Thứ bảy 10/05/2025 03:09

Xuất khẩu giai đoạn 2021-2025: Khai thác hiệu quả các FTA và đa dạng hóa thị trường

“Khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA), mở rộng và đa dạng hoá thị trường xuất khẩu...”. Đó là một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra, nhằm góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân cao hơn giai đoạn 2016 - 2020.

Chuyển dịch tích cực

Liên quan đến lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, theo đánh giá về tình hình phát triển kinh tế giai đoạn 2016-2020 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội XIII, xét tổng thể cho thấy: Cán cân thương mại hàng hoá (xuất khẩu/nhập khẩu) của Việt Nam với thế giới đã được cải thiện rõ rệt, chuyển từ thâm hụt thương mại sang thặng dư thương mại. Cơ cấu xuất khẩu/nhập khẩu đã có những chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững hơn. Xuất khẩu là một động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.

Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam trong giai đoạn 2016-2020 đã tăng gấp 1,7 lần, từ 327,8 tỷ USD năm 2015 tăng lên khoảng 517 tỉ USD năm 2019. Trong năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng khó khăn nặng nề do đại dịch Covid-19 tác động, nhưng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn đạt khoảng 527 tỷ USD, với qui mô tương đương trên 190% GDP.

Xuất khẩu hàng hóa qua Cửa khẩu Kim Thành - Lào Cai. Ảnh NQ

Trong đó, xuất khẩu đã tăng từ 162 tỷ USD năm 2015, lên khoảng 267 tỷ USD năm 2020 (tăng bình quân 10,5%/năm) là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Cán cân xuất khẩu/nhập khẩu hàng hoá đã chuyển từ thâm hụt thương mại sang thặng dư thương mại cuối kỳ trong 5 năm 2016-2020, tạo điều kiện cho cán cân thanh toán giữ được trạng thái tích cực, góp phần vào việc ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô khác.

Cơ cấu xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa đã chuyển dịch theo hướng giảm xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp; tăng nhập khẩu các mặt hàng cho sản xuất và xuất khẩu. Trong đó, xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước đã ngày càng được cải thiện về tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu và tốc độ tăng trưởng. Quy mô các mặt hàng xuất khẩu đã được mở rộng, số mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên tăng qua các năm. Thị trường xuất khẩu đã từng bước được mở rộng và đa dạng, nhiều sản phẩm của doanh nghiệp trong nước đã có chỗ đứng và khả năng cạnh tranh ở nhiều thị trường trên thế giới có yêu cầu cao về chất lượng. Nhập khẩu hàng hóa thì tập trung chủ yếu ở nhóm hàng cần thiết phục vụ cho sản xuất, xuất khẩu và phục vụ cho các dự án đầu tư lĩnh vực năng lượng, điện tử.

Khai thác FTA và đa dạng hóa thị trường

Tuy nhiên, đến nay, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trên thực tế vẫn còn phụ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Phần lớn các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam đều chưa xây dựng được thương hiệu riêng, chưa ổn định và vững chắc. Xuất khẩu dịch vụ vẫn còn hạn chế, chưa khắc phục được tình trạng thâm hụt trong cán cân xuất khẩu/nhập khẩu dịch vụ, trong khi tỷ trọng nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu và hàng tiêu dùng có xu hướng tăng.

Xuất khẩu hàng hóa qua Cửa khẩu Hữu Nghị - Lạng Sơn. Ảnh NQ

Trong giai đoạn 2021-2025, nền kinh tế Việt Nam vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, rủi ro. Chẳng hạn như rủi ro có thể mắc “bẫy thu nhập trung bình”; khả năng tụt hậu kinh tế vẫn cao; độ mở của nền kinh tế lớn khiến tác động tiêu cực từ bên ngoài vào cũng nhanh và mạnh hơn; khả năng độc lập, tự chủ của nền kinh tế vẫn chịu ảnh hưởng mạnh bởi biến động từ hoạt động sản xuất của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và một số thị trường lớn… Chính vì vậy, mục tiêu tổng quát giai đoạn 2021-2025 về phát triển kinh tế Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, đó là, phải bảo đảm nền kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững, tốc độ tăng trưởng cao hơn mức bình quân của giai đoạn 2016 - 2020. Nghị quyết Đại hội XIII cũng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu một số lĩnh vực, một số ngành kinh tế trọng điểm, trong đó có lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu.

Theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đối với xuất khẩu, trong giai đoạn 2021-2025, cần phải tăng cường khai thác hiệu quả cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, mở rộng và đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, không để phụ thuộc quá lớn vào một thị trường. Tiếp tục tích cực đàm phán các hiệp định thương mại song phương và đa phương, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đại diện thương mại, xúc tiến thương mại của Việt Nam tại nước ngoài phục vụ cho xuất khẩu hàng hóa. Hoàn thiện chính sách thương mại phù hợp với điều kiện của đất nước và quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng. Nghiên cứu các biện pháp thực hiện phòng vệ thương mại thích hợp, xây dựng hàng rào kỹ thuật để bảo vệ sản xuất trong nước và lợi ích người tiêu dùng phù hợp cam kết quốc tế. Nghiên cứu phương án giảm ảnh hưởng tiêu cực từ các cuộc xung đột thương mại đến hoạt động xuất khẩu.

Đối với nhập khẩu, ưu tiên nhập khẩu máy móc, thiết bị, vật tư đầu vào được tạo ra từ công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, hàng hoá trong nước chưa sản xuất được; kiểm soát hiệu quả việc nhập khẩu hàng hoá không thiết yếu, trong nước sản xuất được.

Ngoài ra, cần tăng cường quản lý biên mậu, thúc đẩy tăng hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu chính ngạch theo hợp đồng. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, chống gian lận thương mại, nhãn hiệu hàng hoá, xuất xứ hàng hoá. Đổi mới, nâng cao hiệu quả cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương và hiệp hội doanh nghiệp trong việc xử lý các vấn đề phát sinh trong thương mại quốc tế.

Ngọc Quỳnh

Tin cùng chuyên mục

Loạt giải pháp giữ vị thế ngành sầu riêng Việt Nam

Cơ hội xuất khẩu quả bưởi khi Australia hoàn tất đánh giá

Lý do tổ yến 'made in Việt Nam' vào Trung Quốc còn khiêm tốn

Cảnh báo sớm: ‘Lá chắn’ bảo vệ hàng Việt xuất khẩu

Thức tỉnh ‘giấc mơ’ thương hiệu: Câu chuyện đặc biệt từ một gói cà phê

Giải 'cơn khát' nhân lực trong thương mại điện tử

VPPE 2025: Thúc đẩy phát triển công nghệ xanh ngành bao bì

Hà Giang: Dòng chảy số gỡ 'nút thắt' hàng hóa nông sản cho người dân

Dự án Luật Thương mại điện tử do Bộ Công Thương xây dựng được đánh giá cao

Xúc tiến thương mại: Đa dạng ‘kênh’ mở rộng thị trường

Chất lượng tốt, cà phê Robusta Việt Nam được nhiều thị trường ưa chuộng

Hội chợ xúc tiến thương mại cho các hợp tác xã miền Bắc: Kết nối và lan toả

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 4 tháng/2025 tăng 15,7% so với cùng kỳ

Chủ động thích ứng, doanh nghiệp tăng tốc xuất khẩu hàng hóa

Hà Nội: Xuất khẩu hàng hóa đạt 6,4 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm 2025

Thương mại điện tử nội địa cần làm gì để không bị “lép vế”?

Hợp tác Việt Nam - Kazakhstan: Mở lối sang ngành công nghiệp nền tảng, giá trị cao

Xuất khẩu tăng, ngành nông nghiệp xuất siêu hơn 5,1 tỷ USD

Bộ Công Thương sửa đổi quy định về xuất xứ hàng hóa và giấy chứng nhận C/O

Infographic | Xuất khẩu sang Liên bang Nga đạt 545,5 triệu USD trong quý 1/2025