Ngày 8/11, Sở Công Thương Hải Phòng, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) phối hợp tổ chức hội thảo “Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và cơ hội xuất khẩu cho doanh nghiệp”.
Đại diện các chuyên gia của Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) giới thiệu về Hiệp định RCEP. Ảnh: Thu Anh |
RCEP là hiệp định bao gồm 15 quốc gia thành viên, trong đó, có 10 nước ASEAN và 5 nước đối tác: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand ký kết vào ngày 15/11/2020 và có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2022.
Mục tiêu của Hiệp định RECP là thiết lập liên kết kinh tế khu vực hiện đại, toàn diện, chất lượng cao nhằm tạo thuận lợi cho việc mở rộng thương mại và đầu tư, phát triển chuỗi cung ứng trong khu vực và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng - ông Nguyễn Văn Thành thông tin: Kế hoạch thực hiện các hiệp định thương mại tự do thường được Hải Phòng ban hành từ rất sớm, ngay sau khi Chính phủ phê duyệt các hiệp định này, trong đó có RCEP. Việc thực thi các hiệp định luôn được chú trọng, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế của thành phố.
Năm 2024, mặc dù bối cảnh kinh tế thế giới biến động phức tạp, khó khăn nhiều hơn thuận lợi nhưng một số chỉ tiêu cơ bản về xuất nhập khẩu của thành phố vẫn đạt được những kết quả nhất định: tổng kim ngạch xuất khẩu 10 tháng ước đạt 29,28 tỷ USD, tăng 23,23% so với cùng kỳ, đạt 88,73% kế hoạch năm; tổng kim ngạch nhập khẩu 10 tháng ước đạt 23,39 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ, đạt 73,11% kế hoạch năm; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 10 tháng ước đạt 185.559,8 tỷ đồng, tăng 13,45% so với cùng kỳ, đạt 83,4% kế hoạch.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Thu Anh |
Hiệp định RCEP chính thức có hiệu lực từ năm 2022. Mặc dù có độ bao phủ rất lớn nhưng các nước thành viên của RCEP cũng tham gia vào nhiều hiệp định thương mại khác, đồng thời do ra đời sau nên hiện tại tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ RCEP còn chưa đạt được như mong muốn. Tuy nhiên, RCEP cũng có những điểm mạnh mà các Hiệp định thương mại tự do (FTA) khác không có được. RCEP không chỉ đơn thuần là một hiệp định mới mà là sự hợp nhất và mở rộng các FTA trước đây, giúp đơn giản hóa các quy định và tạo ra một khu vực thương mại thống nhất, kết nối các FTA khu vực lại với nhau, tạo ra một không gian kinh tế rộng lớn và gắn kết hơn.
Trình bày tại hội thảo, các chuyên gia của Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) giới thiệu về Hiệp định RCEP và các cam kết liên quan đến hàng dệt may, giày dép, thiết bị điện; những quy tắc xuất xứ trong Hiệp định RCEP và cơ hội thúc đẩy đa dạng hóa và tăng cường xuất khẩu; cơ hội xuất khẩu mặt hàng dệt may và giày dép vào thị trường Nhật Bản; việc nâng cao năng lực xuất khẩu trực tuyến cho doanh nghiệp vừa, nhỏ đến siêu nhỏ… Đồng thời, các đại biểu cùng thảo luận, trao đổi các vấn đề vướng mắc liên quan đến hiệp định RCEP.
Thông qua hội thảo, nhằm nâng cao nhận thức cho các cơ quan quản lý nhà nước cũng như hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp khai thác, tận dụng tối đa lợi ích từ RCEP mang lại đối với xuất khẩu hàng hóa của TP. Hải Phòng.