Chủ nhật 22/12/2024 09:02

Xe đạp công cộng tại Hà Nội và bài toán "dặm cuối" trong hệ thống giao thông

Xe đạp công cộng sẽ chính thức "lăn bánh" tại Hà Nội đúng dịp 2/9, tuy nhiên để giải bài toán "dặm cuối" trong giao thông công cộng sẽ là một hành trình dài.

Theo kế hoạch, dự án xe đạp công cộng tại Hà Nội sẽ chính thức "lăn bánh" phục vụ nhân dân Thủ đô trước ngày Quốc khánh 2/9 tới, chậm hơn so với kế hoạch đề ra khoảng 9 tháng.

Dự án xe đạp công cộng tại Hà Nội sẽ chính thức "lăn bánh" phục vụ nhân dân Thủ đô trước ngày Quốc khánh 2/9

Trước đó, Sở Giao thông vận tải Hà Nội và nhà đầu tư tuyên bố đưa vào vận hành từ tháng 1/2023. Tháng 12/2022, UBND thành phố Hà Nội đã thống nhất về chủ trương triển khai thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng trên địa bàn thành phố theo đề xuất của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, thời gian thí điểm 12 tháng.

Giai đoạn 1, nhà đầu tư sẽ đầu tư 1.000 xe đạp, trong đó có 50% là xe đạp điện, bố trí tại 79 điểm ở 6 quận trung tâm là Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Đống Đa, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng. Đối tượng phục vụ của dự án là người dân sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng, học sinh - sinh viên, khách du lịch…

Xe đạp công cộng được cho là sẽ giúp đi lại thuận lợi hơn trong nội đô Hà Nội, kết nối giữa bến xe buýt, nhà ga đường sắt đô thị, các khu đô thị, mua sắm… Trước đó, đại diện doanh nghiệp này cũng kỳ vọng, mô hình xe đạp công cộng sẽ tham gia trực tiếp vào việc giải quyết “bài toán dặm cuối” như nhiều nước đã làm.

Như vậy, Hà Nội là địa phương thứ 6 triển khai mô hình xe đạp công cộng. Trước đó, 5 tỉnh, thành phố đã khai trương mô hình này là TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng, Hải Dương và Bình Định.

Ông Đỗ Bá Dân - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Trí Nam - đơn vị tổ chức dự án cho biết, trong thời gian đầu mỗi khách hàng đến các điểm vận hành được hướng dẫn cài đặt app đăng ký, sử dụng và được công ty tặng 1 giờ đi xe đạp công cộng miễn phí.

Về mức giá, để sử dụng xe đạp cơ bình thường, khách hàng chỉ cần bỏ ra số tiền 5.000 đồng cho thời gian 30 phút. Đối với xe đạp điện, chi phí sẽ ở mức 10.000 đồng/30 phút. Căn cứ vào thực tế, Trí Nam sẽ đánh giá tỷ lệ lựa chọn, sử dụng và tiếp tục có phương án điều chỉnh loại hình phương tiện phù hợp nhu cầu khách hàng.

Mô hình xe đạp công cộng không phải là mới trên thế giới. Mong muốn giảm thiểu khí thải từ ô tô và xe máy cũng như giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thông ngày một nghiêm trọng, nhiều đô thị trên thế giới đã triển khai hàng loạt chính sách khác nhau để khuyến khích người dân sử dụng xe đạp.

Hệ thống xe đạp công cộng trên thế giới hiện tập trung vào hai mục tiêu chính. Thứ nhất, khuyến khích người dân đi lại bằng phương tiện công cộng (xe buýt, tàu điện ngầm...). Người dân sẽ dễ dàng dùng xe đạp công cộng để tiếp cận các điểm cần đến hoặc cần đi từ trạm xe buýt hoặc tàu điện ngầm.

Ngoài ra, người dân cũng có thể sử dụng xe đạp công cộng này để đi lại tham quan trong phạm vi hẹp như các khu du lịch, khu thương mại, khu trung tâm thành phố bằng cách thuê xe đạp theo giờ hoặc ngày.

Theo báo cáo giữa năm 2021 của The Meddin Bike-sharing World Map, tính đến tháng 8/2021, có khoảng hơn 10 triệu xe đạp chia sẻ thuộc các mô hình chia sẻ xe đạp khác nhau trên thế giới.

Trung Quốc được xếp hạng là quốc gia có số lượng hệ thống xe đạp chia sẻ đang hoạt động đứng đầu thế giới. Trong khi đó, Hà Lan - vương quốc xe đạp - được cho là nơi đầu tiên trên thế giới phát minh ra xe đạp chia sẻ.

Tại Hà Lan, chỉ có 17 triệu dân nhưng lại sở hữu hơn 20 triệu chiếc xe đạp. Chưa kể có tới 35.000km đường dành riêng cho những người đi xe đạp, nơi họ có thể thảnh thơi lưu thông một cách an toàn mà không hề lo lắng tai nạn giao thông bất ngờ ập đến với mình. Nếu chỉ phải di chuyển trong vòng 7,5km thì người dân Hà Lan không chọn phương tiện giao thông nào khác ngoài xe đạp.

Xe đạp công cộng cũng mang lại nhiều lợi ích cho các thành phố lớn, đáng chú ý nhất là Thượng Hải. Theo Đại học Leeds (Anh), một cuộc đánh giá dữ liệu với hơn 2 triệu lượt đi bằng xe đạp cho thấy xe đạp công cộng ở Thượng Hải đã giúp giảm bụi mịn PM2.5 và lượng nitrogen oxide (NOx) thải ra lần lượt là 2,7% và 0,9%.

Việc đạp xe đạp tại Hà Lan tương đương việc trồng mới 54 triệu cây xanh mỗi năm

Trở lại với Hà Nội, các chuyên gia khẳng định việc đưa vào thí điểm xe đạp công cộng là cần thiết. Việc này hi vọng sẽ tạo ra một nhận thức mới trong bảo vệ môi trường, nhất là trong giới trẻ. Tuy nhiên, để tạo lên cú hích thì đây là bài toán khó.

Một trong những thách thức đầu tiên khi vận hành đó là thu hút người dùng. Bên cạnh đó, các nhà hoạch định chính sách cần giải quyết những thách thức liên quan tới an toàn đường bộ, sự hợp nhất giữa các mạng lưới giao thông công cộng và không cơ giới, các mô hình kinh doanh bền vững và chia sẻ dữ liệu.

Ngoài ra là các vấn đề về mặt bằng, cơ sở hạ tầng. Việc đăng ký quản lý và thu hồi xe đạp công cộng phải diễn ra trên một diện tích tương đối rộng, khi đó việc đi lại của người dân thuận tiện thì họ mới chú trọng phương thức này. Nếu chỉ triển khai trên một số vùng, hay một số tuyến thì sẽ không giải quyết được vấn đề.

Rõ ràng, từ chủ trương chính sách chuyển sang giai đoạn thí điểm cũng mất một thời gian. Và từ thí điểm đến khi trở thành ngành công nghiệp xe đạp chia sẻ sẽ phải trải qua hành trình không ngắn. Trong hành trình này, nhiều vấn đề mà cả cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp kinh doanh mô hình này sẽ phải đối mặt.

Theo các chuyên gia, chìa khóa để giải bài toán "dặm cuối" trong hệ thống giao thông công cộng đến từ nhiều yếu tố. Kinh nghiệm từ các nước triển khai mô hình thành công cho thấy, đầu tiên là địa lý của thành phố. Một yếu tố quyết định khác của sự thành công là cách những chương trình này gia nhập vào hệ thống giao thông hiện hành. Độ dài của những làn đường cho xe đạp bắt đầu từ các bãi đậu có tác động lớn tới việc sử dụng. Nói cách khác, cơ sở hạ tầng càng tốt, xe đạp càng được sử dụng nhiều hơn. Hà Lan và Đức là những ví dụ điển hình.

Tương lai của xe đạp công cộng vẫn được cho là khả quan. Tuy nhiên, tạo ra một hệ thống chất lượng cùng nền tảng phù hợp sẽ giúp việc sử dụng hiệu quả và lâu dài.

Bài học kinh nghiệm của các nước đi trước sẽ giúp Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng hướng đến xây dựng ngành công nghiệp xe đạp chia sẻ. Trong đó, quy hoạch lại hệ thống giao thông đô thị là giải pháp cần phải tính tới.

Nguyễn Hạnh
Bài viết cùng chủ đề: Hà Nội

Tin cùng chuyên mục

Một nhịp đèn hơn 300 xe máy đi ngược chiều: Đừng để nhanh 1 phút, chậm nhiều cuộc đời!

Lấy vi phạm để 'chạy truyền thông', Tiktoker Dưỡng Dướng Dường quá ngông!

Cuộc chiến chống tin giả: Thách thức đối với an ninh mạng

Bàn về một số vấn đề khi sắp xếp tinh gọn bộ máy: Nhìn từ Đà Nẵng

Chuyện thưởng Tết và góc khuất của nghề freelancer

Nhìn lại 4 “đại án” năm 2024 và tinh thần ‘4 không’ trong chống tham nhũng

Đưa hàng hiệu giá hấp dẫn đến với người tiêu dùng: ‘Chìa khoá’ chinh phục niềm tin trong khó khăn

Thực phẩm chức năng 'nổ' như thuốc chữa bệnh: Phải xử nghiêm hành vi trục lợi

Từ Phan Sào Nam đến Phó Đức Nam: Khi trí tuệ bị đặt nhầm chỗ

Chuyển đổi xanh phải thay đổi từ kế hoạch đến hành động

Cơ cấu nợ cho khách hàng bị thiệt hại bởi bão số 3- chính sách tín dụng đậm ý nghĩa nhân văn

Trong trại giam, Mr Pips Phó Đức Nam có thấu?

Thời trang Việt Nam và ước mơ thương hiệu ‘trăm năm’

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Tinh gọn bộ máy đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước

Cấm thuốc lá điện tử từ năm 2025: Quyết định ‘hợp lòng dân’

Đánh thuế bất động sản: Triệt nạn đầu cơ nhưng cần hài hòa lợi ích

'Cáo mượn oai hùm' để lừa đảo tài chính qua mạng

Khi giới trẻ được học cách làm chủ tài chính

Hóa giải thách thức trong triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam

Từ vụ bắt giữ hơn 200.000 lon nước giải khát: Cần xử lý nghiêm hành vi xâm phạm quyền nhãn hiệu