Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong số các thị trường xuất khẩu chính của cá ngừ Việt Nam thì khối thị trường EU và CPTPP (theo Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) có sự tăng trưởng rõ rệt.
VASEP cho rằng, trong bối cảnh xuất khẩu khó khăn như hiện nay thì chính các ưu thế về thuế quan thông qua Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và CPTPP đang thu hút sự chú ý của các nhà nhập khẩu và tạo điều kiện cho doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu. Các thống kê Hải quan cho thấy, trong tháng 4/2021 tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cá ngừ sang EU và CPTPP đã tăng lần lượt 37% và 47% so với tháng 3/2021. Đáng chú ý, trong cơ cấu xuất khẩu các sản phẩm đã có sự dịch chuyển mạch sang nhóm hàng cá ngừ tươi và đông lạnh so với trước đây.
Tại thị trường Mỹ, xuất khẩu cá ngừ tăng 56%, cao hơn so với tháng 3/2021 và cơ cấu sản phẩm xuất khẩu cũng đang có sự dịch chuyển khi cá ngừ chế biến và đóng gói hộp tăng trưởng chậm lại còn cá ngừ tươi và đông lạnh lại tăng cao.
Một điều đáng lưu ý khác là dù số thị trường xuất khẩu của Việt Nam đã thu hẹp khi giảm 27 thị trường và chỉ còn 63 thị trường bởi tác động của dịch bệnh song giá trị xuất khẩu 4 tháng đầu năm nay vẫn tăng trưởng 2 con số - cho thấy sự thích nghi của doanh nghiệp thủy sản bất chấp đại dịch.
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, tốc độ tăng trưởng của xuất khẩu thủy sản nói chung đã phục hồi từ đầu năm 2021. Dự kiến đến cuối năm nay, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam có thể được hưởng lợi từ 2 cơ hội chính là giành thị phần từ đối thủ cạnh tranh có sản lượng sản xuất bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 và tiếp tục tăng trưởng từ mảng bán lẻ và bán hàng trực tuyến trong khi nhu cầu từ kênh nhà hàng sẽ sớm phục hồi.