Sau thời gian bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch COVID-19 khiến tăng trưởng xuất khẩu giảm, từ tháng Sáu đến nay các doanh nghiệp ngành gỗ đã nỗ lực thích ứng và đạt được tăng trưởng khả quan.
Lội ngược dòng ngoạn mục
Diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên quy mô rộng trong nửa đầu năm 2020 đã khiến hoạt động thương mại toàn cầu bị gián đoạn, doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ lao đao vì nhiều đơn hàng bị hủy hoặc hoãn thời gian giao nhận.
Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 4/2020 chỉ đạt gần 700 triệu USD, giảm gần 19% so với cùng kỳ năm 2019 và tháng 5/2020 chỉ đạt gần 772 triệu USD, giảm hơn 15% so tháng 5/2019.
Tuy nhiên, sang tháng Sáu và tháng Bảy, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã lội ngược dòng thành công và đạt mức tăng trưởng khá cao.
Cụ thể, tháng 6/2020 xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 946,9 triệu USD, tăng 15,6%; trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 769 triệu USD, tăng 29,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Sang tháng Bảy, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tiếp tục tăng trưởng ấn tượng đạt 1,05 tỷ USD, tăng tới 20,7% so với tháng 7/2019; trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 832 triệu USD, tăng 28,8%.
Lũy kế đến hết tháng 7/2020, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 6,09 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 4,44 tỷ USD, tăng 8,5%.
Lý giải điều này, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh (HAWA), cho biết có nhiều lý do dẫn đến sự tăng trưởng của xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong 2 tháng vừa qua. Đầu tiên, dịch COVID-19 khiến người dân nhiều nước phải ở nhà nhiều hơn, nhu cầu mua sắm các mặt hàng tiêu dùng phục vụ trong gia đình; trong đó, có một số sản phẩm đồ nội thất có xu hướng tăng lên.
Thêm vào đó, Trung Quốc vốn là quốc gia chế biến và xuất khẩu gỗ, sản phẩm đồ gỗ lớn nhất thế giới nhưng cũng là nơi dịch COVID-19 khởi phát, lây lan rộng khiến cho hoạt động sản xuất đồ gỗ tại đây bị gián đoạn.
Tương tự, khi dịch COVID-19 lan sang châu Âu cũng làm các quốc gia có ngành chế biến gỗ phát triển tại đây như Đức, Italy... bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Trong khi đó, ngành gỗ Việt Nam tuy bị ảnh hưởng không nhỏ về mặt thương mại nhưng hầu như không bị gián đoạn về sản xuất, không có nhà máy nào bị phong tỏa hay ngừng hoạt động.
Vì vậy, ngành gỗ Việt Nam không những vẫn duy trì được năng lực xuất khẩu mà còn có thể lấp được vào chỗ trống mà một số quốc gia để lại.
Điều này có thể thấy qua việc một số khách hàng đã dịch chuyển đơn hàng từ các quốc gia bị ảnh hưởng nặng do dịch COVID-19 sang Việt Nam.
Nhiều doanh nghiệp cũng chia sẻ những căng thẳng trong quan hệ thương mại Mỹ-Trung khiến các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ gặp khó khăn, trong đó có các sản phẩm đồ gỗ. Quy mô và giá trị xuất khẩu gỗ của Trung Quốc đang cao hơn nhiều so với Việt Nam trên thị trường thế giới nói chung, thị trường Mỹ nói riêng.
Điều này ít nhiều cũng giúp cho ngành gỗ Việt Nam tạo được lợi thế khi xuất khẩu vào Mỹ, chỉ cần ngành gỗ Việt Nam khai thác được một phần khoảng trống mà Trung Quốc để lại thì cũng làm gia tăng đáng kể giá trị xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam.
Một lợi thế khác giúp Việt Nam thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nhập khẩu EU chính là việc Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đã đi vào thực thi từ ngày 1/8/2020. Từ đó, giúp các sản phẩm gỗ Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh về giá cả tại thị trường EU.
Bà Đinh Thị Hương Nga, Giám đốc Hương Nga Fine Arts, thông tin từ khi dịch COVID-19 bùng phát, lây lan việc tìm kiếm khách hàng, đơn hàng trở nên khó khăn. Tuy nhiên, sau khi đẩy mạnh tiếp thị trực tuyến doanh nghiệp lại nhận được nhiều sự quan tâm từ các khách hàng thuộc EU.
Trong khi khách hàng các khu vực khác đang chần chừ, xem xét có vẻ như các khách hàng EU đã chủ động tìm kiếm nguồn cung, đối tác từ Việt Nam và việc chốt hợp đồng cũng nhanh chóng hơn.
"Hai đơn hàng gần đây nhất của Hương Nga Fine Arts đều đến từ khách hàng EU, trong đó một khách hàng cũ và một khách hàng mới. Lý do là từ trước đến nay, các khoản thuế nhập khẩu đồ gỗ vào EU đều do nhà nhập khẩu đóng, khi EVFTA có hiệu lực, nhà nhập khẩu là người được hưởng lợi trực tiếp, do đó họ muốn sớm nhập hàng để giành lợi thế phân phối ra thị trường," bà Đinh Thị Hương Nga cho biết thêm.
Nỗ lực thích nghi của doanh nghiệp
Để có thể đưa kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lội ngược dòng ngoạn mục trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, bên cạnh các lý do khách quan, không thể không nhắc đến những nổ lực thích nghi, tìm hướng đi mới của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ Việt Nam.
Ông Nguyễn Hoài Bảo, Phó Tổng Giám đốc Công ty Scansia Pacific, thông tin giai đoạn dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát và lây lan trên diện rộng các doanh nghiệp ngành gỗ đã đối mặt với rất nhiều khó khăn khi hoạt động thương mại, vận tải bị đình trệ, nhu cầu tiêu dùng của các thị trường lớn giảm đột ngột, nhà nhập khẩu liên tục hủy đơn hàng khiến xuất khẩu sụt giảm.
Tuy nhiên, từ tháng Sáu trở lại đây, nhiều khách hàng đã quay lại giao dịch, đặt hàng; hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp đã từng bước hồi phục và hiện đang tăng trưởng khá tốt.
Ông Nguyễn Hoài Bảo phân tích dịch COVID-19 vẫn đang tác động tiêu cực đến nhiều ngành nghề; trong đó, có ngành gỗ sản phẩm gỗ nhưng cũng mang lại lợi thế cho một số mặt hàng nhất định.
Diễn biến dịch bệnh trên thế giới, đặc biệt là khu vực châu Âu, Mỹ vẫn đang phức tạp, người dân hạn chế ra ngoài mua sắm, giải trí và dành nhiều thời gian ở nhà. Khi phải ở nhà trong thời gian dài thì nhu cầu trang bị tiện nghi cho không gian sinh hoạt của gia đình tăng lên. Điển hình là khu vực sinh hoạt ngoài trời, do đó nhu cầu mua đồ gỗ ngoại thất cho sân vườn gia tăng đáng kể.
Scansia Pacific chủ yếu xuất hàng đi châu Âu và Mỹ, và hiện nay cả hai thị trường này đều đang tăng trưởng khá tốt so với năm 2019, dự kiến năm 2020 có thể tăng trưởng 15-20%. Mức tăng trưởng này có thể không đạt được ở tất cả các doanh nghiệp nhưng có thể đạt được ở một số nhóm sản phẩm phù hợp.
Các mặt hàng xuất khẩu của Scansia Pacific là sản phẩm tháo rời, phù hợp với phương thức thương mại điện tử. Đây là phương thức bán hàng phổ biến và hiệu quả trong thời gian dịch bệnh, người dân hạn chế ra ngoài mua sắm trực tiếp và chuyển sang mua sắm online, giao hàng tại nhà.
"Theo ghi nhận của một số đối tác bán lẻ tại Mỹ và châu Âu thì nhu cầu mua sắm online trong giai đoạn dịch COVID-19 tăng gấp đôi so với trước đó, trong khi số lượng bán hàng tại các showroom đều giảm. Khi nắm được nhu cầu khách hàng và xu hướng tiêu dùng thích ứng với tình hình dịch bệnh, chúng tôi đã đẩy mạnh phát triển các sản phẩm mới có thể tháo rời, gọn nhẹ, phù hợp với kênh bán hàng online," ông Bảo cho biết.
"Về đối tác, Scansia Pacific đã hợp tác với nhiều tập đoàn bán lẻ, thương mại điện tử lớn như Walmart, Amazone và đang tích cực tìm kiếm các đối tác có thế mạnh về thương mại điện tử để tăng số lượng tiêu thụ trong bố cảnh dịch bệnh còn kéo dài và người tiêu dùng vẫn ưu tiên duy trì hoạt động mua sắm trực tuyến," ông Bảo chia sẻ về chiến lược vượt qua khó khăn do dịch COVID-19 của doanh nghiệp.
Trong khi đó, ông Huỳnh Quang Thanh, Tổng Giám đốc Công ty đồ gỗ Hiệp Long, cho biết mặc dù dịch COVID-19 đang ảnh hưởng lớn đến kinh tế toàn cầu và nhiều ngành hàng xuất khẩu.
Tuy nhiên, đơn hàng xuất khẩu của công ty vẫn tốt trong thời gian dịch bệnh. Đó là kết quả của một quá trình dài, sau 30 năm hoạt động với nhiều thăng trầm, công ty đã rút ra kinh nghiệp là không nên tập trung vào một vài thị trường lớn mà cần mở rộng ra nhiều thị trường, không chỉ tập trung vào các khách hàng lớn mà phải đa dạng hóa khách hàng.
"Chính vì vậy, khi dịch bệnh xảy ra, xuất khẩu đi một số thị trường bị gián đoạn nhưng doanh nghiệp có thể đẩy mạnh xuất hàng đi các thị trường chưa bị ảnh hưởng của dịch bệnh để cân đối nguồn thu," ông Thanh nhấn mạnh.
Các doanh nghiệp ngành gỗ chủ yếu tìm khách hàng, đơn hàng thông qua các hội chợ triển lãm chuyên ngành nhưng từ đầu năm 2020 đến nay không có triển lãm nào được tổ chức, cả trong nước và quốc tế.
Do đó, doanh nghiệp cũng phải nhanh chóng thay đổi chiến lược tiếp thị bằng cách đẩy mạnh đầu tư cho website, chạy quảng cáo trực tuyến để tiếp cận người mua hàng từ các kênh thương mại điện tử.
Hiện nay, công ty vừa có những khách hàng đã trở thành mối quen suốt 20 năm qua và cả những khách hàng mới dịch chuyển nhà cung ứng từ thị trường khác.
"Mỗi khu vực thị trường có đặc điểm, xu hướng tiêu dùng khác nhau. Đơn cử, người tiêu dùng Mỹ thích sản phẩm to, chắc chắn trong khi thị trường EU lại chú trọng hơn về tính thẩm mỹ. Trước kia đồ nội thất thường được làm hoàn toàn từ gỗ nhưng ngày nay khách hàng có xu hướng ưa thích các sản phẩm có sự kết hợp vật liệu gỗ với vải, kim loại," ông Huỳnh Quang Thanh cho biết.
"Do đó, dù có sự cố bất ngờ như dịch COVID-19 hay không thì việc tìm hiểu nhu cầu, phát triển sản phẩm mới phù hợp với thị hiếu, xu hướng tiêu dùng của từng thị trường, nhóm đối tượng khách hàng luôn là chìa khóa quan trọng giúp doanh nghiệp phát triển lâu dài," ông Huỳnh Quang Thanh nhấn mạnh.