Xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc: Doanh nghiệp kỳ vọng
Rốt ráo chuẩn bị
Ông Nguyễn Mạnh Thắng- Giám đốc Chi nhánh tại Hà Nội, Công ty TNHH Nhà nước MTV Yến sào Khánh Hòa, đánh giá: Trung Quốc là thị trường tiềm năng cho mặt hàng yến sào, đặc biệt từ khi hai nước ký Nghị định thư cho phép Việt Nam xuất khẩu chính ngạch mặt hàng này.
Thực tế thời gian qua, doanh nghiệp vẫn xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng theo đường tiểu ngạch, hiện đang thúc đẩy hoàn thành các thủ tục để được phép xuất khẩu chính ngạch.
“Tuy nhiên, đối với sản phẩm yến đảo tự nhiên không thể dồi dào và như yến do con người nuôi. Để đáp ứng nhu cầu, công ty đang triển khai việc nuôi yến để khi Trung Quốc cho phép xuất khẩu sẽ đảm bảo đủ nguồn hàng”, ông Nguyễn Mạnh Thắng cho hay.
Yến sào Khánh Hoà là một trong số nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang có định hướng và xây dựng kế hoạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, nhất là để tận dụng thời điểm thị trường này mở cửa sau đại dịch.
Dù háo hức với thị trường Trung Quốc, tuy nhiên doanh nghiệp Việt Nam được khuyến cáo cần thận trọng, nguyên do được ông Lê Hoàng Tài- Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương đưa ra: Qua câu chuyện về truy xuất nguồn gốc, kiểm soát điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm tăng lên thời gian qua thì Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính.
Thị trường Trung Quốc có nhu cầu cao với hàng nông, thủy sản của Việt Nam |
Do vậy, doanh nghiệp Việt Nam phải đặc biệt lưu ý, bởi lẽ nếu không đáp ứng các tiêu chuẩn tối thiểu để có thể đưa hàng hóa vào thị trường nhập khẩu ảnh hưởng sẽ là rất lớn. “Chúng ta biết rằng Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, nhất là nhóm hàng nông, lâm, thủy sản. Vì vậy trong bất cứ bối cảnh nào, doanh nghiệp phải thích nghi và cần cải tiến từ khâu nuôi, trồng, giống để đáp ứng đủ tiêu chuẩn”, ông Lê Hoàng Tài nhấn mạnh.
Bên cạnh độ khó về tiêu chuẩn chất lượng tăng lên, sức ép cạnh tranh tại thị trường Trung Quốc không hề nhẹ. Với quy mô dân số lớn, nhu cầu tiêu dùng khổng lồ Trung Quốc là miếng bánh hấp dẫn cho mọi nhà cung ứng trên thế giới. Và việc Trung Quốc mở cửa đã không chỉ tạo cơ hội cho Việt Nam gia tăng xuất khẩu mà còn mở cánh cửa cho các quốc gia khác.
Về điều này, ông Lê Hoàng Tài thông tin: Khi Trung Quốc mở cửa, cạnh tranh xuất khẩu là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, so với các nước khác Việt Nam có lợi thế, trong đó hai nước gần về vị trí địa lý; văn hóa thị hiếu có điểm tương đồng. Đặc biệt nhóm hàng về thực phẩm, nông, thủy sản của Việt Nam rất được người Trung Quốc ưa dùng.
Xúc tiến các mặt hàng thế mạnh
“Dù có lợi thế nhưng nếu không biết tận dụng cơ hội mới mà chỉ dựa vào lợi thế sức cạnh tranh sẽ giảm. Bộ Công Thương cũng đã giao nhiệm vụ cho Cục Xúc tiến thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc triển khai các hoạt động hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu cho doanh nghiệp, ngành hàng trong nước để ổn định kim ngạch”, ông Lê Hoàng Tài cho hay.
Vì vậy từ nay đến cuối năm, sẽ có nhiều hoạt động XTTM ở thị trường Trung Quốc được khai thác, như: Hội chợ ở Hải Nam; triển lãm về doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Quảng Châu; hội chợ xuất nhập khẩu ở Côn Minh; hội chợ ASEAN- Trung Quốc… Đây là những hội chợ lớn, là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác ở thị trường Trung Quốc.
Trong bối cảnh xuất khẩu giảm tốc độ tăng trưởng, áp lực xúc tiến xuất khẩu, xúc tiến thị trường rất lớn, tuy nhiên phải thẳng thắng nhìn nhận rằng công tác xúc tiến thương mại của Việt Nam đang hạn chế hơn so với nhiều nước khác. Nguồn kinh phí dành cho xúc tiến thương mại quốc gia của Việt Nam tương đối hạn hẹp, khoảng 130 tỷ đồng/năm trong khi đó có hơn 100 hiệp hội ngành hàng, 63 tỉnh thành phố. Kinh phí hạn hẹp ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động xúc tiến thương mại khiến một số hoạt động còn thiếu chuyên nghiệp.
Để khắc phục, theo ông Lê Hoàng Tài, gia tăng nguồn kinh phí cho Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mạilà điều kiện cần thiết để từ đó có thể triển khai nhiều hơn các hoạt động có quy mô và đạt hiệu quả cao.
Mặt khác, Thương vụ Việt Nam ở Trung Quốc phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại và hiệp hội, địa phương tìm hiểu kỹ địa bàn, nghiên cứu, đề xuất các hoạt động xúc tiến thương mại để các doanh nghiệp Việt Nam tham dự có hiệu quả nhất. Không thực hiện xúc tiến thương mại theo kiểu dàn trải mà lựa chọn thị trường nào, nhóm hàng nào có thế mạnh cạnh tranh hoặc có tiềm năng tiêu thụ và đẩy mạnh mặt hàng ở thị trường đó.