Theo đánh giá của giới chuyên môn, các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ giúp hàng hóa các bên được ưu đãi về thuế nhập khẩu, dần tiến tới loại bỏ thuế quan.
Việc cạnh tranh bằng những sản phẩm rau củ có thế mạnh sẽ giúp doanh nghiệp Việt chinh phục được người tiêu dùng nội địa |
Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi thì các FTA này cũng có thể gây sức ép cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa cho ngành hàng nông sản, đặc biệt là với hàng rau quả. Các số liệu thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2019, nếu như xuất khẩu rau quả giảm 4,3% giá trị kim ngạch so với cùng kỳ thì nhập khẩu lại tăng 6,8% với kim ngạch nhập gần 1,4 tỷ USD. Trong đó, mặt hàng rau ước đạt 434 triệu USD, tăng hơn 24% so với cùng kỳ. Chính điều này khiến một số doanh nghiệp sản xuất rau quả trong nước bắt đầu có những chiến lược để phát triển thị trường nội địa.
Đơn cử là trường hợp của Tập đoàn Vina T&T. Theo thống kê từ doanh nghiệp này, mỗi năm tổng doanh thu của Vina T&T đạt khoảng 30 triệu USD, tất cả đều đến từ xuất khẩu. Tuy vậy từ tháng 8/2019, tập đoàn đã tiến hành mở một số chuỗi cửa hàng phân phối để đưa những sản phẩm đạt chất lượng xuất khẩu tiêu thụ tại thị trường nội địa.
Ông Nguyễn Đình Tùng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vina T&T - chia sẻ, xuất phát từ suy nghĩ tại sao trái cây Việt Nam đi khắp nơi trên thế giới, và người tiêu dùng khắp nơi trả giá cao để sử dụng mà người tiêu dùng trong nước lại thờ ơ. Vì thế Vina T&T đã mở chuỗi cửa hàng này để người tiêu dùng trong nước nhận thức rõ hơn về trái cây Việt Nam.
“Từ lâu người tiêu dùng trong nước luôn lo lắng về chất lượng trái cây Việt khi bán trong nước không đạt tiêu chuẩn an toàn. Thì nay với chuỗi cửa hàng này chúng tôi mong muốn người tiêu dùng có một địa chỉ để mua trái cây chất lượng”, ông Tùng nhấn mạnh khi nói về mục đích của việc mở các chuỗi cửa hàng tại nội địa.
Cũng tập trung vào nội địa nhưng Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm Kim Hải không cạnh tranh trực diện mà đánh vào những thứ mà doanh nghiệp ngoại không có. Ông Phạm Cao Văn - Giám đốc điều hành công ty - cho biết, nông sản châu Âu về Việt Nam vốn được người tiêu dùng trong nước chấp nhận vì đó là hàng nhập khẩu, có mẫu mã, bao bì cũng như chất lượng theo chuẩn toàn cầu. Vì thế Kim Hải sẽ không cạnh tranh trực tiếp mà liên tục đưa ra những sản phẩm mới phía châu Âu không có. Chẳng hạn như sản xuất nước uống từ trái thanh long kết hợp với hương vị của các loại khác.
Theo đánh giá của giới kinh doanh, khi doanh nghiệp tìm hướng tiếp cận thị trường nội địa sẽ có nhiều lợi thế về am hiểu thị trường, giảm chi phí vận chuyển… Do đó, nếu doanh nghiệp nào có sự đầu tư nghiêm túc, bài bản thì sẽ không khó để chinh phục thị trường nội địa.
Về vấn đề này, bà Lê Thị Nguyên Thùy - Phó Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu MiNa - khẳng định, nếu bán ngay tại thị trường trong nước sẽ giảm đi nhiều chi phí như vận chuyển, thuế quan nên giá thành sẽ rẻ hơn so với bán ra nước ngoài. Đặc biệt, với việc doanh nghiệp cam kết sản xuất theo tiêu chí sạch và nhiều người Việt Nam vẫn ưu tiên dùng hàng Việt thì chắc chắn hàng rau củ sẽ có chỗ đứng trên sân nhà.
Có thể thấy, việc nhiều doanh nghiệp trong nước quan tâm hơn đến thị trường nội địa là một tín hiệu tốt cho người tiêu dùng bởi khi đó thị trường sẽ cạnh tranh hơn và người tiêu dùng sẽ được hưởng những sản phẩm, dịch vụ có chất lượng hơn.