xuất hiện nhiều thay đổi, với các yếu tố tác động chính đến cung – cầu tiêu dùng thế giới vẫn đang hiện hữu, lạm phát ở các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Hoa Kỳ và EU vẫn đang ở mức cao. Điều này làm hạn chế chi tiêu đối với các mặt hàng không thiết yếu, bao gồm gỗ và sản phẩm gỗ. Các quốc gia này đang cố gắng để kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên hiện chưa có dấu hiện lạm phát sẽ giảm trong tương lai.

Ngành bất động sản tại các thị trường này đang ở giai đoạn trầm lắng. Khâu xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam phụ thuộc lớn vào hoạt động của ngành này. Hiện chưa có tín hiệu ngành sẽ khởi sắc trong 2023.

Cuộc chiến Nga – Ukraine vẫn đang kéo dài và chưa có dấu hiệu kết thúc. Điều này tiếp tục tác động tiêu cực tới giá cả hàng hóa, làm giảm cầu tiêu dùng nói chung. Với các yếu tố vĩ mô như trên, dự kiến các quý tiếp theo của năm 2023 sẽ không có nhiều biến động. Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sẽ tiếp tục đối mặt với sự co giảm của thị trường.

Mức độ ổn định của 3 thị trường Đông Á quan trọng của ngành gỗ Việt Nam bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cao hơn nhiều so với các thị trường khác như Hoa Kỳ và EU. Tuy nhiên, các mặt hàng xuất khẩu sang 3 thị trường này tương đối hẹp, chỉ dừng lại ở các mặt hàng như dăm gỗ, viên nén, gỗ dán và một số mặt hàng khác.

“Năm 2022, chứng kiến sự tăng trưởng rất mạnh trong xuất khẩu của các mặt hàng này, đặc biệt là dăm gỗ xuất khẩu sang Trung Quốc và viên nén xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản. Tuy nhiên tín hiệu thị trường của những tháng gần đây (năm 2023) cho thấy nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng này đã có dấu hiệu giảm nhiệt”, ông Tô Xuân Phúc đánh giá.

Kỳ vọng sẽ phục hồi trở lại trong nửa cuối năm 2023

Bên cạnh những bức tranh màu xám, các chuyên gia cũng kỳ vọng, trong nửa cuối năm 2023, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tích cực hơn khi các nền kinh tế được cải thiện, du lịch tăng cao khiến nhu cầu thay thế các sản phẩm nội thất tại nhà hàng khách sạn gia tăng; hoạt động xây dựng khởi sắc, kéo nhu cầu về đồ nội thất tăng...

Ông Trần Quang Bảo - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - nhận định, thông qua các hoạt động kết nối, xúc tiến thương mại với các hoạt động hội chợ được tổ chức thời điểm quý I/2023, các doanh nghiệp đã có những đơn hàng từ các thị trường cao cấp như EU, Nhật Bản. Dự kiến, thị trường sẽ phục hồi dần và dự báo khoảng hết quý II/2023 thị trường xuất khẩu sẽ “ấm” trở lại.

Trong bối cảnh này, hiện, nhiều doanh nghiệp không đặt mục tiêu lợi nhuận mà chỉ cần có đơn hàng để giữ lao động và đủ chi phí trang trải cho hoạt động của nhà máy. Mục tiêu của doanh nghiệp trong nửa đầu năm 2023 là hoà vốn, và hy vọng đến quý III, quý IV thị trường sẽ tốt lên, doanh nghiệp vẫn có sẵn lực lượng để sản xuất.

Thời gian này, các nhà máy cũng ưu tiên tái cấu trúc lại dây chuyền sản xuất, đầu tư trang thiết bị để giảm chi phí nhân công. Bên cạnh đó, bắt kịp xu hướng tiêu dùng mới, các doanh nghiệp cũng đa dạng hoá sản phẩm, vẫn lấy gỗ làm nguyên liệu chính nhưng gia tăng sự phối hợp với các loại vật liệu khác như kim loại, đá, kính, vải… để tăng tính thẩm mỹ và ứng dụng theo nhu cầu của khách hàng.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp đã tìm cách chuyển hướng sang tìm khách hàng ở các thị trường khác như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc... nhằm bù đắp mức sụt giảm từ các thị trường chính.

Nguyễn Hạnh
Bài viết cùng chủ đề: Thị trường Hoa Kỳ

Tin cùng chuyên mục

Đà Nẵng: Tập huấn về Hệ thống quản trị thông tin và điều hành xúc tiến thương mại (Vietrade CRM)

Hàng trăm doanh nghiệp tìm cơ hội phát triển tại chuỗi triển lãm IGHE và IBTE 2024

TP. Hồ Chí Minh: Hơn 900 gian hàng tham dự Triển lãm quốc tế Vietbuild Home

Mekong Connect 2024: Hướng đến phát triển bền vững trong bối cảnh cạnh tranh mới

Đà Nẵng: Hỗ trợ doanh nghiệp kỹ năng xúc tiến thương mại sang thị trường RCEP

Ninh Thuận: Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư vào các ngành kinh tế trọng điểm

‘Kéo’ nhà mua hàng quốc tế đến Việt Nam để quảng bá rau, quả

Khai mạc Tuần hàng nông sản, đầu tư kết nối tiêu thụ sản phẩm của tỉnh Tuyên Quang tại Hải Phòng

Khai mạc triển lãm quốc tế chuyên ngành thiết bị làm bánh tại Việt Nam

Khai mạc Tuần lễ kết nối giao thương, giới thiệu sản phẩm ngành lương thực thực phẩm

Quảng bá sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của Hà Nội tại Vĩnh Phúc

Hà Nội: Sắp diễn ra Hội chợ triển lãm sản phẩm công nghiệp nông thôn, sản phẩm OCOP tại huyện Ba Vì

Hiệp định EVFTA: Cơ hội rộng mở để nông sản Việt vào thị trường EU

Xúc tiến, quảng bá nông sản Yên Bái tại Hà Nội

Tăng trưởng xanh và bền vững không chỉ là xu hướng mà trở thành điều kiện tiên quyết

Khai mạc Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2024

Chủ tịch chuỗi gần 150 siêu thị thực phẩm Nhật Bản đến Đà Nẵng tìm nguồn hàng

Sản phẩm OCOP, thủ công mỹ nghệ Việt Nam hút khách châu Âu

Vietnam Grand Sale 2024: Tạo đột phá kích cầu tiêu dùng nội địa, tăng trưởng kinh tế dịp cuối năm

Khai mạc Lễ phát động Chương trình Khuyến mại tập trung quốc gia 2024